Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

VHO - Tối 25.2, tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) đã diễn ra khai mạc Festival về miền Quan họ-2023, kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh với chủ đề "Miền di sản-Tinh hoa và bản sắc". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh được công nhận đợt 11, năm 2022.

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.

Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan...

Festival về miền Quan họ 2023 là ngày hội văn hóa lớn với 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc diễn ra trên địa bàn tỉnh, nơi kết nối những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước về hội tụ và tỏa sáng trên vùng đất Bắc Ninh ngàn năm văn hiến. Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh  Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh mong muốn đưa sự kiện này trở thành hoạt động văn hoá du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa, thương hiệu văn hóa du lịch Bắc Ninh trên nền tảng các giá trị văn hóa của dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó, hợp tác và phát triển.

 “Với một chuỗi hoạt động, trong đó điểm nhấn là chương trình khai mạc Festival về miền quan họ 2023 đã đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận 3 hiện vật, nhóm hiện vật của tỉnh Bắc Ninh là bảo vật quốc gia, nâng cao số hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh là 17 hiện vật và nhóm hiện vật.” bà Nguyễn Hương Giang nói.

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu dự Lễ khai mạc

Tại lễ khai mạc Festival, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh vừa được công nhận đợt 11, năm 2022 gồm: Tĩnh Lự thiền tự bia (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình); "Tượng Quan Âm Nam Hải" hiện lưu giữ ở chùa Cung Kiệm (xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ) và "Thạp đồng Đông Sơn" đang lưu giữ tại Bảo tàng tư nhân Hoàng gia Nam Hồng (thành phố Từ Sơn).

Tượng Quan âm bằng đá thời Lê Sơ tại chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh hay còn gọi là Pho tượng Quan Âm Nam Hải. Đây là pho được khắc với niên đại sớm nhất ở nước ta. Tượng gồm 2 phần chính là phần bệ tượng và phần thân tượng với chiều cao tổng thể là 88,7cm. Trong đó, chiều cao phần bệ là 36,9cm và chiều cao phần thân tượng là 51,8cm. Tượng Quan âm bằng đá là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi thiền, bán kiết già, đường nét chạm khắc tinh tế, mềm mại. Khuôn mặt bầu, phúc hậu toát lên vẻ từ bi của nhà Phật. Đầu đội mũ thiên quan được trang trí rất tỉ mỉ với các đồ án như hoa sen, hoa mai, đồ án hoa dây cách điệu. Đặc biệt, đây là pho tượng Quan Âm đá duy nhất tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đỡ bệ sen. Hiện nay, tại Việt Nam, đối với hệ thống tượng Quan âm chỉ có duy nhất 2 pho tượng được khắc niên đại tuyệt đối, gồm Tượng Quan âm chùa Cung Kiệm (1449) và Pho tượng Phật bà Quan âm chùa Bút Tháp tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (1656).

Trong khi đó, bia Tĩnh Lự thiền tự bi ở chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình là kiệt tác nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng. Đây là hiện vật gốc trong di tích, được dựng theo sự chỉ đạo của chúa Trịnh Tráng để ghi chép về việc trùng tu, mở rộng quy mô chùa Tĩnh Lự năm Mậu Tý 1648. Bia có kết cấu tổng thể gồm 4 phần gồm đế bia, tấm bia (khắc minh văn), hai tấm phù điêu (chạm hoạt cảnh) và mái che. Bia và nhà bia chùa Tĩnh Lự được tạo tác công phu, mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật và hình thái kiến trúc. Nội dung văn bia ghi chép về việc trùng tu và những người công đức vào chùa Tĩnh Lự ở thời điểm bấy giờ nên đây là hiện vật mang tính độc bản.

Thạp đồng văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng do ông Nguyễn Thế Hồng ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn sở hữu cũng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, phân bố chủ yếu tại vùng núi trung du và đồng bằng của các con sông lớn ở miền Bắc Việt Nam. Thạp đồng văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng. Toàn bộ thạp phủ lớp sơn hơi xanh gỉ đồng ngả vàng. Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Niên đại cách ngày nay 2.200-2.300 năm (thế kỷ 3-2 trước Công nguyên).

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 3

Thạp đồng văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng

Một trong những điểm độc đáo của thạp đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là hoa văn động vật trên các băng trang trí. Trong số này, tại băng thứ 21 có trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong, mỗi con có chiều dài dao động từ 8- 8,5cm. Đây cũng là băng hoa văn chính, trung tâm của thạp đồng. Đàn 14 con thú này nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài. Đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn duy nhất hiện biết ở Việt Nam có trang trí băng hoa văn này.

Tại Lễ khai mạc Festival về miền quan họ 2023,  ngoài việc giới thiệu, trình diễn những nét tinh hoa văn hóa độc đáo của dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chương trình của Festival lần này còn có sự tham gia của các địa phương trên mọi miền của tổ quốc, có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: Hát xoan Phú Thọ, Ví dặm Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh), Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắc Lắk), Đờn ca tài tử Nam Bộ (Bạc Liêu), bài chòi (Quảng Nam). Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Miền di sản, tinh hoa và bản sắc" được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia biểu diễn của gần 600 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật của Trung ương, của tỉnh Bắc Ninh và 6 tỉnh, thành phố đại diện cho các di sản trên.

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 4

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 5

Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu

Lễ khai mạc Festival về miền Quan họ-2023 mở đầu bằng màn khai từ “Khách đến chơi nhà” trong tiếng trống hội ngày xuân tưng bừng, hoành tráng. Tiết mục Dân ca Quan họ mời nước mời trầu làm nổi bật tinh thần hiếu khách, trọng nghĩa, trọng tình của người Bắc Ninh- Kinh Bắc.

Chương trình được bố cục 3 chương với nhiều tiết mục đặc sắc được dàn dựng công phu kết hợp công nghệ thực tế ảo hoành tráng, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình Led hiện đại... với sự thể hiện của những nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên nổi tiếng như: Ca sĩ Tùng Dương, Thanh Nhàn, Quách Mai Thi... mang đến cho công chúng khán giả một không gian nghệ thuật sống động, mãn nhãn, giàu cảm xúc. Chương 1 - Không gian văn hóa Quan họ với những làn điệu Quan họ lời cổ và lời mới Gửi về Quan họ, Tứ hải giao tình, Liện sai, Ngồi tựa mạn thuyền, hòa tấu violin, sáo trúc Những cô gái Quan họ. Chương 2-Bốn phương hội tụ là bức tranh nghệ thuật phong phú, đa dạng sắc màu di sản văn hóa, thể hiện qua các tiết mục hấp dẫn: Bắc Ninh Kinh Bắc, Bắc Ninh-Hà Tĩnh cùng chung câu hát nghĩa tình, Hương sắc Bạc Liêu, hòa tấu chiêng Âm vang đại ngàn, Nghe câu Quan họ trên cao nguyên, Câu hát hội xoan, Bài chòi Quảng Nam kết nối miền di sản, Lục cúng hoa đăng, Guốc mộc. Chương 3-Bắc Ninh tỏa sáng miền văn hiến vang câu hát Giã bạn với tình cảm bịn rịn, lưu luyến "người ơi người ở đừng về" qua các ca khúc Yêu một Bắc Ninh, Bắc Ninh tỏa sáng miền văn hiến

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 6

Festival là dịp để di sản các vùng miền hội tụ và tỏa sáng

Festival Về miền quan họ 2023 còn có các hoạt động khác như Hội thi hát dân ca Quan họ, trưng bày “Hành trình sắc màu di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng miền”, giao lưu hát canh Quan họ, biểu diễn múa rối nước làng Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành), các hoạt động trải nghiệm đường phố…

Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh - Anh 7

Đông đảo người dân và du khách khắp nơi về dự Festival

Festival lần này là một hoạt động trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa con người Bắc Ninh phát triển toàn diện,  thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh; bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc và phù hợp với xu thế thời đại mà tỉnh Bắc Ninh hướng đến từ nay đến năm 2030.

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc