Lễ hội Đền Đông Cuông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VHO- Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Đền Đông Cuông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Anh 1

Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: T.L

Ngày 17.1.2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản số 175/UBND-VX về việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức Lễ công bố Quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái”.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ công bố Quyết định chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” dự kiến tổ chức ngày 1.2.2023 (tức ngày 11 tháng Giêng năm Quý Mão), UBND tỉnh Yên Bái giao UBND huyện Văn Yên chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Lễ công bố quyết định chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái”; xây dựng chương trình, kịch bản có liên quan; chuẩn bị toàn bộ các điều kiện cần thiết để tổ chức buổi lễ như: an ninh trật tự, công tác hậu cần, trang trí khánh tiết, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và công tác y tế tại buổi Lễ. Đồng thời, chỉnh trang đô thị, tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh sạch đẹp cảnh quan khu dân cư; chủ động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản đảm bảo việc tổ chức buổi Lễ trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định.

Đền được xây dựng từ rất lâu đời, thờ Cao Quan Đại Vương, người có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất, Cao Quan Đại Vương lại hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn, ngầm theo giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc”. Đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng nổi tiếng, thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương về hành hương, dự hội mỗi năm, cầu cho Quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống. Đây là cụm di tích, gồm 4 điểm: đền chính, miếu cô, miếu cậu và miếu đức ông.

Theo truyền thống, Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão tháng Giêng hằng năm, mở đầu là lễ rước Mẫu sang sông làm thủ tục cúng tế, sau đó được rước quay về đền làm lễ dâng hương tế Mẫu. Tiếp đến là phần hội gồm các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, như đẩy gậy, kéo co, ném còn, đấu vật; màn giao lưu hát then, hát cọi, khèn bè, tiếng reo hò, hội tụ đông đảo đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tạo nên không khí náo nức, vui tươi cho lễ hội.

Q.VY

Ý kiến bạn đọc