Khi công nghệ làm giàu truyền thống

VHO- Một tiến sĩ vật lý và một nghệ nhân dân gian cùng gặp nhau để bàn cách đưa trầm hương đến với nhiều người Việt Nam hơn.

Khi công nghệ làm giàu truyền thống - Anh 1

Sự kết hợp của nghệ nhân Trần Phê (gần 40 năm tìm trầm, ngửi trầm) và TS. Đỗ Hoàng Tùng - Giám đốc Trung tâm Vật Lý Kỹ thuật, Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam để tạo ra những mảnh trầm tinh khiết

Ngành trầm hương đã ra đời cùng những truyền thuyết và đến nay vẫn tồn tại bằng truyền thuyết. Người ta mua bán trên cảm quan, quảng bá bằng truyền khẩu và tính toán trên kinh nghiệm. Nhưng có một nhà khoa học tin rằng anh có thể cải thiện mọi thứ bằng logic. Không mấy người tin. Hàng thế kỷ qua, cả một thị trường bạc tỷ đồng đã được vận hành bằng kinh nghiệm truyền khẩu, không ai cần đến một ông tiến sĩ vật lý trở về từ Đức nói cho họ thế nào là “sạch hơn” và “thơm hơn”.
Cuộc hành trình tưởng vô vọng ấy chỉ đến một chương mới, khi tương lai gặp quá khứ, công nghệ gặp truyền thống, một nhà khoa học gặp được một nghệ nhân dân gian tâm đầu ý hợp. 
Hiểm nguy tìm trầm
Nghệ nhân Trần Phê ở làng Vạn Giã, người đã là phu trầm từ năm 17 tuổi, nói rằng cái nguy hiểm đầu tiên không đến từ núi rừng. Nó đến từ lòng tham của con người. Trầm hương kể từ khi được phát hiện hàng thiên niên kỷ về trước, đã luôn là loại hương liệu quý giá, là thứ các thương nhân từ Trung Hoa đến Trung Đông săn lùng. Tìm thấy trầm đôi khi là tai họa. Nếu lòng tham con người nổi lên, ngậm ngải cũng không thể cứu mạng.
Từ làng Vạn Giã đi vào chân núi Trường Sơn sẽ gặp một con suối nhỏ, bước qua là kết thúc làng mạc để bắt đầu lên rừng. Bên suối có ngôi miếu thờ dưới tán cây cổ thụ. Ở vùng biên giới giữa làng xóm và rừng xanh này, chính là nơi những phu trầm như ông Phê năm xưa, làm mâm cúng bà trước khi lên núi tìm trầm. 
Mâm cúng thường đơn giản, có gạo, muối, ai nhiều tiền thì có đầu heo – bởi phần lớn họ là những người nghèo mong đổi vận mới dấn thân. Nhưng các phu trầm luôn thành tâm, với muôn vàn điều kiêng kỵ không thể kể hết: bước chân vào cánh rừng này, họ phó mặc cho số trời.
Tai nạn, thú dữ, đói khát, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra bởi chuyến đi rừng ấy dài không có đích đến. Không ai biết trầm ở đâu. Họ đi tìm từng gốc cây dó bầu. Họ khám từng gốc xem có trầm hình thành không. Việc trầm hình thành từ cây dó bầu hoàn toàn là điều ngẫu nhiên – và sự ngẫu nhiên ấy làm nên tính quý hiếm của trầm.
“Nhưng ngay cả lấy được trầm về rồi, bán được cho thương lái rồi, giàu có rồi, chưa chắc đã là phúc”, ông Phê nói. Dân gian vẫn lưu những truyền thuyết về các gia đình giàu có lên nhờ trầm, nhưng không bền, vẫn bị Bà trách. Tai nạn, phá sản, không có hậu đường con cái, những câu chuyện mang màu sắc mê tín vẫn được kể cho nhau nghe hàng thế hệ, như là biểu tượng cho sự hiểm nguy của trầm.  
“Bà” là Thánh mẫu Thiên Y An Na, nhân vật truyền thuyết đã dạy người dân Việt Nam biết đến sự quý giá của Trầm. 

Khi công nghệ làm giàu truyền thống - Anh 2

Một tiến sĩ vật lý và một nghệ nhân dân gian cùng gặp nhau để bàn cách đưa trầm hương đến với nhiều người Việt Nam hơn

Rồi không chỉ có phu trầm. Bao người đã phá sản, cùng đường vì buôn bán trầm – vì một thị trường đầy rẫy âm mưu, thủ đoạn. Ngay từ thế kỷ thứ 18, trong các thư tịch cổ, các nhà thám hiểm phương Tây đã ghi chép về nạn trầm giả, về việc khó tìm được trầm chất lượng cao.
Nghệ nhân Trần Phê từ bỏ việc lên núi tìm trầm từ ngày trẻ. Ông chuyên tâm vào việc buôn bán trầm, và sản xuất các sản phẩm từ trầm hương. Sau bao nhiêu hiểm nguy, đánh đổi, sau những câu chuyện thần bí, sự khao khát và cả nỗi sợ hãi với trầm, thứ bền vững nhất còn lại ở cái làng Vạn Giã này chính là kiến thức về những mùi hương.
Sau 30 năm, đằng sau xưởng chế biến hương trầm nhỏ bên mặt lộ ở làng Vạn Giã, là một người đàn ông có khả năng phân biệt các loại trầm hương bằng cảm nhận. Ông chỉ cần ngửi hương sống một lần, cầm nó lên tay, là phân biệt được trầm loại 3 với trầm loại 1. Cho đến cùng, đó là thứ quan trọng nhất mà những người làm trầm bên dãy Trường Sơn này cần, để sinh tồn, chứ không phải để làm giàu.
Gian nan tìm hương
Trước khi gặp nghệ nhân Trần Phê, TS. Đỗ Hoàng Tùng vẫn có lúc nghĩ rằng mình đang đi trên một hành trình vô phương.
Nhà vật lý học trở về từ Đức với kiến thức về công nghệ plasma và niềm tin rằng nó có thể cải thiện chất lượng sống của người Việt Nam. Anh đã thành công: thiết bị làm khô vết mổ bằng công nghệ plasma do anh đồng thiết kế đã đi vào cuộc sống. Giờ nó được ứng dụng tại 200 bệnh viện trong cả nước, và phục vụ khoảng 10.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng.

Với nhiều người, đó đã là một thành quả đáng tận hưởng. Nhưng với một người đã theo đuổi công nghệ plasma từ khi 21 tuổi đến tận tuổi trung niên, tiến sĩ Tùng vẫn trăn trở làm thế nào tiếp tục đưa plasma vào cuộc sống. 
Ý tưởng sử dụng plasma cho trầm hương khởi phát từ một buổi nói chuyện với một người bạn về các không gian văn hóa tâm linh tại Việt Nam. Họ bàn đến những nén hương. 
Công nghệ đã góp sức tạo nên mọi mặt của không gian tâm linh Việt Nam, một cách dễ dàng hơn, để nhiều người có thể tiếp cận: những hoa văn gỗ được tạo tác bằng công nghệ cắt laser; những vật liệu nhẹ được ứng dụng, ngày nay người ta không cần phải hạ những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi để có thứ gỗ chống được mối mọt nữa; ánh sáng trong không gian thờ đã thay từ nến thành những ngọn đèn vĩnh cửu. 

Khi công nghệ làm giàu truyền thống - Anh 3

Nhưng hương trầm thì vẫn là một địa hạt cấm: không có cách nào để sử dụng loại hương liệu quý giá này hiệu quả hơn – và đó là lý do người ta phải dùng hóa chất để tạo ra những thứ “giống trầm” cho nhiều người có thể tiếp cận.
“Plasma giải quyết được”, anh Tùng nói. Vị tiến sĩ quả quyết: “Tôi có thể làm cho trầm sạch hơn và thơm hơn, nhiều người có thể dùng trầm hương thật hơn”.
Trầm hương và thị trường buôn bán trầm hương là một không gian thần bí, mà ở đó, kinh nghiệm và lời truyền khẩu là thứ quyết định mọi hoạt động. Nó đã thần bí hàng thiên niên kỷ, và chưa từng có ai mong muốn giải thiêng lĩnh vực này.
TS. Đỗ Hoàng Tùng vẫn tin vào sức mạnh của khoa học và logic. Với anh, “Sạch hơn” và “Thơm hơn” là điều chắc chắn công nghệ plasma có thể làm.
TS. Đỗ Hoàng Tùng là một nhà khoa học, anh tư duy thuần logic. Còn thị trường trầm hương, hay xã hội nói chung tiếp cận trầm một cách cảm tính. Dù mỗi ngày người Việt sử dụng hàng chục tỉ đồng tiền hương đốt, dù thị trường buôn bán trầm có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng, nó chưa bao giờ được đo đếm bằng các thang đo định lượng. Trong phòng thí nghiệm, nhà khoa học thử, thất bại, rồi lại thử, cho đến khi anh thực sự làm sạch và giải phóng được nhiều phân tử mùi trong trầm hương hơn – mà không biết ngày mai, liệu có ai ứng dụng công nghệ của mình không hay mọi chuyện vẫn sẽ trông vào… truyền khẩu.
Sau khi ra thành phẩm rồi, là một chuỗi ngày lang thang dọc dải bờ biển Khánh Hòa – nơi trầm hương là một biểu tượng, để tìm người kiểm chứng thành quả của mình. 
Anh chỉ thở phào vào ngày gặp nghệ nhân Trần Phê. Trong cái xưởng nhỏ của ông Phê ở làng Vạn Giã, nhà khoa học đưa cho người nghệ nhân những mảnh trầm đã được xử lý bằng công nghệ plasma. Ông Phê ngay lập tức nhận ra rằng những khối trầm này thực sự “thơm hơn”. 
Tương lai của ngành trầm
40 năm tồn tại bằng kinh nghiệm – nhưng ông Trần Phê không vì thế mà phủ nhận  thành quả của “tay mơ” Đỗ Hoàng Tùng, người đã nhìn trầm hương hoàn toàn bằng logic. Ông biết rằng thứ mà anh Tùng vừa đưa cho mình có thể là tương lai của ngành trầm.

Khi công nghệ làm giàu truyền thống - Anh 4

Ông Trần Phê không có ý định sử dụng tư cách “nghệ nhân” để bán những truyền thuyết, bán những thứ thần bí lấy bạc tỉ. Từ xưa, gia đình ông đã làm ra những món hàng nhỏ từ trầm thật, đã chăm chú phục vụ những khách hàng bình dân muốn được tận hưởng mùi hương của trầm thật. Và công nghệ plasma có thể sẽ cải thiện điều đó: nếu tinh dầu trầm, điều quý giá nhất trong những khối gỗ kia, có thể được giải phóng nhiều hơn, nó sẽ làm giá thành của trầm hương hạ xuống để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với trầm.
Đó là cuộc hợp tác của hai con người kỳ lạ, khi họ không nghĩ đến việc tăng giá của sản phẩm mình bán ra – mà tìm cách hạ nó xuống, dù vẫn tăng giá trị. Họ cùng tin vào một sứ mệnh mà trước đó “hoang đường”, là mọi người Việt Nam đều có thể chơi trầm, một thứ trầm còn tinh khiết hơn những gì họ đang tìm thấy. Trước đó, có một tập quán kinh doanh tồn tại ở nhiều nơi, là càng làm cho trầm thần bí, càng phủ vây nó bởi nhiều truyền thuyết, thì càng có thể bán đắt.
Nghệ nhân Trần Phê quyết định rằng mình sẽ cùng mở một trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ của TS. Đỗ Hoàng Tùng. Giới Đức Hương ra đời. 
Năm 2022 này, những que nhang trầm đầu tiên được ứng dụng công nghệ plasma, từ những mảnh trầm do chính ông Trần Phê tuyển lựa, sẽ ra đời tại Vạn Giã. Lần đầu tiên, tại mảnh đất dưới chân núi được bao phủ bởi những chuyện huyền linh, Giới Đức Hương đầu tư nhà máy, với phòng lab và các bộ tiêu chuẩn sản xuất của thế giới. Họ đặt mục tiêu đưa sản phẩm đến cả các thị trường khó tính nhất như Nhật và châu Âu; cũng như thực hiện các nghiên cứu quy mô trong tương lai về dược tính của trầm. 
Tương lai không phủ nhận quá khứ. Trầm vẫn giá trị bởi những truyền thuyết bao quanh nó, và sự trân trọng mà người Việt Nam đã dành cho nó trong lịch sử. Ông Trần Phê vẫn tự tay lựa từng mảnh trầm nguyên liệu cho Giới Đức Hương, bằng 40 năm kinh nghiệm của mình. Nhưng quá khứ cũng không phủ nhận tương lai: bằng sức mạnh công nghệ, thứ sản vật vi diệu của núi rừng miền Trung sẽ trở nên tinh khiết hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, và nhiều người có thể chạm tay đến hơn.

SONG MY

Ý kiến bạn đọc