Hướng dẫn các địa phương ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO

VHO - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ VHTTDL chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng Hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hướng dẫn các địa phương ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - Anh 1

TP Hội An đang làm hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Trong ảnh: một cơ sở sản xuất đèn lồng trong xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An

Tại Công văn số 1170/VPCP-KGVX ngày 24.2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ VHTTDL chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng Hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của UNESCO.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Đến năm 2021 đã có 295 thành phố sáng tạo từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới được công nhận nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Ngày 30.10.2019, UNESCO đã công nhận thành phố Hà Nội chính thức thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hiện một số thành phố khác cũng đang tiến hành làm hồ sơ, đề án để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO như TP Hội An, tỉnh Quảng Nam thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thuộc lĩnh vực “âm nhạc”…

Mạng lưới tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.

Khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố cam kết chia sẻ, tạo những điều kiện tốt nhất để thực hành, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác giữa khu vực công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc