Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống cho phát triển bền vững đất nước

Thứ Sáu 10/02/2023 | 10:23 GMT+7

VHO- Lễ hội là truyền thống tốt đẹp, thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân, ôn lại lịch sử và ghi nhận công ơn của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước qua các giai đoạn lịch sử. Lễ hội truyền thống còn mang đặc trưng, phản ánh những nét đẹp của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương. Lễ hội đồng thời là dịp giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức lễ hội còn lan tỏa tác động tích cực sang nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

 Dù vậy, sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức lễ hội năm 2023 cũng có nhiều nét đặc biệt, cần có sự lưu ý để việc tổ chức này trở nên tốt hơn, tác động tích cực hơn vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Những tháng đầu năm thường được gọi là mùa lễ hội, và mỗi mùa lễ hội lại thu hút hàng triệu lượt người tham dự. Năm nay lại càng đặc biệt hơn khi sau dịch bệnh Covid-19, nhiều người muốn trải nghiệm trở lại không khí lễ hội sau những khoảng thời gian hạn chế. Tình hình lễ hội, vì vậy, trở nên nhộn nhịp hơn, đúng với bản chất và tính hấp dẫn của lễ hội. Sức hấp dẫn của lễ hội là do nó đáp ứng những nhu cầu nhất định của con người. Đó là những nhu cầu về tâm linh, giải trí, tình cảm và kinh tế. Về nhu cầu tâm linh, đây nhu cầu xuyên suốt của con người trong mọi thời đại, và ngay cả bây giờ, xã hội hiện tại của chúng ta có những vấn đề nhất định khiến người dân thực sự có nhu cầu hỗtrợ của tâm linh về mặt tinh thần để họ có thể có thêm những niềm tin, động lực để thực hiện công việc của mình. Lễ hội, với việc thờ thánh thần, có thể giúp người ta một chỗ dựa như vậy. Giải trí và giao lưu tình cảm cũng là một nhu cầu nữa. Rõ ràng, nhiều người tham gia lễ hội vì theo tâm lý đám đông, đi để được vui chơi là chính. Thời gian sau Tết cũng là một thời điểm phù hợp theo truyền thống khi chúng ta cho rằng tháng Giêng là tháng ăn chơi (cho dù bây giờ thì không còn phù hợp nữa). Nhưng với rất nhiều các lễ hội được tổ chức dồn dập trong khoảng đầu năm này cũng là một sức hấp dẫn rất lớn đối với rất nhiều người. Đó có thể xem là một thói quen khó bỏ. Bên cạnh đó, một khía cạnh ngày càng đóng vai trò quan trọng với việc tổ chức lễ hội bây giờ là kinh tế. Việc tổ chức lễ hội đem lại nhiều lợi nhuận cho những người tổ chức, những người có liên quan, khiến cho việc tổ chức lễ hội có thể trở thành một cách kinh doanh ở một số địa phương. Để kinh doanh thành công, họ phải tìm cách câu khách, tạo ra nhiều cách để tạo tính linh thiêng, hấp dẫn, độc đáo cho lễ hội của mình để lôi kéo du khách. Tất cả đã làm ra bộ mặt phong phú, và giải thích cho các hiện tượng tích cực và tiêu cực trong lễ hội ngày hôm nay.
Trong những ngày tháng vừa qua, chúng ta đã nghe thấy phản ánh nhiều chiều về việc tổ chức và quản lý lễ hội. Với những thông tin tiêu cực, điều này có thể đến từ bản chất của lễ hội từ trước đến nay vốn đã là nơi diễn ra nhiều lộn xộn, như cha ông ta thường ví von “vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, đến những vấn đề như nhận thức của người dân chưa đầy đủ về bản chất và vai trò của lễ hội, bản chất  thiêng liêng của lễ hội bị suy giảm, những yếu tố trần tục gia tăng dẫn đến hành vi chưa đúng mực, phản cảm của người đi lễ hội; đến việc quá tải của các lễ hội dẫn đến những khó khăn cho hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội, hay do việc thương mại hóa thái quá khiến cho việc tổ chức lễ hội gặp khó khăn, và đặc biệt đến một phần từ yếu kém, thiếu tinh tế trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội của các ban quản lý di tích và ban chức tổ chức ở các địa phương.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội được ban hành, ngành Văn hóa ở các cấp đã có nhiều nỗ lực thành công trong tổ chức và quản lý lễ hội. Chúng ta đã chứng kiến một số lễ hội trước kia có vấn đề thì nay đã được tổ chức tốt hơn. Việc tổ chức ở từng lễ hội cũng quy củ hơn sau nhiều năm thử nghiệm lúng túng. Việc buôn bán tràn lan, thương mại hóa thái quá ở các lễ hội cũng không còn phổ biến. Công chức đã hầu như vắng bóng trong các lễ hội trong giờ hành chính. Cũng không còn tình trạng xe công đi lễ hội như đã từng xảy ra trong những năm trước đây.
Dù vậy, việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống vẫn cần có những giải pháp để sự kiện đặc biệt này có đóng góp nhiều hơn vào công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà, cũng như lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, chúng ta cần có một hệ thống những giải pháp đồng bộ cho việc tổ chức và quản lý hội. Đầu tiên là vấn đề nâng cao nhận thức. Khi tất các bên liên quan đến lễ hội, cả người tổ chức, quản lý đến người tham gia đi lễ hội hiểu đúng về bản chất và vai trò của lễ hội truyền thống đối với họ và xã hội, họ sẽ có hành vi ứng xử đúng với lễ hội. Thứ hai là việc tổ chức và quản lý lễ hội phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn. Chuyên nghiệp ở đây không có nghĩa là lễ hội nào cũng giống lễ hội nào mà cần sự phân công công việc và đi kèm với đó là trách nhiệm cụ thể. Bao quát toàn bộ vấn đề xã hội, vì đây là sự kiện xã hội tổng thể, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ là ngành văn hóa. Thứ ba, là thực hiện tốt các qui chế tổ chức lễ hội, trong đó có xử lý nghiêm những hành vi sai phạm của của các lễ hội để tạo tính làm gương. Thứ tư là sự nêu gương của lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đảng viên trong việc tham gia lễ hội. Thứ năm là phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, cả của người dân trong việc tổ chức và quản lý lễ hội. Hay cần chú ý hơn nữa đến vai trờ của các nhà khoa học trong việc phản biện, tư vấn để phát huy hơn nữa vai trò của lễ hội trong xã hội đương đại.
Trong quá trình phát triển đất nước, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố chủ quyền quốc gia về văn hóa, tạo nên bản lĩnh và sự tự tin về văn hóa để từ đó tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống có thể là một yếu tố quan trọng như vậy để tạo nên tinh thần và sức mạnh cho văn hóa và cho dân tộc khi chúng ta biết cách đặt đúng chỗ, phát huy thật tốt giá trị của những sự kiện độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc này. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN  

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top