Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

VHO- LTS: Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có bài viết Nhìn lại năm 2022 – Thông điệp năm 2023 của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Văn Hoá trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng. Đầu đề, tít phụ và các box do Toà soạn đặt và rút.

Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 1

Ngay từ đầu năm 2022, tại quê hương Bác Hồ kính yêu, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động chủ đề công tác “Năm xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, “cỗ xe tam mã” Văn hoá, Thể thao và Du lịch về đích với những kết quả đáng tự hào 

Những ngày cuối cùng của mùa đông 2022 đang dần khép lại, mùa xuân 2023 đã đến rất gần trên từng chồi non, nụ biếc, thấm sâu vào từng nhịp điệu chờ đón Tết đến Xuân về trên khắp mọi miền đất nước. Thời khắc này chúng ta cùng nhìn lại một năm qua, toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để góp phần làm nên những đổi thay chung của đất nước.

Đồng thời, cũng là dịp nhận thức rõ hơn những cơ hội mới, những khó khăn, thách thức đang diễn ra gaygắt để nỗ lực phát triển văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của sự phát triển theo hướng bền vững.

Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 2

Rất nhiều nỗ lực cần phải được thực hiện để khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó, giải pháp hàng đầu chính là tiếp tục cải thiện khung khổ thể chế, chính sách hiện hành. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tham quan triển lãm trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022 (Bắc Ninh, ngày 17.12.2022) Ảnh: Trần Huấn

Lĩnh vực văn hóa có những chuyển biến tích cực trong năm 2022, hướng tới những mục tiêu lâu dài đã đặt ra.

Trong năm 2022, trước những yêu cầu cấp thiết từ bối cảnh trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid- 19, toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xác định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi.

Với những giải pháp cụ thể, khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm được triển khai đồng bộ, bước đầu chúng ta đã hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo và có sức kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam. Việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15.3.2022, gắn du lịch, thể thao với văn hóa và phát triển vùng, địa phương, các sự kiện văn hoá quy mô cấp quốc gia, khu vực, tổ chức thành công SEA Games 31 trên nhiều phương diện đã cho thấy sự bứt phá của Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia tiên phong triển khai các chương trình phục hồi sau đại dịch. Kết quả nêu trên đã trở thành minh chứng sống động cho việc khẳng định phát triển văn hóa khi có sự phối hợp, liên kết đồng bộ sẽ phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo, phát triển văn hóa. Du lịch văn hoá thu hút đông đảo sự tham gia của người dân trong nước và du khách quốc tế (hơn 101 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế), cũng đã góp phần tạo ra giá trị về kinh tế và nâng cao vị thế thương hiệu quốc gia. Điểm lại một số hoạt động điểm nhấn của Ngành trên đây trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới khiến cho mỗi chúng ta càng thêm trân trọng hơn vai trò của văn hóa và những đóng góp của nhân dân cho phát triển văn hóa trong sự phát triển chung của toàn dân tộc, nhất là trong các giai đoạn khó khăn với những diễn biến khó dự đoán vừa qua.

Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 3

Ngay sau Lễ phát động chủ đề công tác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ VHTTDL trực tiếp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Hậu Giang, Tuyên Quang để phối hợp triển khai xây dựng môi trường văn hoá. Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác kiểm tra công tác xây dựng môi trường văn hoá tại tỉnh Phú Thọ (ngày 29.3.2022) Ảnh: Trần Huấn

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cấp thiết trong năm 2022, với mục tiêu cụ thể là phục hồi sau đại dịch, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục kiên trì theo đuổi các mục tiêu lâu dài đã được Đảng ta đề ra trong suốt những thập niên qua. Vượt lên trên tất cả, bản chất cốt lõi của văn hóa chính là một nguồn “sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước”. Vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng này của văn hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đầu tư cho văn hoa phải thực sự được chu trọng thông qua các chiến lược, chương trình và lộ trình phù hợp. Nhận thức này cũng chính là nền tảng cho các nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch và chương trình cũng như hoàn thiện khung khổ chính sách văn hóa nhằm tạo môi trường vận hành tốt nhất cho văn hóa. Từ việc tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (ban hành vào năm 2016) cho tới việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành vào năm 2021) và gần đây là xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023 - 2025) (được phê duyệt vào tháng 11 năm 2022), phối hợp tổ chức thành công 2 Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đ.nh và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và Hội thảo Văn hoá năm 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, đã làm cho lĩnh vực văn hóa ở nước ta có những chuyển biến tích cực trong năm 2022, hướng tới những mục tiêu lâu dài đã đặt ra.

Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 4

Năm 2022 Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31 trên nhiều phương diện, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng Bằng khen cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31 Ảnh: Trần Huấn

“Trong năm 2022, trước những yêu cầu cấp thiết từ bối cảnh trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19, toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xác định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi. Với những giải pháp cụ thể,  khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm được triển khai đồng bộ, bước đầu chúng ta đã hình  thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo và có sức kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con  người Việt Nam”.

Năm 2023 sẽ là năm đánh dấu việc “biến tư duy thành hành động”

Năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là năm đánh dấu việc “biến tư duy thành hành động”, hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ của Ngành.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định và triển khai tích cực chính là xây dựng môi trường văn hóa. Năm 2023, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và lan tỏa rộng rãi ở khắp các cấp, các vùng/miền và các nhóm đối tượng. Việc xây dựng môi trường văn hóa được quan tâm một cách thực chất và có chiều sâu hơn với mục tiêu sẽ tạo ra diện mạo mới cho đời sống văn hóa cơ sở, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Gắn bó chặt chẽ với mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh chính là việc  điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể có liên quan trong các môi trường này. Phát triển văn hóa ở Việt Nam vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hóa vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành văn hóa. Từ việc tham gia vào quá trình sáng tạo cho tới việc tiếp cận và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, mỗi người dân đều có thể đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực văn hóa, giúp nâng cao giá trị và phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có. Những đóng góp và vai trò của người dân đối với việc phát triển văn hóa được thể chế hóa như một nội dung của quyền văn hóa đã được khẳng định trong Hiến pháp.

Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 5

Việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15.3.2022, gắn du lịch, thể thao với văn hóa đã thu hút đông đảo sự tham gia của người dân trong nước và du khách quốc tế (hơn 101 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế), góp phần tạo ra giá trị về kinh tế và nâ ng cao vị thế thương hiệu quốc gia. Trong ảnh: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (tháng 3.2022) Ảnh: Trần Huấn

Việc phát huy quyền văn hóa và thúc đẩy phát triển văn hóa như một sự nghiệp của toàn dân sẽ giúp tăng cường quá trình đa dạng hóa các giá trị và biểu đạt văn hóa, từ đó phát huy tốt hơn khả năng đóng góp về kinh tế và xã hội của văn hóa. Đây là xu hướng chung trên thế giới và đã được thể chế hóa thông qua các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Cuối cùng, một lần nữa khẳng định lại rằng, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt,đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Với hàm nghĩa này, phát triển văn hóa chính là phát triển con người, một quá trình phát triển lâu dài và hướng tới tương lai. Tuy nhiên, tầm quan trọng của phát triển văn hóa lại đòi hỏi sự đầu tư tương xứng của nhà nước và sự đóng góp tích cực của các thành phần xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức của Việt Nam.

Rất nhiều nỗ lực cần phải được thực hiện để khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó, giải pháp hàng đầu chính là tiếp tục cải thiện khung khổ thể chế, chính sách hiện hành, bao gồm: Trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đến năm 2030, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật PPP theo hướng bổ sung lĩnh vực văn hoá vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.

Thông điệp năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Anh 6

Phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướn g tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm g iữ vị trí then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng . Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TƯ Trần Tuấn Anh; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao biểu trưng và tặng hoa cho các nghệ sĩ tiêu biểu tại chương trình “Gặp mặt, vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022” (Hà Nam, ngày 7.1.2022) Ảnh: Trần Huấn

Năm 2023 cũng là năm Ban Bí thư sẽ tổng kết 10 năm thực hiện quy định về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật để ban hành chủ trương mới – đây là cơ sở quan trọng giúp Ngành xây dựng đội ngũ cán bộ văn hoá ngày càng vững mạnh.

Chào đón mùa xuân mới 2023, trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam của Đảng, với niềm tin vững vàng từ những thành quả đã đạt được, với niềm hy vọng mới, cùng với sự cầu thị để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém của Ngành, chúng ta sẽ tiếp tục kiên định trên con đường tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn đối với sự phát triển Ngành, tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư chuyên sâu và có trọng điểm cho văn hóa. Vì trên hết, đầu tư cho văn hóa chính la đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước và đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một hệ sinh thái có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc.

“Điểm lại một số hoạt động điểm nhấn của Ngành trên đây trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới khiến cho mỗi chúng ta càng thêm trân trọng hơn vai trò của văn hóa và những đóng góp  của nhân dân cho phát triển văn hóa trong sự phát triển chung của toàn dân tộc, nhất là trong các giai đoạn khó khăn với những diễn biến khó dự đoán vừa qua”.

Khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa

“Rất nhiều nỗ lực cần phải được thực hiện để khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, trong đó, giải pháp hàng đầu chính là tiếp tục cải thiện khung khổ

thể chế, chính sách hiện hành, bao gồm: Trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đến năm 2030, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật PPP theo hướng bổ sung lĩnh vực văn hoá vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa. Năm 2023 cũng là năm Ban Bí thư sẽ tổng kết 10 năm thực hiện quy định về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật để ban hành chủ trương mới - đây là cơ sở quan trọng giúp Ngành xây dựng đội ngũ cán bộ văn hoá ngày càng vững mạnh”.

NGUYỄN VĂN HÙNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Ý kiến bạn đọc