Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận

VHO- Những họa phẩm đặc biệt được sáng tác trong một giai đoạn đặc biệt, 1943-1954, giai đoạn Đề cương về văn hóa Việt Nam là kim chỉ nam cho hoạt động văn hóa văn nghệ, sẽ được Bảo tàng Mỹ thuật ra mắt công chúng ngày 24.2 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương lịch sử.

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 1

 Tác phẩm “Thổ, Nùng, Mán, Kinh đoàn kết đuổi giặc Pháp” của Trần Văn Cẩn, giai đoạn 1947-1954. Chất liệu giấy

Những tác phẩm hội họa sống mãi với thời gian sẽ đưa công chúng sống lại khoảnh khắc lịch sử, khi những người nghệ sĩ để lại sau lưng những hào nhoáng chốn phồn hoa đô thị, khoác lên mình chiếc ba lô, theo những đoàn quân suốt dặm trường kháng chiến.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Kỷ niệm sự kiện lịch sử của đất nước, của dấu mốc 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề Nghệ sĩ là chiến sĩ. Nội dung trưng bày thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, từ bỏ cuộc sống chốn phồn hoa đô thị tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 2

 Tác phẩm Dao găm rèn cho du kích năm 1945 của Nguyễn Hiêm

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 3

 Tác phẩm Làm kíp lựu đạn năm 1947 của Nguyễn Đỗ Cung 

“Những tác phẩm hội họa được trưng bày tại triển lãm sẽ mang đến cho công chúng cảm nhận rõ nét hơn về một giai đoạn lịch sử đặc biệt, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng. Đặc biệt, bản Đề cương có tác động tích cực, thức tỉnh đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều họa sĩ đã rũ bỏ tâm thế “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, để lại sau lưng những hào nhoáng chốn phồn hoa đô thị, khoác lên mình chiếc ba lô, theo những đoàn quân suốt dặm trường kháng chiến…”, TS Nguyễn Anh Minh cho biết.

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 4

 Tác phẩm Du kích Bến Tre năm1948 của Diệp Minh Châu

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 5

 Tác phẩm Dân công kháng chiến năm 1948 của Lê Quốc Lộc

Nhiều họa sĩ trong giai đoạn này không chỉ là những chiến sĩ, trực tiếp tham gia cuộc chiến mà còn sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật tạo hình, ghi lại chân thực những sinh hoạt của quân và dân những ngày đầu kháng chiến, đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, ủng hộ khích lệ các phong trào Bình dân học vụ, Diệt giặc đói giặc dốt, Thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, kêu gọi đoàn kết toàn dân, đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập…

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 6

 Tác phẩm Đoàn kết chống xâm lăng năm 1947 của Văn Giáo

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm Nghệ sĩ là chiến sĩ giới thiệu 80 tác phẩm sáng tác từ 1945 đến 1954 của các thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật Gia Định và Mỹ thuật kháng chiến. Từ những người con của mọi miền đất nước, các họa sĩ đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân làm niềm cảm hứng, đề tài sáng tác. Hoà mình và tham gia vào những đoàn quân Nam tiến, dân công, Hội Văn hóa Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Bộ đội, du kích… người nghệ sĩ - chiến sĩ đã kịp thời ghi lại những hình ảnh chân thực, giàu cảm xúc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công của đồng bào và quân dân cả nước. Trong số này có thể kể đến nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Dao găm rèn cho du kích (1945, Nguyễn Hiêm), Làm kíp lựu đạn (1947, Nguyễn Đỗ Cung), Đoàn kết chống xâm lăng (1947, Văn Giáo), Du kích Bến Tre (1948, Diệp Minh Châu), Dân công kháng chiến (1948, Lê Quốc Lộc), Dân công sửa chữa cầu đường (Tây Bắc) (1951, Nguyễn Sỹ Ngọc), Kéo bễ lò rèn (1951, Trần Văn Cẩn), Bộ đội nghỉ trong hang (1951, Tô Ngọc Vân), Làm lán trú quân (1952, Nguyễn Trọng Hợp), Tay bừa tay súng (1954, Huỳnh Văn Thuận), Đi cấy (1954, Nguyễn Văn Tỵ) …

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 7

 Tác phẩm Dân công sửa chữa cầu đường (Tây Bắc) năm 1951 của Nguyễn Sỹ Ngọc

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 8

  Tác phẩm Kéo bễ lò rèn năm 1951 của Trần Văn Cẩn

Nhiều tác giả tại triển lãm là những tên tuổi góp phần quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng như bức tranh nền văn học nghệ thuật nước nhà. Theo Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh, triển lãm giới thiệu chọn lọc bộ sưu tập tranh giấy của Bảo tàng trong giai đoạn 1943-1954. Đặc biệt, sẽ được trưng bày như một điểm nhấn là bộ tranh địch vận của họa sĩ Lương Xuân Nhị, một hình thức tuyên truyền góp phần làm dao động tâm lý phía bên kia chiến tuyến. Sử dụng nhiều loại giấy có trong thời điểm đó, bằng các kỹ thuật ký họa chì, mực, vẽ màu nước, bột màu, in…, các họa sĩ đã thể hiện sự quyết tâm, hăng say, sáng tạo trong hành trình làm chiến sĩ, thể hiện niềm tin, sự quyết tâm gánh vác trọng trách của đất nước.

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 9

 Tác phẩm Bộ đội nghỉ trong hang năm 1951 của Tô Ngọc Vân

Những tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân được giới thiệu ở cuộc triển lãm lần này cũng sẽ mang đến cho người yêu mến hội họa Việt Nam nhiều cảm xúc. Tô Ngọc Vân (1906-1954) thuộc thế hệ họa sĩ tài năng hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. “Ông là một trong những người đặt nền móng và có nhiều công sức xây đắp cho nền mỹ thuật hiện đại. Tiếc rằng cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Tô Ngọc Vân quá ngắn ngủi. Ông hy sinh khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và được truy tặng danh hiệu liệt sĩ…”, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh chia sẻ. Cùng với tác phẩm Bộ đội nghỉ trong hang sáng tác năm 1951 của họa sĩ Tô Ngọc Vân, tại triển lãm, có tới 6 tác phẩm của danh họa sáng tác năm 1954 được trưng bày tại triển lãm gồm: Áo tơi lá; Bủ Đường biết đọc; Cầm đuốc đi học; Chuẩn bị đi chợ; Hoan hô; May áo.

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 10

 Tác phẩm Làm lán trú quân năm 1952 của Nguyễn Trọng Hợp

Triển lãm Nghệ sĩ là chiến sĩ tôn vinh và tri ân các thế hệ họa sĩ, những người đã sử dụng bút vẽ, bảng màu làm vũ khí, đem năng lực, nhiệt huyết và sự hy sinh để cống hiến cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam. “Thông qua ngôn ngữ đặc thù của hội họa, triển lãm Nghệ sĩ là chiến sĩ một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn xa về đường lối văn hóa của Đảng từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, trong hoàn cảnh đất nước đứng trước vô vàn khó khăn. Cho đến hôm nay, những tư tưởng đó vẫn vẹn nguyên giá trị.

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 11

 Tác phẩm Tay bừa tay súng năm 1954 của Huỳnh Văn Thuận

Nhìn lại một thời những họa sĩ rũ bỏ phồn hoa, khoác ba lô ra trận - Anh 12

 Tác phẩm Đi cấy năm 1949 của Nguyễn Văn Tỵ

Đồng thời, triển lãm cũng là lời tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với thế hệ những họa sĩ đã tiên phong trong triển khai đường lối văn hóa của Đảng, thực hiện bản Đề cương, trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa từ 80 năm về trước…”, ông Minh khẳng định. 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc