Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Kiến tạo nên sự phát triển bền vững bằng văn hóa và từ văn hóa

Thứ Ba 21/02/2023 | 20:10 GMT+7

VHO- Ngày 21.2, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã tới thăm và làm việc với Đảng bộ, Chính quyền huyện Thường Tín (Hà Nội) về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản gắn với phát triển du lịch.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác của Bộ VHTTDL thăm Nhà thờ dòng họ Nguyễn tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín

Tham gia đoàn công tác của Bộ VHTTDL còn có Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Văn phòng Bộ. Về phía TP. Hà Nội có Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, lãnh đạo các Sở VHTT, Sở Du lịch, Bí thư huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín và các đơn vị, địa phương trực thuộc huyện.

Sử sách khắc ghi đất địa linh, nhiều nhân kiệt

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết: “Thường Tín có 126 làng cổ, hiện thời được phân thành 166 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố tại 28 xã và 01 thị trấn. Huyện đạt chuẩn nông thôm mới năm 2020, phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Năm 2022 thu ngân sách địa phương trên địa bàn huyện đạt trên 3,2 nghìn tỉ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn theo phân cấp trên 1,1 nghìn tỉ đồng; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giao năm 2022”.

Đời Lê, huyện Thường Tín là phủ Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam thượng; Đời Trần là châu Thượng Phúc; Thời Nguyễn là phủ Thường Tín thuộc tỉnh Hà Nội gồm 3 huyện: Thượng Phúc, Thanh Trì và Phú Xuyên. Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính, chia lại địa giới, Phủ Thượng Phúc được đổi tên là huyện Thường Tín.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác thăm Văn Từ Thượng Phúc

Vốn là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa nên lúc sinh thời Cao Bá Quát gọi đây là vùng đất danh hương, vùng đất hiếu học, khoa bảng. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, là huyện đứng ở nhóm dẫn đầu về số đăng khoa (gần 70 người). Nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt. Huyện là vùng đất có nhiều địa danh đã được ghi trong sử sách như Chương Dương Độ, gắn với chiến thắng giặc Nguyên Mông lẫy lừng của quân dân Nhà Trần. Làng Hà Hồi (xã Hà Hồi) nơi mở màn chiến thắng giặc Mãn Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Thăm Khu Văn từ Thượng Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng xúc động ghi dòng lưu bút: “Nơi đây không chỉ lưu danh các nhà khoa bảng, trân trọng kiến thức của các nhà tri thức, đóng góp vào sự hưng thịnh của nước nhà mà còn phát triển theo hướng chiều sâu, cắt nghĩa sự thành công của vùng đất văn hiến”. Bộ trưởng mong các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư tôn tạo để công trình văn hóa này phát huy giá trị, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của huyện Thường Tín- đất địa linh, nhiều nhân kiệt như sử sách đã khắc ghi.

Văn Từ Thượng Phúc nơi thờ phụng và tôn vinh các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của huyện Thượng Phúc xưa (nay là huyện Thường Tín)

Trên địa bàn huyện có một quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ, với trên 460 công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa có kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như: chùa Đậu xã Nguyễn Trãi được phong “Đệ nhất danh lam” từ đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII); chùa Mui xã Tô Hiệu - một cụm di tích đình chùa với kiến trúc còn khá nguyên bản cuối thế kỷ 14; nhà thờ Nguyễn Trãi xã Nhị Khê, Văn Từ Thượng Phúc, đền Ngũ Xã…

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 lễ hội qui mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường niên. Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể được bảo lưu và thể hiện qua lễ hội như trình diễn nghệ thuật hát trống quân, trình diễn thi đấu võ gậy…

Huyện Thường Tín có 129 di sản trong danh mục di sản văn hóa, trong đó đã lưu giữ và phát huy giá trị nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Các không gian văn hóa gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của từng địa phương. Kho tàng văn hóa phi vật thể còn được thể hiện ở những di chỉ khảo cổ, di tích, công trình tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật độc đáo như: ca trù, hát Chèo, múa Bồng, hát Trống quân...

Thường Tín còn tự hào là mảnh đất trăm nghề. Toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Nhiều nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân Nhân dân. Nhiều làng nghề nổi tiếng về nghệ thuật thẩm mỹ và hình thành từ sớm… Đó là những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của quê hương, góp phần tạo dựng lên những giá trị văn hóa tốt đẹp của Thường Tín “Đất danh hương”.

Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ các bậc hiền tài, khoa bảng của “đất trăm nghề” phía Nam Kinh thành Thăng Long

Chủ tịch Nguyễn Xuân Minh cho biết: “Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được thực hiện tốt. Toàn huyện có 126 di tích được xếp hạng (trong đó 61 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp Thành phố). Từ năm 2017 HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 21 và Nghị quyết số 46, hằng năm dành 1% tổng chi ngân sách của huyện để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn này, có 6 di tích được đầu tư công với kinh phí khoảng 38 tỉ đồng; 68 di tích được hỗ trợ đầu tư chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết, với kinh phí 40 tỉ đồng. Tổng kinh phí xã hội hóa huy động được từ nhân dân giai đoạn 2018 – 2022 phục vụ việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện là 50,6 tỉ đồng”.

Một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hoá 100% như: Chùa Nỏ Bạn (xã Vân Tảo) kinh phí xã hội hóa là 1,7 tỉ; đền Vĩnh Mộ (xã Nguyễn Trãi) kinh phí xã hội hóa 500 triệu đồng; đình Triều Đông (xã Tân Minh)…

Tổng số di tích trên địa bàn huyện Thường Tín được Thành phố đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2022 – 2025 là 12 di tích (gồm 10 di tích cấp Quốc gia và 2 di tích cấp Thành phố).

Giai đoạn 2020 – 2025, dự án xây dựng khu lưu niệm danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng ngày 14.11.2022 trên diện tích 2,7ha với tổng mức đầu tư ban đầu là 144 tỉ đồng (nguồn ngân sách huyện). Thời gian thực hiện từ năm 2020-2024. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi dự lễ khởi công dự án này đã chỉ đạo Thành phố đầu tư hỗ trợ 50 tỉ đồng xây dựng một số hạng mục đã được thỏa thuận quy hoạch (hiện chưa được đầu tư giai đoạn này).

Đoàn công tác của Bộ VHTTDL, Thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín tại Văn Từ Thượng Phúc

Nỗ lực đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị

Nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội, huyện Thường Tín chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/HU ngày 22.8.2020 của Huyện ủy về “Phát triển văn hoá, xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020 – 2025” và Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề. Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Minh cho biết: “Năm 2022, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Chọn các làng nghề tham gia Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2022. Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát về xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân. Đề nghị UBND Thành phố công nhận 4 điểm du lịch làng nghề.

Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực của nhà nước, nguồn xã hội hóa tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch huyện Thường Tín. Phối hợp tiến hành ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và quảng bá du lịch của huyện.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Xuân Minh đề nghị Bộ VHTTDL, UBND Thành phố Hà Nội tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí để xây dựng, tu bổ, tôn tạo… các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa huyện, cơ sở; đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người trông coi di tích, nhà văn hóa tại các thôn, cụm dân cư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác thăm, khảo sát việc xây dựng môi trường văn hóa tại Thường Tín

Đề nghị Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội quan tâm xếp hạng di tích cấp thành phố, cấp Quốc gia theo quy định cho Khu Văn Từ Thượng Phúc; quan tâm xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Quần thể Nhà thờ Nguyễn Trãi và Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi là di tích cấp Quốc gia đặc biệt sau khi dự án này hoàn thiện. Hiện nay, dự án đang được triển khai xây dựng trên diện tích 2,7 ha, kinh phí thực hiện dự án trên 144 tỉ đồng.

Huyện cũng đề nghị Trung ương và Thành phố quan tâm hỗ trợ, định hướng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Do số lượng di tích của huyện đồ sộ và đậm đặc và đang trong tình trạng xuống cấp so với thời điểm rà soát lập danh mục, huyện đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích cấp Quốc gia và Thành phố, nằm ngoài danh mục theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8.4.2022 của HĐND thành phố Hà Nội đã được phê duyệt đối với huyện Thường Tín.

Những ngày đầu xuân mới, trong bối cảnh cả nước đang hướng về kỷ niệm 80 ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam, vui mừng chứng kiến những thành tựu trong sự nghiệp phát triển của huyện, đặc biệt trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, di tích lịch sử của huyện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Bức tranh kinh tế xã hội của huyện Thường Tín có nhiều điểm sáng và thể hiện rõ những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết của đại hội Đảng các cấp của nhiệm kỳ này. Qua đó, huyện Thường Tín cũng đã cùng ngành Văn hóa nước ta thực hiện kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc phát triển, chấn hưng văn hóa, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị, văn hóa tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để đất nước phát triển ngày càng phồn thịnh”.

Với tinh thần nhìn lại để tiến xa hơn, Bộ trưởng đồng tình với những thực trạng và giải pháp mà huyện đưa ra để phát triển văn hóa trong thời gian tới. Trong bối cảnh hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới muốn phát triển bền vững đều dựa trên trụ cột của văn hóa. Chỉ có sự trân quý giá trị của văn hóa, bằng văn hóa và từ văn hóa mới có thể kiến tạo nên sự phát triển bền vững. Các nước phát triển cũng đã đi theo hướng này và được thế giới thừa nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác thăm Nhà thờ dòng họ Nguyễn tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín

Trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng ta nhận thức rất rõ vai trò to lớn của văn hóa, chính vì vậy, từ khi Đảng chưa giành được chính quyền Đảng đã đề ra đường lối để phát triển văn hóa, tiêu biểu là Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943. Đây có thể hiểu là luận cương đầu tiên của Đảng về văn hóa. Năm 1945, khi chúng ta giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á. Bằng lý luận tiền phong của mình, Đảng ta đã tiếp tục xác định các nghị quyết về văn hóa, tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33... đều đề cao văn hóa, đặt văn hóa trong tổng thể chung, ngang hàng với kinh tế, chính trị.

“Trong quá trình vận động và phát triển của văn hóa, nhiều địa phương đã có cách nhìn, cách làm sáng tạo. Với huyện Thường Tín, vùng đất địa linh, nhiều khoa bảng hiền tài, huyện đã khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập kế hoạch tôn tạo, bảo vệ. Hiếm có huyện nào trên toàn quốc có trên 400 di sản, di tích. Nếu biết khai thác, giữ gìn, những giá trị văn hóa này không những không mất đi mà còn trường tồn mãi mãi, trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, huyện cần tập trung, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa này. Bên cạnh đó, làm mới, tiếp cận với phương pháp mới, biến văn hóa thành sản phẩm du lịch, khai thác nguồn tài nguyên văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác thăm, kiểm tra tiến độ dự án Khu lưu niệm Nguyễn Trãi 

Để phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa, di tích, di sản gắn với phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất huyện phát huy niềm tự hào là vùng đất địa linh, văn hiến, tuyên truyền giáo dục, đề cao các giá trị này trong nhân dân. Người dân sẽ là chủ nhân thực sự của quá trình phát triển, của văn hóa; giới thiệu văn hóa của quê hương ra với thế giới.

Bộ trưởng cũng lưu ý, trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng phải biết khu trú, chọn việc, chọn điểm, có cách tiếp cận mới khi nguồn lực chưa có nhiều, liên kết để làm ra sản phẩm với du lịch. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch tham vấn cho huyện tạo ra các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm gắn với văn hóa. Đây sẽ là những sản phẩm chỉ riêng Thường Tín có, độc đáo, mang tính sáng tạo và giá trị nhân bản, khác với sản phẩm của Hoàn Kiếm, Thạch Thất... Biến Thường Tín thành vùng quê đáng sống. Ở đó, người dân đi xa sẽ muốn về, khổ đau càng muốn về. Khách du lịch sẽ đến để tìm thấy sự bình yên sau những ồn ào của phố thị, đắm mình vào không gian văn hóa này, lan tỏa những giá trị tích cực của vùng đất địa linh.

Bộ trưởng cũng mong rằng, trong thời gian ngắn thôi, trong bản đồ du lịch của Việt Nam sẽ điểm danh được một vài điểm của huyện Thường Tín.

Hiện nay, ngành Văn hóa đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa, dựa vào các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, hướng mạnh vào cộng đồng dân cư, trân quý những giá trị văn hóa. Qua môi trường văn hóa, từ môi trường của gia đình, dòng họ, môi trường của toàn xã hội thì môi trường văn hóa của đất nước sẽ được bền vững.

Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa, cần phải có con người, những người làm văn hóa, thực hành văn hóa, quản lý văn hóa nên nếu địa phương cần, Bộ sẵn sàng hỗ trợ huyện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về văn hóa.

Trả lời kiến nghị của huyện Thường Tín, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và giao các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.

THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top