Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Dấu ấn lịch sử và lan tỏa theo suốt chiều dài đất nước

VHO- Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) với chủ đề "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" do Bộ VHTTDL chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp, Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện đang được Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam khẩn trương tập luyện.

 Dùng ngôn ngữ nghệ thuật để khơi dậy tinh thần văn hóa Việt Nam từ khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời là mục đích của ê kíp sáng tạo nghệ thuật mong muốn gửi tới khán giả.

Thể hiện sự chuyển mình và phát triển của văn hóa qua mỗi thời kỳ

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Dấu ấn lịch sử và lan tỏa theo suốt chiều dài đất nước - Anh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

Chia sẻ với Văn Hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Chỉ đạo nội dung chương trình cho biết: “Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) có ý nghĩa rất đặc biệt đối với ngành VHTTDL. Lãnh đạo Bộ đã đề nghị NSND Trần Bình, tác giả kiêm Tổng đạo diễn chương trình cùng ê kíp dàn dựng cần làm nổi bật giá trị những luận điểm cơ bản từ bối cảnh 1943 - tiền đề quan trọng để văn hóa Việt Nam có định hướng phát triển qua nhiều giai đoạn, với những điều chỉnh đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng, đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân và đế quốc, đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc. Dùng ngôn ngữ nghệ thuật để thể hiện những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương văn hóa theo suốt dọc chiều dài lịch sử phát triển của đất nước 80 năm là yêu cầu của lãnh đạo Bộ đặt ra đối với chương trình”.

Tới Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cuối tuần qua, chúng tôi gặp NSND Trần Bình cùng các biên đạo, nghệ sĩ múa đang khẩn trương tập luyện tại cả hai hội trường của Nhà hát. Trưởng đoàn múa Nguyễn Thị Thùy cho biết: “Chúng tôi phải chia thành hai nhóm tập để cho kịp tiến độ, mỗi nghệ sĩ sẽ tham gia khoảng 8 tiết mục trong chương trình. Đây được coi như một “chiến dịch” và anh chị em biên đạo, diễn viên đều dồn hết tâm sức tập luyện để thể hiện được chuẩn xác tinh thần mà Tổng đạo diễn yêu cầu. Trước đó, chúng tôi đã có những buổi nghe NSND Trần Bình chia sẻ về ý nghĩa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, ý nghĩa của chương trình cũng như từng tiết mục, đặc biệt là yêu cầu của mỗi cá nhân diễn viên khi tham gia”.

Chia sẻ với Văn Hóa, NSND Trần Bình cho biết, ông sẽ không sử dụng quá nhiều công nghệ kỹ thuật cao trên sân khấu. “Với ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tôi và ê kíp sáng tạo sẽ cố gắng dàn dựng để toát lên tính chân thực nhất, kết hợp với các hình ảnh tư liệu minh họa của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Tham gia biểu diễn chủ yếu sẽ là các gương mặt nghệ sĩ, ca sĩ trẻ để tạo nên sự chuyển mình của văn hóa Việt. Những ca khúc được lựa chọn cũng là những ca khúc ra đời ở từng dấu ấn lịch sử, minh chứng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam qua mỗi thời kỳ”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Dấu ấn lịch sử và lan tỏa theo suốt chiều dài đất nước - Anh 2

 Tập thể nghệ sĩ múa đang khẩn trương tập luyện tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam

Khẳng định vị trí của những người làm văn hóa nghệ thuật

Tổng đạo diễn hé lộ, chương trình nghệ thuật đặc biệt Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam sẽ chia thành 3 chương: Chương I - Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Chương II - Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; Chương III - “... Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Các ca khúc trong Chương I gồm: Cờ Việt minh, Liên khúc Ngọn đuốc soi đường, Bình minh, Lá cờ Đảng, Đoàn lữ nhạc…, nhằm tái hiện bối cảnh lịch sử trước khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời, lúc đó tình hình đất nước ta rất căng thẳng, trở thành thuộc địa của cả Pháp và Nhật. Khao khát độc lập dân tộc và tự do dân chủ trở thành nhu cầu của mỗi người Việt Nam. Sự kiện Đại hội Văn hóa toàn quốc khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 24.11.1946 với luận điểm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được tái hiện bằng hình ảnh phim tư liệu và cả ngôn ngữ nghệ thuật trên sân khấu. Một trong những điểm nhấn ở Chương I là liên khúc Ngọn đuốc soi đường (nhạc: Đức Trịnh, lời: NSND Trần Bình) qua sự thể hiện của hai ca sĩ Thanh Thanh, Phúc Đại, dàn hợp xướng và dàn múa sẽ phần nào nêu rõ tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Chương II tái hiện tinh thần khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành sức mạnh để huy động mọi nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ 1940-1975, góp phần phát huy vai trò của văn hóa, vừa kiến quốc vừa kháng chiến, huy động được các lực lượng làm công tác văn hóa và toàn dân tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tạo nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ở chương này, khán giả sẽ cùng nghe lại những ca khúc đã từng là động lực cổ vũ toàn dân, toàn quân một lòng chiến thắng quân xâm lược như: Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh, Người Hà Nội, Trường ca Sông Lô, Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên, Câu hò bên bến Hiền Lương, Bước chân trên dải Trường Sơn, Tiến về Sài Gòn, Đất nước trọn niềm vui...

Ở Chương III “... Văn hóa còn thì dân tộc còn”, theo Tổng đạo diễn, NSND Trần Bình chia sẻ, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 sẽ được phát lại trên màn hình led như lời khẳng định: 80 năm qua, những tư tưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.

Nhân lực biểu diễn nòng cốt của chương trình là các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, kết hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Đoàn trống hội Bộ Công an, Đoàn nghi lễ của Bộ quốc phòng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… Dàn ca sĩ tham gia đều là những gương mặt nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng như: Trọng Tấn, Tùng Dương, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Võ Hạ Trâm, Thu An, Thu Hằng, Thanh Thanh, Huệ Thương, Phương Mai, Phúc Đại, Trung Sỹ, Lan Thu...; Nhóm Oplus, Nhóm Phương Nam, Nhóm Thời gian... Ca sĩ Võ Hạ Trâm (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất xúc động, vinh dự khi được mời tham gia chương trình, tôi sẽ thể hiện ca khúc Xuân và tuổi trẻ. Khi được đứng trên sân khấu và cất cao những ca khúc cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam, chúng tôi, những người nghệ sĩ đều cảm thấy tự hào, phấn chấn. Hy vọng tôi sẽ chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa của ca khúc và mang tới năng lượng tích cực cho khán giả cũng như các anh chị em nghệ sĩ, qua đó khẳng định vị trí của những người làm văn hóa nghệ thuật thông qua thông điệp và giá trị tư tưởng, sức hấp dẫn của chương trình”.

Với sự hiện diện của những ca khúc đi cùng năm tháng và cả những ca khúc mới được “đặt hàng” riêng cho chương trình, sự cộng tác ăn ý, có trách nhiệm của các thành phần sáng tạo, chắc chắn những người xây dựng Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam sẽ biến ý tưởng thành hiện thực, mang lại cho khán giả dự trực tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào lúc 20h ngày 28.2 và khán giả cả nước khi thưởng thức qua màn ảnh nhỏ một đêm nghệ thuật ngập tràn những rung động đẹp đẽ như mong muốn.

 Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) có ý nghĩa rất đặc biệt đối với ngành VHTTDL… Những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng, đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân và đế quốc, đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc. Dùng ngôn ngữ nghệ thuật để thể hiện những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương văn hóa theo suốt dọc chiều dài lịch sử phát triển của đất nước 80 năm là yêu cầu của lãnh đạo Bộ đặt ra đối với chương trình.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc