Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

“Tuy rằng miếu đổ, Thần Hoàng còn thiêng”

Chủ Nhật 22/01/2023 | 08:30 GMT+7

VHO- Đình làng có vị trí quan trọng, là một trong những biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của làng xã Việt Nam với ba chức năng: Hành chính, tôn giáo và văn hóa.

 

 Đình Cổ Loa (chụp từ đầu thế kỷ XX)

Vốn xưa

Đình làng được xem như một địa chỉ, gạch nối gắn kết con người với lịch sử, văn hóa, nguồn cội, nhưng trước sự phát triển như vũ bão của đời sống, các nhà văn hóa đang lấn lướt, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người, đặt ra một thách thức, đó là làm sao để vừa bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đình làng trong cơ chế mới nhưng vừa đảm bảo được những đòi hỏi của đời sống mới? Bởi, xét về mặt chức năng, đình làng và nhà văn hóa đều phục vụ vì người dân, lấy người dân làm đối tượng trung tâm.

Đình làng hiện diện từ lâu đời (cuối thời Lý - Trần), là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giải quyết các vấn đề nội tại của làng, nơi thờ Thành hoàng làng - vị thần bảo hộ cho người dân. Hầu như, làng nào cũng có đình. Bất kỳ người dân nào cũng yêu quý và tự hào về đình làng của mình. Niềm tự hào, kiêu hãnh này hoàn toàn phù hợp với nền văn hóa luôn đặt tình nghĩa lên trên hết và tinh thần cố kết cộng đồng của người phương Đông. Đình làng do vậy đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân, là bằng chứng chứa đựng bao nhiêu ký ức vui buồn, hạnh phúc, khổ đau của người dân, là sản phẩm đặc thù phản ánh rõ nét nhất về nguồn gốc, đời sống tâm linh, quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhiều câu ca dao đã ghi dấu đời sống sinh hoạt, lề thói, tín ngưỡng của người dân như: Học trò thò lò mũi xanh/ Cầm miếng bánh đúc chạy quanh cột đình; Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen; Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu; Chùa nát còn có Bụt vàng/ Tuy rằng miếu đổ, Thần Hoàng còn thiêng… Chúng ta còn thấy rất rõ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đình làng trong nhiều tác phẩm văn học như Bến không chồng của Dương Hướng (đình làng Đông), Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường (đình làng Giếng Chùa), Thời xa vắng của Lê Lựu (đình làng Hạ Vị), Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (đình làng Cổ Đình), Người giữ đình làng của Lương Duy Ngữ (đình làng Phượng),...

 

 Lễ hội đình Trà Cổ, Quảng Ninh

Đình làng và du lịch

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế diễn ra trên quy mô lớn, đình làng luôn là nguồn tài nguyên văn hóa hấp dẫn đối với ngành du lịch. Thông qua hoạt động kinh doanh du lịch, hoặc kết nối với các đơn vị, ban, ngành trong những dịp tham quan, thực tế, các lễ hội ở đình làng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo mà du khách có thể cảm nhận bằng tình yêu và niềm tự hào, tự tôn dân tộc như: Cuộc thi “ông Voi” ở lễ hội đình Trà Cổ, Quảng Ninh; lễ hội bơi chèo Quan Lạn (đình Quan Lạn) ở Vân Đồn, Quảng Ninh đậm bản sắc văn hóa vùng biển; những điệu múa xòe then ở đình làng Dọc, Trấn Yên, Yên Bái mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Tày; lễ cầu bông, hát bội ở đình Phú Lễ, Ba Tri, Bến Tre; lễ Đại tự cầu an ở đình làng Hà Thượng, Do Linh, Quảng Trị; lễ Bàu Cốc, lễ Hạ Điền, lễ Đại Kỷ yên ở đình làng Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình,… Việc kết hợp văn hóa đình làng với du lịch không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn giúp người dân nâng cao ý thức gìn giữ nếp làng truyền thống và hun đúc, truyền cảm hứng tình yêu đình làng Việt, văn hóa Việt đối với du khách thập phương.

Hiện nay, một số đình làng đã có sự đổi thay, linh động trong khâu tổ chức lễ hội, bên cạnh những nghi thức, lễ hội truyền thống, còn đưa vào các hoạt động mang tính chất quần chúng nhằm hấp dẫn, thu hút người xem. Một số đình làng vẫn duy trì sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, còn việc hành chính, vui chơi thư giãn cộng đồng thì đa phần chuyển nhượng cho nhà văn hóa. Thực tế, đình làng là nơi thờ tự, linh thiêng, trang nghiêm nên khó có thể chấp nhận những hoạt động như thể dục thể thao, vui chơi giải trí thuần túy, trong khi nhà văn hóa lại là mô hình đa năng, dung nạp được các hoạt động, phong trào. Theo quy luật phát triển, sự chuyển nhượng công năng giữa đình làng và nhà văn hóa là việc không thể khác.

Nhìn lại, nhiều năm qua, nhà văn hóa đã và đang làm tốt vai trò và chức năng của mình. Sự ra đời của nhà văn hóa là tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại. Nhà văn hóa là công trình hiện đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đảm bảo, đáp ứng những tiêu chí của lối sống mới như thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí, văn học nghệ thuật, thể thao, vui chơi… Vừa kế thừa, tiếp nối, phát triển giá trị văn hóa của đình làng, nhà văn hóa vừa là địa điểm duy trì các hoạt động mang tính tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán…

Sự biến đổi văn hóa truyền thống luôn diễn ra trong sự cạnh tranh giữa cái cũ và cái mới, tích cực và tiêu cực, truyền thống và hiện đại, trong nước và nước ngoài. Nó đòi hỏi nhiều giải pháp thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị đình làng. Bởi, đình làng không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là linh hồn của mỗi làng quê, là một tài sản văn hóa, lịch sử thiêng liêng vô giá của người Việt. Từ đây, sự va chạm, biến đổi giữa đình làng và nhà văn hóa đặt ra hai cách ứng xử: Ứng xử văn hóa dân tộc và ứng xử đô thị. Hai cách ứng xử này là cơ sở để nền văn hóa Việt phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống nhưng vẫn đáp ứng quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Do vậy, nếu kết hợp theo kiểu 2 trong 1, trong đình làng có nhà văn hóa, thì đình làng sẽ phát huy được giá trị truyền thống, tình cảm cộng đồng và theo kịp cuộc sống hiện đại. Tất nhiên, để làm được điều này, rất cần sự chung tay, đồng bộ, không chỉ từ phía Đảng, Nhà nước mà còn từ phía mỗi người dân.

Tết đến xuân về, trong bầu không khí ấm áp, vui tươi, các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán diễn ra ở đình làng luôn là nguồn sức mạnh, động lực để mỗi người dân chống chọi với những xô bồ của cuộc sống, nhắc nhở nhau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và thỏa mãn ước mong về một năm mới tốt đẹp, sung túc, an lành.

Đừng để đình làng… kêu cứu

Nhiều đình làng cổ đã bị xuống cấp bởi sự đào thải của thời gian, chiến tranh, bởi sự thờ ơ, vô cảm, thiếu tình yêu văn hóa dân tộc của con người như trường hợp đình làng Lương Xá 300 tuổi ở thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, một trong những kiến trúc có giá trị nghệ thuật đã bị bê tông hóa năm 2018; đình Dư Xá Thượng ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội hơn 100 tuổi đã bị trẻ hóa hoàn toàn năm 2021; đình Tây Đằng ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội khoảng 500 tuổi bị “cấy” thêm cổng hiện đại... 

HOÀNG THỤY ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top