Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những chiếc ấn vàng vô giá

Chủ Nhật 22/01/2023 | 09:00 GMT+7

VHO- Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ, bảo quản 99 chiếc ấn, trong đó, sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn có 85 chiếc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hầu như là độc bản.

Ấn “Hoàng đế chi bảo”

Những chiếc ấn đặc biệt có ý nghĩa về mặt cổ ngoạn, hơn thế, khẳng định giá trị văn vật, văn hiến của một đất nước cũng như vị thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực thời bấy giờ. Ấn không chỉ là biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế mà còn gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn.

Sưu tập vô giá

Theo các nguồn tư liệu, trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng khoảng hơn 100 Bảo Tỷ (ấn) bằng vàng, bạc và ngọc. Đó là chưa kể số ấn tín riêng được tấn phong của các vương công cùng các Tự chương hay Nhàn chương. Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ, bảo quản 99 chiếc ấn, trong đó, sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn có 85 chiếc. Đây là sưu tập ấn nằm trong sưu tập Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945; Liên khu IV lưu giữ, sau đó bàn giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tài chính giao cho Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là đơn vị tiếp nhận năm 1959. Năm 1961-1962, sưu tập được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và đến năm 2007 được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lưu giữ và phát huy.

 Ấn “Sắc mệnh chi bảo”

Sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hầu như là độc bản. Chúng rất có ý nghĩa về mặt cổ ngoạn, hơn thế, khẳng định giá trị văn vật, văn hiến của một đất nước, cũng như vị thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực thời bấy giờ. Ấn không chỉ là biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế mà còn gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn. Chính vì thế, mỗi loại ấn đều có một cách sử dụng riêng và dùng cho một loại văn thư được chỉ định. Ví dụ như ấn “Hoàng đế chi bảo” (hiện chúng ta đang chuẩn bị hồi hương) chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, thể hiện quyền lực của hoàng đế, như khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng cáo dụ các thân huân đi tuần thú để xem xét các địa phương và ban sắc, thư cho ngoại quốc. Cũng là sử dụng quyền lực của hoàng đế nhưng trường hợp ấn “Sắc mệnh chi bảo” được dùng khi ban cấp các sắc mệnh cho quan văn, quan võ, và tặng cho bách thần, cho người. Hay những văn bản liên quan đến dòng tộc nhà vua thì dùng ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo”… Các ấn đều có cấu trúc và kiểu dáng gồm 2 phần: Thân ấn và quai ấn. Biểu tượng chủ yếu trên quai ấn là con rồng chân có năm móng.

Trong số 99 chiếc ấn hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có 29 chiếc được đúc bằng vàng nhiều tuổi. Trong đó, ấn có quai hình rồng đứng (đầu hướng về phía trước hoặc ngoái lại phía sau) có đến 27 chiếc, duy chỉ có 2 chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” là có quai hình rồng cuốn, giống với ấn “Hoàng đế chi bảo” mà chúng ta đang chuẩn bị hồi hương.

 Ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo”

Báu vật của Việt Nam

Khi nghiên cứu và xem xét trực tiếp, nhận thấy 3 chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” là những chiếc ấn vàng có giá trị rất đặc biệt trong sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn. Cả 3 ấn đều là sản phẩm do Ngự xưởng của triều Nguyễn chế tác dưới triều vua Minh Mệnh (1820-1840). Ấn “Hoàng đế chi bảo” (đúc năm Minh Mệnh thứ 4 - 1823) cao 10,4cm, dày 2,5cm, mặt ấn rộng 13,8cm, sâu 13,7cm, nặng 10,78 kg; Ấn “Sắc mệnh chi bảo” (đúc năm Minh Mệnh thứ 8 - 1827) cao 11cm, dày 2,5cm, mặt ấn rộng 14cm, sâu 14cm, nặng 8,3 kg; Ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo” (đúc năm 1827) cao 11,1cm, dày 2,08cm, mặt ấn rộng 13,77cm, sâu 13,77cm, nặng 8,983 kg.

Ba chiếc ấn này là những ấn chương đỉnh cao của loại hình ấn chương thời Nguyễn, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với vương triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Cả 3 ấn đều được đúc bằng vàng 10 tuổi, chế tác theo cùng một mẫu thức với mặt ấn hình vuông, lưng giật 2 cấp, quai hình rồng uốn khúc, trán rồng khắc chữ Vương, chân rồng rõ 5 móng. Kích thước và trọng lượng của 3 ấn tương đương nhau, trong đó “Hoàng đế chi bảo” nặng nhất. Dạng thức ấn này chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chúng ta biết rằng, trong thời gian trị vì, vua Minh Mệnh (1820-1840) đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính quy mô và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ chế độ phân quyền, xây dựng chế độ Trung ương tập quyền, đề cao pháp trị và độc tôn Nho giáo. Nhà vua cho đổi các trấn làm tỉnh, định lại quan chế, đặt mức lương bổng của các quan tùy theo ngạch trật; thống nhất việc đo lường và y phục của dân chúng; khuyến khích khai hoang, lập ấp, sửa sang hệ thống giao thông, lập nhà dưỡng tế ở các tỉnh để giúp những người nghèo khổ, tàn tật, già cả không nơi nương tựa… Vua cũng chú trọng đề cao Nho học, khuyến khích nhân tài ra giúp nước. Ngài cho lập lại Quốc Tử Giám, mở thêm khoa thi Hội và thi Đình. Lãnh thổ quốc gia được mở rộng nhất trong lịch sử và nước ta thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh. Năm 1838, nhà vua cho đổi tên nước là Đại Nam.

Có thể nói, vua Minh Mệnh là vị hoàng đế tiêu biểu của nhà Nguyễn, những công lao của ông và thành quả đạt được trong suốt 21 năm trị vì đã được lịch sử ghi nhận, các vị vua kế tiếp noi theo và thi hành.

 TS Nguyễn Văn Đoàn (bìa trái) và TS Phạm Quốc Quân giám định ấn “Hoàng đế chi bảo”

Khi lên ngôi, vua Minh Mệnh đã cho đúc một số Bảo Tỷ bằng vàng 10 tuổi, tiếp tục hoàn thiện hệ thống Bảo Tỷ của vương triều. Đồng thời, trong giai đoạn này, nhà vua đã đặt ra những quy định về việc chế tác và sử dụng ấn chương các loại nhằm đáp ứng công cuộc cải cách hành chính đồng bộ ở mọi lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Trong số đó, ấn “Hoàng đế chi bảo” là một trong những chiếc ấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các Hoàng đế và triều đình nhà Nguyễn. Chính bởi vậy, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916-1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ba chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” là những báu vật của Việt Nam, là tài sản vô giá, có giá trị lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật; là tư liệu hiện vật phản ánh các hoạt động công quyền và chính sự quan trọng của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử; là một phần không thể thiếu trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Vì vậy, việc sưu tầm, hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” trở về “đất Mẹ” khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa, đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực của di sản - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa.

Hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là việc làm thiết thực cho chính sách hồi hương cổ vật, chống thất thoát những tài sản/di sản của cha ông, góp phần bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Thông qua việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ tạo cơ sở xây dựng quy trình chuẩn, với sự đồng hành công - tư, có thể áp dụng cho việc sưu tầm hồi hương cổ vật Việt Nam bị thất thoát ra nước ngoài do chiến tranh, trộm cắp và buôn bán trái phép. Đồng thời, việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ là cơ hội để bổ sung, hoàn thiện hơn cho bộ sưu tập “Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn” hiện đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

TS NGUYỄN VĂN ĐOÀN (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top