Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Yêu nghề nên nghề không phụ

Thứ Tư 11/01/2023 | 11:10 GMT+7

VHO- Trong khi đội ngũ tác giả viết cho sân khấu Chèo đang lo lắng, trăn trở vì thiếu lớp kế cận, thì tác giả Lê Thế Song vẫn là một trong số ít những người “đắm đuối” với Chèo. Có lẽ, “yêu nghề nên nghề không phụ” nên anh liên tục gặt hái nhiều thành công qua các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Riêng năm 2022, có ba vở diễn do Lê Thế Song viết kịch bản được trao giải cao nhất tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 và Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2022.

Vợ chồng tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng

 Trò chuyện với chúng tôi vào một chiều cuối năm đầy tất bật, tác giả Lê Thế Song cho biết, 2022 là một năm “bội thu” của ông.

PV: Chỉ tính riêng năm 2022, Liên hoan Chèo toàn quốc đã có tới 4 đơn vị dàn dựng kịch bản của ông, trong đó vở “Thiên duyên huyền tích” của Nhà hát Chèo Thái Bình đoạt HCV; “Trọn đời vì nước non” của Nhà hát Chèo Nam Định đoạt HCB. Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng kịch bản của ông cũng đã được trao HCV... Có vẻ như ông thành công với mảng đề tài dân gian, huyền thoại hay lịch sử hơn là mảng đề tài hiện đại?

- Tác giả Lê Thế Song: Phải thú thực, 90% sáng tác của tôi là đặt hàng, chỉ 10% tôi viết theo tiếng gọi của đam mê. Nhiều người hỏi tôi, sao không tham gia các trại sáng tác, tôi đã trả lời là “không có kịch bản”. Muốn tham gia trại sáng tác, mình phải nộp kịch bản chưa từng được dàn dựng, mà tôi thì viết theo yêu cầu nên hầu hết viết xong là đưa lên sàn diễn luôn. Phải nói là tôi vô cùng hứng thú với đề tài hiện đại, nhưng khi đưa kịch bản ra, các nhà hát thường bảo, họ thích dựng vở dân gian, huyền sử, lịch sử cho an toàn. Đề tài hiện đại vừa khó làm, vừa dễ đụng chạm. Các đơn vị nghệ thuật luôn ở trong tâm thế phải cảnh giác với những gì nhạy cảm.

Sáng tác theo yêu cầu của người khác như thế, anh có sợ mình sẽ biến thành “thợ viết”?

- Tôi không cho là vậy. Các đơn đặt hàng thường chỉ dừng lại ở đề tài, còn tác giả phải tự đào sâu tìm hiểu để sáng tác theo đúng cảm xúc của mình. Theo tôi, đề tài nào cũng có sức hấp dẫn riêng, vấn đề là người viết khai thác ở góc độ nào, diễn giải câu chuyện ra sao. Mình dùng đam mê để viết theo yêu cầu.

Làm mới nghệ thuật sân khấu truyền thống là vấn đề không nhỏ, đổi mới bằng cách kết hợp truyền thống với truyền thống, truyền thống với hiện đại vào cùng một tác phẩm càng là thách thức lớn, trước hết với chính tác giả…?

- Đúng vậy. Ở đây người viết phải am hiểu trình thức, lề lối, giai điệu, khúc thức của Chèo, Quan họ, Cải lương, Tuồng… chưa kể mỗi bộ môn lại có đặc trưng, bút pháp, văn phong riêng. Giữa ranh giới tương đồng và khác biệt, người viết kịch bản kịch hát dân tộc ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống. Chúng ta phải coi con đường nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, đôi lúc tưởng chạm đến rồi nhưng còn đỉnh cao khác chờ đón, nếu nghĩ rằng mình đã đến đỉnh thì đương nhiên chỉ còn tụt dốc mà thôi.

 Vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao HCV Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2022

Anh đã có gần 50 kịch bản được dàn dựng với đủ các thể loại Tuồng, Chèo, Cải Lương, Kịch nói. Anh hài lòng với vở diễn nào nhất?

- Vở nào với tôi cũng là những kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, điều khiến tôi day dứt, trăn trở đó là bản thân chưa thật sự bằng lòng với tác phẩm nào. Tôi nghĩ mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Nghề viết vô cùng gian nan, và tác phẩm hay nhất của tôi là tác phẩm tôi chưa viết.

Dân gian có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng dường như với Lê Thế Song không phải là như vậy khi số chương trình lễ hội do anh viết kịch bản hoặc dàn dựng đã lên tới con số hàng trăm?

- Bản thân tôi đã kinh qua nhiều nghề, kể cả bốc vác, thợ hồ, đãi vàng... Cuộc sống khốn khó thời trẻ cho tôi nhiều trải nghiệm. Từ bé tôi đã yêu nghệ thuật. Trước khi học biên kịch, tôi đi từ Bắc vào Nam để thực hiện các chương trình truyền thông về nghệ thuật cho các tổ chức phi chính phủ. Có thời điểm, Việt Nam thu hút 600-700 tổ chức phi chính phủ, tôi ký hợp đồng truyền thông dự án cho họ và tự viết kịch bản, bài hát, biên đạo múa, làm đạo diễn các chương trình nghệ thuật để biểu diễn tại các xã, huyện… trong cả nước. Điều đặc biệt là trên các chuyến đi ấy luôn có vợ tôi, Thạc sĩ Xuân Hồng, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật) đồng hành. Chúng tôi vừa làm việc, vừa tham gia góp ý những sáng tác và cả các chương trình do tôi viết hoặc dàn dựng. Việc đi nhiều đã giúp tôi có thêm nhiều vốn sống, trải nghiệm với di sản văn hóa ở từng mảnh đất đi qua, và rồi càng yêu, càng gắn bó với những làn điệu dân ca, sân khấu dân tộc. Tôi thấy rằng, với các lễ hội văn hóa, du lịch các địa phương làm theo hình thức sân khấu hoá nếu biết tìm tòi, am hiểu kỹ về lịch sử, về nét đặc sắc của từng lễ hội thì việc kể câu chuyện lễ hội bằng hình thức này sẽ rất hay và hấp dẫn.

Vở Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình được trao HCV Liên hoan chèo toàn quốc 2022

Theo anh, đó có phải là lý do sân khấu hiện nay không thu hút được giới trẻ? Là một tác giả, anh có biết khán giả đang cần gì ở sân khấu?

- Bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin. Các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ quá nhiều sự lựa chọn, trong khi đó sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ rích thì họ không thích là điều dễ hiểu. Theo tôi, muốn đổi mới, trước hết chúng ta cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ.

Ông có thể “bật mí” những dự án nghệ thuật ông được đặt hàng cho năm 2023?

- Tôi cùng ê kíp sáng tạo dự định thực hiện Lễ hội Mẫu Đông Cuông - một chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm Sử thi, Chèo ngắn và Nhạc kịch. Tiếp đó là Lễ hội Về miền di sản tổ chức tại Bắc Ninh, thể hiện những nét đặc trưng của các miền di sản Việt Nam đã được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, tôi tham gia biên kịch và tổng đạo diễn Lễ hội Yên Thế nhân kỷ niệm 139 năm khởi nghĩa Yên Thế với hình tương người Anh hùng áo vải Đề Thám. Tôi cũng dự định hợp tác cùng một người bạn dàn dựng một vở chèo về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng để tham gia Liên hoan sân khấu toàn quân dự kiến tổ chức vào giữa năm 2023.

Xin cảm ơn tác giả, chúc ông tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật những tác phẩm, các chương trình nghệ thuật có giá trị và có sức lan tỏa với công chúng

THÚY HIỀN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top