Làng nghề bún, bánh ‘tiến Vua’ ở Bình Định

VHO - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 các cơ sở, hộ gia đình trong làng nghề truyền thống bánh, bún An Thái ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn (Bình Định) hối hả, tất bật chạy đua với thời gian để có hàng kịp phục vụ Tết.

Làng nghề bún, bánh ‘tiến Vua’ ở Bình Định - Anh 1

Tất bật không khí sản xuất ngày giáp Tết tại làng nghề truyền thống bún, bánh An Thái

Làng nghề truyền thống bún khô, bánh tráng An Thái, xã Nhơn Phúc được mệnh danh là “kinh đô” của nghề bánh. Những ngày này, các hộ tất bật ngày đêm làm để cho ra nhiều sản phẩm bánh, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.

Nhiều người dân địa phương cho hay, do thời tiết năm nay thất thường, đợt gần Tết vừa rồi lại mưa nhiều ngày nên hàng bán Tết cũng khan hiếm. Nghề làm bún, bánh thì làm quanh năm, nắng ngày nào làm ngày đó, làm có lúc để dự trữ khi nguồn hàng khan hiếm. Nhưng bắt đầu tháng Chạp là phải tăng công suất để có hàng bán ra thị trường. Bắt đầu từ tờ mờ sáng, các thợ làm bánh, bún đã nhom lửa, xay bột, nhào bột, đúc khuôn bánh, bún cho ra những sợi bún gạo, mì trắng mượt mà, những chiếc bánh tráng dài như miếng dải lụa mềm mại, để đưa lên vỉ tre phơi nắng trên bãi cát vàng nằm bên bờ sông Kôn.

Làng nghề bún, bánh ‘tiến Vua’ ở Bình Định - Anh 2

Các hộ sản xuất bún Song Thằn xếp bún lại ngay ngắn cho vào bì đựng giao cho khách hàng

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Tâm (70 tuổi) có thâm niên làm bún hơn 40 năm chia sẻ: “Hằng ngày, gần 12 giờ đêm phải dậy hoàn thiện các công đoạn để chuẩn bị sơ chế bún. Để làm ra 1kg bún song thằn thì phải tốn 1,2kg bột đậu xanh. Nếu trời nắng thì bình quân mỗi ngày gia đình sản xuất được hơn 1 tạ bún. Vào vụ Tết ngoài nhân công trong nhà, gia đình phải thuê thêm người để phụ giúp. Hiện bún song thằn được gia đình bỏ sỉ cho bạn hàng là 200.000 đồng/kg”.

Theo ông Tâm, bún song thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao. Người làng An Thái cũng kể rằng, sở dĩ có tên gọi bún song thằn vì người thợ thường bắt dây bún từng đôi một, nhiều người đọc thành bún “song thằn”. Còn có nhiều thông tin rằng, đây là loại bún thượng hạng, rất bổ dưỡng nên thời phong kiến, các quan lại địa phương đều mang theo bún song thằn tiến lên vua nên còn được gọi là bún “tiến Vua”.

Làng nghề bún, bánh An Thái hiện có khoảng trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất và cung cấp đa dạng các sản phẩm bánh, bún như: bánh tráng các loại, bún song thằn, bún gạo, bún mì vàng, bún phở… Sản phẩm bánh, bún An Thái không chỉ phục vụ người tiêu dùng tại địa phương, trong tỉnh Bình Định mà còn được khách hàng trên cả nước ưa chuộng, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Để nâng cao, cải thiện năng suất vì thế những năm gần đây các hộ dân đầu tư máy móc, thiết bị và hiệu quả sản xuất đã thay đổi rõ rệt.

Làng nghề bún, bánh ‘tiến Vua’ ở Bình Định - Anh 3

Bún mì vàng được đem phơi trên các vỉa tại Sông Côn

Nhiều người cao niên tại thôn An Thái kể lại, xưa kia An Thái là thủ phủ của huyện Tuy Viễn xưa, người Minh Hương cư ngụ và kinh doanh sản xuất, thương mại đông đúc. Đây là một vùng thị tứ sầm uất, nơi trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa từ Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) xuống và từ các tỉnh khác qua đầm Thị Nại lên. Phía bắc An Thái bên tả ngạn Sông Côn là các làng nghề gốm cổ như làng gốm Cây Me, làng gốm... nên ghe thuyền đoạn Sông Côn này đông vui, kẻ trên bến người dưới thuyền mua bán hàng nông sản, thủy sản và hàng thủ công. Không ai biết nghề làm bún khô, bánh tráng của thôn bắt đầu từ bao giờ, nhưng trải qua hàng trăm năm thăng trầm, nghề truyền thống này đã gắn bó với bao thế hệ người An Thái và truyền nghề lại cho thế hệ sau trong từng gia đình, dòng tộc. Hiện nay, bún, bánh khô của làng nghề An Thái có các loại như: bún số 8, bún gạo vắt tròn, bún dong (bún củ chuối), bún gạo giả mỳ, bánh phở… đặc biệt là bún đậu xanh Song Thằn.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết: Địa phương cũng thường xuyên có thông báo, hướng dẫn đến từng hộ người dân, cơ sở sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng tháng, địa phương cũng lập đoàn để đi kiểm tra việc chấp hành.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc