Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa

VHO- LTS: Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam là dịp để đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật như lời dạy của Bác nhìn lại chặng đường vẻ vang của văn học, nghệ thuật nước nhà dưới ánh sáng của Đề cương và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đây cũng là dịp các văn nghệ sĩ thấy được trách nhiệm và sứ mệnh của mình, đề ra các giải pháp thiết thực, góp phần tiếp tục chấn hưng và phát triển văn hóa.

 Mỗi văn nghệ sĩ phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 1

Là những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, chúng tôi cũng như rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó, đã, đang và sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình.

Xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất, là giải pháp về đội ngũ. Cần chăm lo phát triển để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà có đủ năng lực và điều kiện cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Các tài năng nghệ thuật cần được phát hiện sớm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện và trọng dụng. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” cho hôm nay và mai sau.

Thứ hai, về cơ chế, cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự phát triển của công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, coi đó như một xu thế phát triển không thể đảo ngược của quá trình toàn cầu hóa văn hóa và là một trong những giải pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm, đưa Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Bên cạnh đó, những loại hình văn học, nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia - dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa - con người Việt Nam thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật. Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền, các nhóm xã hội khác nhau.

Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ thật là nặng nề, rất vẻ vang. Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có, phồn vinh và hạnh phúc.

(PGS.TS, nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam)

Chưa bao giờ đội ngũ văn nghệ sĩ được quan tâm và tạo điều kiện như bây giờ

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 2

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 không chỉ là dịp để chúng ta cùng nhớ lại một sự kiện, một giai đoạn lịch sử mà qua đó, một lần nữa khẳng định chân lý của một con đường. Con đường ấy đã cuốn hút văn nghệ sĩ ở mọi lứa tuổi, thành phần, ở mọi miền đất nước cùng bước vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là khát vọng độc lập - tự do.

Nói về Đề cương văn hóa là nói về tư tưởng, chiến lược của Đảng, về sự đồng cảm của các văn nghệ sĩ tự nguyện bước theo Đảng trong một tinh thần tối thượng. Qua 2 cuộc kháng chiến, trong thời kỳ đổi mới và trong giai đoạn hiện nay, sự trung thành của các văn nghệ sĩ với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân được thể hiện qua chính trang viết của họ, qua sự hi sinh của họ. Những trang viết đầy máu của thời chiến tranh, đầy trăn trở trong thời bình. Công cuộc đổi mới đã mở ra cánh cửa vô cùng rộng lớn, nhiều biến động sâu sắc, có những nhà văn cảm thấy hoang mang, lúng túng. Nhưng bản Đề cương với 3 trụ cột tinh thần đó đã mang lạị cho chúng ta niềm tin. Chưa bao giờ đội ngũ văn nghệ sĩ được quan tâm và tạo điều kiện như bây giờ.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt niềm tin sâu sắc vào đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung và các nhà văn nói riêng; nhưng cũng đặt ra rằng trong những năm tháng gần đây các nhà văn chưa tạo ra được những tác phẩm ngang tầm thời đại. Đó cũng là yêu cầu của nhân dân, dân tộc, của thời đại và các nhà văn, với sứ mệnh của mình, đang lặng lẽ với tất cả tinh thần, trí tuệ để đáp ứng, trả lời câu hỏi đó của Tổng Bí thư và của nhân dân.

(Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

VHNT Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi chiếu của Đề cương

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 3

Khi Việt Nam đang trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn quyết định soạn thảo bản Đề cương về văn hóa. Đây là minh chứng cho việc trong mọi hoàn cảnh, Đảng ta vẫn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của văn hóa. Phát triển văn hóa cũng chính là góp phần vào phát triển con người Việt Nam toàn diện. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn, một đứa trẻ lớn lên là nhờ hai “bầu sữa” vật chất và tinh thần. “Sữa” ở đây là bầu sữa mẹ; còn “tinh thần” là tiếng hát, cũng chính là văn hóa. Không phải chỉ đứa trẻ mà người trưởng thành cũng cần đủ hai “bầu sữa” đó để phát triển. Và khi Đề cương về văn hóa ra đời, “ánh sáng” của Đề cương đã soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho sự phát triển con người Việt Nam; hướng con người đến những yếu tố chân - thiện - mỹ.

Thực hiện theo câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Đảng ta đã xác định phải xây dựng văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật với ba tiêu chí dân tộc, đại chúng và khoa học. Đề cương đặc biệt nhấn mạnh phải “khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”. Theo nguyên tắc vận động của Đề cương về văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay vẫn đang ngày ngày, bằng bút lực cho ra đời những tác phẩm đấu tranh, phản bác lại quan điểm sai trái; bảo vệ quan điểm đúng đắn về phát triển văn hóa của Đảng. Đến nay, những quy tắc vận động ấy vẫn còn tính thời sự. Đến 200 năm sau và hơn nữa, những vấn đề đó vẫn sẽ đúng. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Văn học, nghệ thuật Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi chiếu của Đề cương về văn hóa.

(Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Bổn phận thiêng liêng của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa...

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 4

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là nền cốt đầu tiên cho quan niệm của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật và cho đến bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị, với ba tư tưởng trụ cột: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Từ nền tảng tư tưởng cơ bản đó cũng đã quyết định trục đi và lộ trình xuyên suốt của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Triển khai đường lối văn hóa của Đảng, thế hệ vàng của mỹ thuật Đông Dương đã lên đường đi kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thế hệ văn nghệ sĩ ngày ấy còn rất non trẻ, việc tiếp cận bản Đề cương cũng chính là để giúp tìm ra đường lối cho chính bản thân mình. Thế hệ họa sĩ tiên phong ấy luôn thấu hiểu sứ mệnh, bổn phận của mình. Nghệ sĩ tiên phong và đã ngã xuống đầu tiên ở chiến trường Điện Biên Phủ là danh họa Tô Ngọc Vân. Chính ông là người đã đặt ra nền móng rất quan trọng của thể loại tranh ký họa. Những bức ký họa chiến trường với sức rung động lớn lao đã tạo nên những tác phẩm mãi sống với lịch sử dân tộc, ghi lại những cảm nhận về không khí mặt trận, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, những câu chuyện của kháng chiến, từ tiền tuyến đến hậu phương…

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng. Sau này, trong thư hỏi thăm anh chị em họa sĩ và văn nghệ sĩ nhân Triển lãm hội họa được tổ chức năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy… Hình ảnh người nghệ sĩ - chiến sĩ có thể nói đã được phác những nét đẹp đầu tiên qua hình ảnh danh họa Tô Ngọc Vân. Ông ngã xuống trên chiến trường với hình ảnh người nghệ sĩ - chiến sĩ đẹp đẽ; để một lần nữa chứng minh bổn phận thiêng liêng của người nghệ sĩ không thể tách rời bổn phận của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

Trải qua nhiều biến đổi của thời cuộc, cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng về văn hóa, trong một bối cảnh lịch sử mới, một sự chuyển kênh thế hệ. Những điều tâm huyết của Tổng Bí thư đối với văn hóa dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn…” luôn hàm chứa những ước ao, kỳ vọng về một lộ trình đổi mới của nền văn hóa Việt Nam. Lộ trình đó như thế nào còn phải trông chờ vào thế hệ các văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay. Và tôi cho rằng, bản thân mỗi nghệ sĩ, với nỗ lực và ý thức về sứ mệnh thiêng liêng của mình, đã, đang và sẽ tiếp tục hiện thực hóa những quan niệm của Đảng trở thành những tác phẩm, những giá trị mới mang hơi thở thời đại…

(Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

Những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử cách mạng được phản ánh qua những ca khúc đi cùng năm tháng

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 5

Trải qua 80 năm qua từ khi có Đề cương đến nay, giới văn học nghệ thuật thực sự cảm thấy văn hóa đã được tôn vinh, đã và đang được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị. Qua những bài hát hào hùng về Đảng, các nhạc sĩ đã có công rất lớn trong việc truyền bá tư tưởng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho đời sau, truyền cảm xúc và niềm tin về Đảng, giúp thế hệ trẻ tự hào và thấy được trách nhiệm đối với non sông đất nước. Những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử cách mạng Việt Nam đã được các thế hệ nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng sống mãi cùng lịch sử dân tộc. Cảm hứng từ các dấu ấn lịch sử đã giúp cho nền âm nhạc cách mạng có được những ca khúc đi cùng năm tháng, sục sôi, hào hùng, mạnh mẽ.

Tham dự sáng tác và dàn dựng âm nhạc trong chương trình chào mừng Lễ kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, đạo diễn chương trình - NSND Trần Bình đã cùng tôi viết lên liên khúc Ngọn đuốc soi đường, lời ca và âm nhạc là nguồn cảm hứng sáng tạo từ những nội dung tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam. “Đề cương về văn hóa Việt Nam như ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, những lời ca từ rất giản dị nhưng qua âm nhạc, qua dàn hợp xướng và múa sẽ thắp sáng hơn nữa nội dung tư tưởng trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa…

(Nhạc sĩ ĐỨC TRỊNH, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Tính dân tộc và hiện đại từ góc nhìn điện ảnh

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 6

Có thể thấy ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng chính là khởi nguồn của tính dân tộc và tính hiện đại - những đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam. Để minh họa rõ hơn về sự vận động và phát triển của tính dân tộc và tính hiện đại - các phẩm chất và đặc tính của văn học, nghệ thuật, xin được đưa một góc nhìn từ ngành nghệ thuật có sức lan tỏa nhanh nhất và rộng nhất, đó là Điện ảnh.

Điện ảnh là nghệ thuật có tính phổ biến nhanh và đồng thời trong phạm vi rộng, lại có tính thương mại cao của một ngành công nghiệp nên cũng có khả năng rất lớn trong giao lưu giữa các dân tộc, các quốc gia. Nói cách khác, điện ảnh là ngành nghệ thuật có tính đại chúng và tính quốc tế cao. Trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc chính là hành trang quan trọng nhất để một nền điện ảnh nói riêng, một nền văn hóa nói chung, có thể tiến bước. Tính dân tộc đảm bảo sự vững chắc cho một nền điện ảnh hội nhập tích cực với quốc tế mà không rơi vào nguy cơ “tự đánh mất mình”.

Điện ảnh cách mạng Việt Nam hình thành trong chiến tranh với nhiệm vụ bám sát cuộc chiến đấu của nhân dân nên đối tượng phản ánh chính là cuộc sống và con người thời hiện đại. Tính hiện đại cần phát huy trong điện ảnh Việt Nam rất gần với khái niệm tính chất tiên tiến của văn hóa Việt Nam. Trong giai đoạn “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc.

Tác phẩm điện ảnh sẽ có giá trị khi mang tính dân tộc và tính hiện đại đậm nét cả trong nội dung tác phẩm lẫn hình thức thể hiện. Nó góp phần làm nên diện mạo điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có thể coi một bộ phim đạt được hiệu quả xã hội cao là tác phẩm điện ảnh có giá trị. Như vậy, dân tộc, khoa học, đại chúng vẫn là ba nguyên tắc dẫn dắt nền điện ảnh Việt Nam phát triển, tạo nên những giá trị mới và ghi dấu vào bản đồ điện ảnh thế giới.

(TS NGÔ PHƯƠNG LAN, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương)

Tiền đề hồi sinh nền sân khấu Việt Nam

Văn học, nghệ thuật luôn phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của Đề cương về văn hóa - Anh 7

Cách mạng đã tạo ra những điều kiện, những tiền đề hồi sinh nền sân khấu Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do yêu cầu lịch sử, hàng trăm đơn vị nghệ thuật sân khấu đã được thành lập trên cả nước, hình thành nên đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và nền nghệ thuật sân khấu cách mạng. Cùng với các hình thức văn nghệ nói chung, sân khấu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến kiến quốc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với cách mạng, nghệ thuật sân khấu có cơ hội tắm mình trong sinh hoạt tinh thần của cả dân tộc, trở thành một ngành nghệ thuật quan trọng với hệ thống đơn vị nghệ thuật thuộc các kịch chủng khác nhau từ tuồng, chèo, múa rối, rồi cải lương, kịch dân ca, kịch nói, xiếc được phân bổ rộng khắp từ trung ương đến các địa phương, bộ, ngành chủ quản.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, đông đảo nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ vào chiến khu Việt Bắc, tích cực tham gia hoạt động văn nghệ, nhất là hoạt động sân khấu kháng chiến. Những văn nghệ sĩ sân khấu từ trong tiềm thức yêu nước và tự tôn dân tộc, đã tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng nền sân khấu Việt hiện đại. Đó là những tên tuổi như Thế Lữ, Tinh Hoa, Anh Vũ, Nguyễn Tuân, Lê Đại Thanh, Kim Lân, Song Kim, Kỳ Lân, Vi Huyền Đắc, Tú Mỡ, Phạm Văn Đôn, Phạm Văn Khoa... Và sân khấu Việt Nam hiện đại, qua các thời kì phát triển, đều có những nhà viết kịch tiêu biểu, kể từ kháng chiến chống Pháp là Nguyễn Huy Tưởng, Học Phi, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, rồi đến hòa bình, kháng chiến chống Mỹ, hậu chiến là Nguyễn Đình Thi, Xuân Trình, Đào Hồng Cẩm, Học Phi, Hoài Giao, Tất Đạt, Hồng Phi... Và đặc biệt là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, ngôi sao sáng của viết kịch thời đổi mới.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI) 

Ý kiến bạn đọc