Du lịch xanh ở làng gốm Thanh Hà

VHO- Trải qua bao thăng trầm, làng nghề gốm hơn 500 tuổi ở Thanh Hà, TP Hội An (Quảng Nam) vẫn bền bỉ và bảo lưu được tri thức kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống cùng với đội ngũ nghệ nhân làm gốm tay nghề cao.

Du lịch xanh ở làng gốm Thanh Hà - Anh 1

 Du khách thích thú khám phá làng gốm

Bên cạnh đó, một thế hệ nghệ nhân trẻ, lành nghề với nhiều sáng tạo đã chế tác nhiều mẫu mã mới phù hợp với xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh hoa của nghề thủ công mỹ nghệ.

Theo dấu làng nghề

Làng gốm Nam Diêu - Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần thổ sản Quảng Nam. Tháng 8.2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ năm 2001, TP Hội An đã phê duyệt phương án tổ chức khai thác tuyến tham quan du lịch tại làng gốm Thanh Hà. Thời điểm ấy, cả làng nghề chỉ còn 8 cơ sở với 24 lao động hoạt động và trở thành hạt nhân trong công tác bảo tồn và phát triển của làng nghề. Đến nay, làng gốm Thanh Hà là một trong những điểm du lịch thu hút khá đông du khách đến tham quan khi du lịch tại Hội An. Năm 2019, thời kỳ du lịch đạt đỉnh điểm có 707.549 khách/năm, trung bình có 1.939 khách/ngày đến tham quan làng gốm. Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian gần đây, du khách nội địa và quốc tế đã bắt đầu quay lại. Có thời điểm, làng nghề đón 1.000 du khách/ngày. Đặc biệt, du khách rất thích khi đi theo đoàn, được đưa đón miễn phí bằng xe điện trung chuyển, đến tham quan các đình cổ, di tích ở làng, xem và trải nghiệm nghề làm gốm với các nghệ nhân và nhận quà tự tay mình làm ra.

Làng nghề cũng chú trọng sản xuất các sản phẩm gốm thân thiện với môi trường, nổi bật là bộ 12 con giáp kích thước nhỏ, các dòng tranh gốm, mặt nạ gốm… đã trở thành quà lưu niệm được du khách yêu thích. Những ngày cận Tết Quý Mão, các cơ sở tất bật nặn tò he tượng hình mèo để cung ứng thị trường. Trong hoạt động sản xuất, thợ gốm Thanh Hà có ý thức bảo vệ nguồn đất, tiết kiệm nguyên liệu trong bối cảnh nguồn đất sét đang dần hạn chế như chú ý đậy che các ụ đất sét chưa sử dụng chống rửa trôi, thu gom đất sét thừa sau cắt gọt phôi tránh thất thoát. Các món quà bán, tặng du khách đều được gói bằng giấy báo, túi giấy.

Theo ông Trương Hoàng Vinh, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, nội tại của di sản văn hóa tại làng gốm Thanh Hà đang được bảo tồn tốt, tuy nhiên cần có sự đột phá ở các cơ sở sản xuất, chế tạo sản phẩm có giá trị nghệ thuật. Cần phải có nhiều sự đầu tư quy mô hơn nữa để đáp ứng các tiêu chí xanh trong tương lai. Trước mắt, cần tiếp tục tạo ra các sản phẩm lưu niệm nhỏ có chuyển tải nhiều thông điệp văn hóa, giá trị kinh tế cao.

Sức trẻ

Nhiều người trẻ ở làng gốm này đã từng ra đi, từng thử sức với nhiều nghề ở những vùng đất khác nhau và rồi quyết định quay về làng, gắn bó với nghề làm gốm truyền thống từ bao đời nay của ông bà, cha mẹ. Người trẻ đã tìm cho mình những hướng đi mới hơn, để gốm không chỉ là những mặt hàng vật dụng sinh hoạt mà còn là những sản phẩm lưu niệm để du khách lựa chọn mang về khi đến tham quan làng nghề. Phường Thanh Hà đã ra mắt CLB thanh niên với nghề gốm, thành viên là các bạn trẻ đang trực tiếp tham gia sản xuất tại làng để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất.

Năm 2017, TP Hội An triển khai kếhoạch khuyến công với dự án nhằm phát triển nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu để trởthành sản phẩm du lịch đặc trưng với du lịch Hội An. Khi ấy, nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương (TP.HCM), khởi sinh ý tưởng kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình món ăn và nghệ thuật tạo hình sản phẩm thủ công đã hướng dẫn kỹ thuật chế tác cho các bạn trẻ ở làng Thanh Hà. Từ ý tưởng của nghệ nhân Lan Phương, hai người thợ trẻ Lê Văn Nhật và Nguyễn Viết Lâm của làng gốm Thanh Hà đã học hỏi, tìm tòi nguyên liệu chế tác bộ sản phẩm lưu niệm gốm thủ công mỹ nghệ “Dấu ấn ẩm thực Hội An” với 9 món xinh xắn, nhỏ gọn như bánh bao, bánh vạc, tôm hữu, cơm gà, mì Quảng, cao lầu, bánh xèo… Nguyên liệu để chế tác là đất sét công nghiệp, thân thiện với môi trường, có thể tự sản xuất được từ đất thường nhờ đó cũng khắc phục tình trạng nguồn nguyên liệu đất sét tự nhiên ngày càng hạn chế. Qua đó, người làng nghề cũng học được kỹ thuật làm nguyên liệu đất sét công nghiệp kết hợp với các thao tác trao chuốt, xoay gốm truyền thống của làng.

Chọn những người trẻ cho hoạt động mang tính sáng tạo trên nền những giá trị truyền thống là một cách làm mới của Hội An để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa. Khi những người trẻ quay về, làm việc và sống được bằng chính những nghề truyền thống thì những làng nghề lâu đời ấy sẽ có thêm cơ hội để hồi sinh.

Ông Nguyễn Văn Trọng, một nghệ nhân ở làng chia sẻ: “Dạy tụi trẻ để giữ nghề, phát triển nghề không chỉ là chuyện của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của những nghệ nhân, người lớn tuổi ở làng gốm này, để tìm đội ngũ kế cận, không lãng quên nghề truyền thống. Các bạn trẻ cũng cần sáng tạo, trẻ trung hơn trong suy nghĩ nên biết đa dạng sản phẩm, chế tác thêm nhiều hàng gốm lưu niệm phục vụnhu cầu của du khách”. 

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc