Giáo dục sẽ phải thay đổi trước tác động của ChatGPT

VHO - Chiều nay 13.2, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Toạ đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm có sự sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

ChatGPT không thể thay thế con người

Tại Toạ đàm, các chuyên gia đã thảo luận, trao đổi xoay quanh 5 lĩnh vực chính trước “cơn sốt ChatGPT”: Cần có chính sách tạo hành lang quản lý ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn; xây dựng hạ tầng số đảm bảo thu hẹp khoảng cách trong giáo dục; cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục; đào tạo hiệu quả cán bộ quản lý và giáo viên trong việc thích ứng và sử dụng công nghệ; xây dựng khung năng lực số dành cho học sinh.

[EasyDNNGallery|129702|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Các đại biểu tham gia Toạ đàm

Các chuyên gia cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.

  Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều thập kỷ qua mang lại rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của các công nghệ, công cụ mới đều giúp cho công việc của con người thuận tiện, dễ dàng hơn. Với giáo dục, CNTT giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, như việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong thời kỳ Covid-19.

[EasyDNNGallery|129701|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi Toạ đàm

Nhấn mạnh vai trò của ứng dụng khoa học công nghệ đối với những bước tiến của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: "Chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành Giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Đặc biệt quan trọng là cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học”.

Trước lo ngại của dư luận xã hội về thách thức của ChatGPT, đa số ý kiến của các chuyên gia đều chung quan điểm, ChatGPT không thể thay thế con người, mà là công cụ hỗ trợ con người học tập, làm việc hiệu quả hơn.

Cả thầy lẫn trò sẽ  phải thay đổi

Trong phiên thảo luận về “Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, đây được xem là cơ hội tiếp tục đổi mới nhận thức trong đội ngũ giảng viên về yêu cầu dẫn dắt, khả năng truyền thụ.

Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo viên có thể giải phóng những công việc lặp đi lặp lại, tạo ra những cơ hội mà thầy cô và học sinh chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp.

[EasyDNNGallery|129703|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Toạ đàm

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, trí tuệ nhân tạo giúp cho thầy cô có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức, tuy nhiên, cần phát huy thế mạnh để học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực mà không bị lệ thuộc vào công nghệ.

Lấy ví dụ về sự thích ứng của người thầy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dẫn , trong thời kỳ Covid-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu. Lúc đó, nhiều giáo viên, đặc biệt là những giáo viên có tuổi, chưa thành thạo về CNTT, nhưng trước yêu cầu của tình hình mới, các thầy cô đã nhanh chóng học hỏi để có thể hoàn thành, hoàn thành tốt công tác giảng dạy từ xa. Đó chính là sự thay đổi của người thầy trước biến đổi của xã hội. 

Ông Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, trước kia, ngành Giáo dục hay các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đặt ra câu  hỏi: Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ? 

Và không những người thầy, mà cả trò cũng phải thay đổi, đặc biệt là chính sách của Nhà nước cũng sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để chúng ta tận dụng được những lợi thế, giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc