Tạo động lực để văn hóa thực sự là ngọn đuốc  “soi đường cho quốc dân đi”

VHO- Nhìn lại 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), ngay từ những ngày đầu năm 2023, Bộ VHTTDL dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã khẩn trương xây dựng, triển khai chuỗi hoạt động lớn, mang tầm vóc và quy mô quốc gia. Khẳng định ý nghĩa của chuỗi hoạt động kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cần phát huy sức mạnh tổng hợp để từng sự kiện đều trở thành những dấu ấn văn hóa đặc biệt trong năm 2023. Các hoạt động kỷ niệm cần được tổ chức có chiều sâu, sức lan tỏa và tạo động lực để văn hóa Việt Nam thực sự là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.

Tạo động lực để văn hóa thực sự là ngọn đuốc  “soi đường cho quốc dân đi” - Anh 1

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo phiên họp về công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động kỷ niệm

 Sau tám thập kỷ, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm mang tầm vóc quốc gia không chỉ để thế hệ hôm nay cùng nhìn lại dấu mốc ra đời của bản Đề cương mà còn khẳng định tính đúng đắn, những nguyên tắc mang tính chân lý để từ đó, nền văn hóa Việt Nam ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác Hồ căn dặn…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 Truyền thống là điểm tựa

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và 2 hội thảo quốc gia trong năm 2022: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành dấu ấn văn hóa đặc biệt trong năm 2023, nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021.

Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã xây dựng, ban hành Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Thông qua các hoạt động kỷ niệm, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Việc vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa trong Đề cương năm 1943 được thể hiện trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới đã hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc.

Tạo động lực để văn hóa thực sự là ngọn đuốc  “soi đường cho quốc dân đi” - Anh 2

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Họp báo tuyên truyền các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam

Trong các phiên họp về công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng luôn nhấn mạnh, sau 8 thập kỷ, những ý nghĩa, định hướng, nguyên tắc đặt ra trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị. Các hoạt động nhân dịp kỷ niệm có tầm quan trọng đặc biệt, cần tổ chức bài bản, có chất lượng, chiều sâu. Từ nền tảng và điểm tựa truyền thống, từ những giá trị bền vững mà bản

 đề cương khởi thảo, các hoạt động kỷ niệm dịp này được tổ chức rộng khắp trong cả nước, với nhiều nội dung và hình thức phong phú.

“Sau tám thập kỷ, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm mang tầm vóc quốc gia không chỉ để thế hệ hôm nay cùng nhìn lại dấu mốc ra đời của bản Đề cương mà còn khẳng định tính đúng đắn, những nguyên tắc mang tính chân lý để từ đó, nền văn hóa Việt Nam ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác Hồ căn dặn…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chuỗi hoạt động lớn do Bộ VHTTDL tham mưu và chủ trì tổ chức trong đợt kỷ niệm gồm: Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”; chương trình nghệ thuật “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”; phim tài liệu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm còn có tuần phim, triển lãm ảnh, triển lãm tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Nghệ sĩ là chiến sĩ”…

Nhấn mạnh dịp kỷ niệm là cơ hội để thế hệ hôm nay hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về hoàn cảnh ra đời, về các tư tưởng lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam thời điểm năm 1943; từ đó, tiếp tục phát huy giá trị lịch sử của bản đề cương phù hợp với bối cảnh mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý, từng hoạt động kỷ niệm cần phải được “thổi hồn”, để giá trị của văn kiện trở nên sống động, tươi mới, trở thành động lực cho những bước phát triển mới của nền văn hóa, để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Sức sống và những giá trị bền vững

Tạo động lực để văn hóa thực sự là ngọn đuốc  “soi đường cho quốc dân đi” - Anh 3

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam thông tin về Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam chia sẻ, Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” là hoạt động có quy mô do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Hội thảo diễn ra ngày 27.2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), kết hợp trực tiếp và trực tuyến. “Dưới những góc nhìn đa dạng, diễn đàn quan trọng này một lần nữa tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho hay.

Tiếng nói uy tín của các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng. “Thông qua nội dung hội thảo để nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này, vì mục tiêu chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…”, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Tạo động lực để văn hóa thực sự là ngọn đuốc  “soi đường cho quốc dân đi” - Anh 4

 Các nghệ sĩ miệt mài luyện tập cho chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử” Ảnh: QUỲNH TRANG

Hai nội dung chính của hội thảo gồm: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tham gia phần thảo luận bàn tròn có các nhà quản lý, chuyên gia, các văn nghệ sĩ với tiếng nói uy tín nhằm kiến giải, đề xuất nhiều giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. “Để hội thảo quốc gia quy tụ được nhiều tiếng nói uy tín của các học giả, chuyên gia, khẳng định ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện 80 năm ra đời Đề cương cũng như đề đạt các giải pháp, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước…, lãnh đạo Bộ và trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo sát sao về công tác chuẩn bị, đặc biệt nhấn mạnh chú trọng chất lượng nội dung các tham luận. Đến nay, cơ bản các hoạt động chuẩn bị cho hội thảo đã được triển khai, hoàn thiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho hay.

Cùng cộng hưởng để tạo sự lan tỏa, khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo và khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, chương trình nghệ thuật “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử” vào tối 28.2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội hứa hẹn sẽ khắc họa một cách mềm mại, cuốn hút dòng chảy xuyên suốt 80 năm qua bằng ngôn ngữ âm nhạc. Những ca khúc đi cùng năm tháng sẽ lần lượt khắc họa, làm nổi bật ba chủ đề: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hóa; Văn hóa còn thì dân tộc còn.

Tạo động lực để văn hóa thực sự là ngọn đuốc  “soi đường cho quốc dân đi” - Anh 5

 Phim “Bình minh đỏ” được chọn chiếu khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam là tác phẩm điện ảnh tài liệu đồ sộ, ngay từ sớm đã được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm, chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương triển khai xây dựng. Theo đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim, phim có thời lượng khoảng 40 phút, với khối lượng hình ảnh, tư liệu đồ sộ. Những thước phim sẽ chuyển tải thông điệp ý nghĩa, tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam cùng quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của bản đề cương lịch sử trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Góp phần vào không khí sôi động của các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ ngày 25.2 đến ngày 3.3. Phim “Bình minh đỏ” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân được chọn chiếu khai mạc. Với những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng, những thước phim tài liệu có giá trị sống mãi với thời gian, giới điện ảnh và công chúng cả nước cùng nhìn lại dấu mốc lịch sử năm 1943 và dòng chảy không ngừng của nền văn hóa dân tộc, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam từ khởi nguồn là Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28.2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và Nhà hát Lớn Hà Nội. Triển lãm trưng bày 80 bức ảnh, với những tư liệu quý như ảnh toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam, in trên tạp chí Tiên phong, số 1, tháng 11.1945; các kỳ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 và 2021; hình ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa - văn nghệ và với văn nghệ sĩ, trí thức; những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam…

Nhấn mạnh tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của các hoạt động kỷ niệm, tại cuộc họp báo do Bộ VHTTDL tổ chức trước thềm Hội thảo và các hoạt động kỷ niệm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông một lần nữa khẳng định: “Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Từ đó đến nay, các luận điểm, quan điểm trong bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng ta sáng tạo, khẳng định và hiện thực hóa. Những thành quả mà nền văn hóa Việt Nam có được hôm nay đều dựa trên và phát huy từ nền tảng trụ cột của các quan điểm trong bản Đề cương”. 

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc