Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình

VHO- Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973 – 27.1.2023), ngày 16.1, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris- Cánh cửa hòa bình”.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày

Phát biểu khai mạc trưng bày, TS. Vũ  Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hiệp định Paris do 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris (Cộng hòa Pháp) ngày 27.1.1973. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; là đỉnh cao và mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam và ghi dấu ấn vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình và công lý.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 2

Các đại biểu tham quan trưng bày

Bắt đầu từ cuối những năm 1940 của thế kỷ XX, sáu đời Tổng thống Mỹ liên tiếp  không ngừng leo thang can thiệp dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau vào Việt Nam thông qua viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tiến tới trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, cùng với việc đấu tranh trên mặt trận chính trị, quân sự, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng nâng cao vị thế và vai trò của đấu tranh ngoại giao lên tầm chiến lược, chủ trương mở đường cho Mỹ đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thắng lợi đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 3

Trải qua gần 5 năm với những cuộc đấu trí đầy bản lĩnh của một nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường, Hội nghị Paris là cuộc đàm phán hòa bình cam go và kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Từ nước cờ “tuy hai mà một, tuy một mà hai” đến chiến lược phối hợp nhịp nhàng “vừa đánh, vừa đàm”, Việt Nam đã buộc Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris. “Thắng lợi của ta tại Hội nghị Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Những bài học kinh nghiệm quý báu của việc đàm phán và ký kết Hiệp định Paris vẫn luôn được ngành ngoại giao nước ta phát huy cao độ để xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ, toàn diện, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế…”, TS Vũ Mạnh Hà khẳng định.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 4

Triển lãm “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” được tổ chức nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về bối cảnh, diễn biến Hội nghị Paris và ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Paris đối với Việt Nam và thế giới. Qua đó, khẳng định trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong từng giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khẳng định bản lĩnh, tính chủ động, lập trường cương quyết, đường lối thương thuyết khéo léo của phái đoàn ta trong suốt quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. Triển lãm cũng góp phần tôn vinh các thành viên Phái đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thành công của Hội nghị cũng như quá trình thi hành Hiệp định. Đồng thời, tri ân bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã cổ vũ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 5

Hiệp định Paris về Việt Nam chính thức được ký kết, ngày 27.1.1973

“Với gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, trong đó có những hiện vật lần đầu tiên được đưa ra trưng bày và giới thiệu trên chuyên mục hiện vật kể chuyện của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức hy vọng triển lãm có sức lan tỏa sâu rộng, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay…”, ông Vũ Mạnh Hà cho biết.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 6

Gần 300 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết tại trưng bày khẳng định, Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ XX. Đặc biệt, trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris- Cánh cửa hòa bình” còn giới thiệu những hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nội dung trưng bày gồm 3 phần. Vạch đường tới hòa bình; Mở cánh cửa hòa bình;  Tiến tới hòa bình.

Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình - Anh 7

Qua trưng bày “Hiệp định Paris- Cánh cửa hòa bình”, công chúng hiểu rõ hơn ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với cách mạng Việt Nam và tiến trình để đi đến hòa bình của đất nước ta. Sự kiện này là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ ngày 16.1.2023 đến đầu tháng 5.2023.

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc