Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32: Khó khăn và thách thức (Bài 2): Vì sao mất cơ hội tranh chấp nhiều huy chương?

Thứ Tư 22/02/2023 | 10:25 GMT+7

VHO- Không chỉ mất nhiều môn, nội dung thế mạnh, tại SEA Games 32, Thể thao Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi ban tổ chức đưa ra quy định hạn chế tham gia tranh tài ở khá nhiều nội dung.

Môn Wushu có 24 nội dung thi đấu, nhưng Việt Nam chỉ được tham dự 6/10 nội dung đối kháng và 10/14 nội dung quyền Ảnh: TRẦN HUẤN

 Điều này sẽ khiến cho chúng ta và cả các nước khác trong khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu.

Hạn chế tham gia thi đấu ở nhiều nội dung

Chẳng hạn như ở môn Taekwondo, nước chủ nhà đề ra quy định chỉ cho các nước tham gia 5/8 hạng cân đối kháng của nam, 5/8 hạng cân đối kháng của nữ và 5/8 nội dung quyền môn Taekwondo. Với môn Cầu lông, theo Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà, thông thường tại các kỳ SEA Games, Asian Games, sẽ có 7 nội dung thi đấu.

Nhưng ở kỳ SEA Games này, nước chủ nhà đưa thêm nội dung thi đấu thứ 8 là nội dung đồng đội cho những nước chưa từng có huy chương SEA Games tham dự. Chiếu theo quy định thì nội dung này sẽ có sự tham gia của 5 nước chưa từng có huy chương SEA Games môn Cầu lông là Campuchia, Myanmar, Lào, Timor Leste, Brunei. Nhóm các nước mạnh đã có huy chương là Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore sẽ không được tham gia nội dung kể trên. Điều này khiến cho nhóm các nước mạnh trong đó có Việt Nam tham dự ít hơn 1 nội dung với đủ bộ huy chương vàng - bạc - đồng so với các nước còn lại trong khu vực.

Ông Tạ Đình Đức, phụ trách môn Vật - Tổng cục TDTT cho biết, tại SEA Games 32, môn Vật của Việt Nam mất ít nhất là 4 nội dung thế mạnh ở những hạng cân nặng của Vật cổ điển và tự do. Vốn là môn mũi nhọn của Việt Nam, tại SEA Games 31, môn Vật của Việt Nam áp đảo với việc giành được tới 17 HCV và 1 HCB. Tuy nhiên, ngoài việc mất đi ít nhất 4 nội dung thế mạnh, môn Vật của Việt Nam còn phải đối diện với nhiều khó khăn khi các đối thủ, nhất là nước chủ nhà sử dụng nhiều VĐV nhập tịch. Bên cạnh đó, môn Vật của Việt Nam lại bị tổn thất lực lượng khi một số VĐV đã lớn tuổi và chấn thương sẽ không thể tham gia tranh tài ở Đại hội lần này.

Ở môn Boxing, trong khi nước chủ nhà tham dự đầy đủ hạng cân thì theo ông Vũ Đức Thịnh, Phụ trách môn Boxing - Tổng cục TDTT, các nước khác chỉ được tham dự 8/13 hạng cân nam, 3/5 hạng cân nữ. Đáng tiếc là hạng cân thi đấu của Asian Games và Olympic là 50-52kg của nữ đã bị bỏ khỏi chương trình thi đấu. Đây là nội dung mà chúng ta có nhà vô địch châu Á Nguyễn Thị Tâm. Việc hạng cân của Tâm không có trong chương trình thi đấu là thiệt thòi lớn với cô và khiến cho Boxing Việt Nam mất đi 1 HCV.

Những quy định mới này của SEA Games 32 sẽ tước đi cơ hội của thể thao Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong việc tranh chấp song phẳng các tấm huy chương trên tinh thần thể thao trung thực và cao thượng.

Đoạt được ít huy chương không phải vì chất lượng VĐV thấp

Phân tích về số môn trong chương trình thi đấu dự kiến của SEA Games 31, ông Ngô Ích Quân, Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao II - Tổng cục TDTT cho biết, bạn công bố là 36 môn nhưng thực chất là có 40 môn được tổ chức tại Đại hội. Nguyên nhân của việc này là vì 5 môn võ riêng lẻ ở các kỳ Đại hội trước đã được “quy” về một nhóm các môn võ gồm Arnis, Jujitsu, Kickboxing, Kun Khmer và Vovinam. Nước chủ nhà cũng tổ chức nhiều môn truyền thống là thế mạnh của họ như Cờ Ouk chatrang (6 nội dung), KunKhmer (19 nội dung), Võ cổ truyền Campuchia (21 nội dung).

Ông Quân cũng phân tích nguyên nhân khiến Đoàn Thể thao Việt Nam vượt trội thành tích ở SEA Games 31, là do nước ta sớm khống chế được đại dịch Covid-19 trong khi các nước khác vẫn loay hoay chống dịch. Vì thế VĐV của chúng ta có sự tập luyện, chuẩn bị tốt hơn hẳn các nước trong khu vực. Nhưng kỳ SEA Games này đã khác, các nước đều có sự chuẩn bị tốt nên VĐV Việt Nam mất đi ưu thế của kỳ SEA Games trước. Ưu thế lớn nữa là lợi thế sân nhà, sự cổ vũ của khán giả nhà cũng sẽ không còn. Việc chúng ta mất đi nhiều môn, nội dung thế mạnh như Canoeing, Rowing… cũng là thiệt thòi lớn. Ước tính sơ qua, Vụ II có thể sẽ mất đi khoảng 20 HCV. Bên cạnh đó là việc ban tổ chức đưa ra quy định hạn chế các nước thi đấu ở các nội dung rồi xu hướng nhập tịch VĐV từ các nước mạnh, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến số lượng huy chương Đoàn Thể thao Việt Nam có thể đoạt được tại kỳ SEA Games này.

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I - Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh cũng phân tích, khó khăn của Vụ tại SEA Games 32 chính là những môn thế mạnh như Bắn súng bị loại khỏi chương trình thi đấu; Khiêu vũ thể thao bị loại 12 nội dung truyền thống, đưa vào 2 nội dung mới ở môn Breaking. Ở một số môn võ trong khi nước chủ nhà được tham dự đầy đủ nội dung thì chúng ta bị khống chế, chỉ được tham gia tranh tài ở 70-80% nội dung. Cụ thể ở môn Wushu, có 24 nội dung thi đấu thì Việt Nam chỉ được tham dự 6/10 nội dung đối kháng và 10/14 nội dung quyền.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, tại SEA Games 31, Việt Nam tham dự đủ 40 môn với 508/526 nội dung thi đấu. So với SEA Games 31, Việt Nam tham dự SEA Games 32 ít hơn 64 nội dung thi đấu. Do đó chúng ta không thể đoạt được nhiều huy chương do tận dụng lợi thế sân nhà, cử nhiều VĐV tham dự, như tại SEA Games 31. “Như thế dự báo thành tích của chúng ta tại SEA Games 32 ít hơn SEA Games 31 không phải do chất lượng VĐV mà do số lượng VĐV tham gia ít hơn”, ông Vinh khẳng định.

Trước những khó khăn, thách thức này đòi hỏi Thể thao Việt Nam phải nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp khả thi, đồng bộ để “điểm hẹn” tháng 5 này sẽ tiếp tục là kỳ Đại hội thành công. 

Bài 3: Phấn đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc

THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top