Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phát huy giá trị văn hóa “18 thôn Vườn Trầu”

Thứ Tư 26/04/2023 | 10:09 GMT+7

VHO- Nhắc đến Hóc Môn hầu như ai cũng nhớ về cái tên “18 thôn Vườn Trầu”. Đây là một trong những địa phương vùng ven ngoại thành TP.HCM, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, người dân Hóc Môn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện bản sắc và lối sống của cư dân ngoại thành vùng đất được nhắc nhớ với cái tên đầy tự hào “18 thôn Vườn Trầu”.

 Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng nhìn từ trên cao, đây là di tích lịch sử văn hóa nổi bật của huyện Hóc Môn Ảnh: QUỶ CỐC TỬ

 “18 thôn Vườn Trầu” là những thôn nào?

Theo ông Nguyễn Lặc và cộng sự, Trường ĐH Lao động - Xã hội (Cơ sở II TP.HCM), địa danh “18 thôn Vườn Trầu” gắn với nhiều cuộc khởi nghĩa của các ông Trương Định, Trương Quyền, Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn. Đây cũng là nơi được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước suốt từ năm 1936 đến năm 1939 và cũng là nơi diễn ra Nam Kỳ khởi nghĩa 23.11.1940. Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức: Từ năm 1698 đến năm 1731, cư dân đã lập ra 6 thôn trên đất Hóc Môn - Bà Điểm gồm: Tân Thới Nhứt, Xuân Thới Tây, Thuận Kiều, Tân Thới Trung, Tân Phú, Tân Thới Nhì. Sau đó phát triển, mở rộng ra các thôn khác thành 18 thôn là: Thuận Kiều, Thuận An, Trung Hòa, Tư Chánh Giáo Đức, Tân Thới Bình, Tân Thới Đông, Tân Thới Tây, Tân Thới Trung, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ, Mỹ Toàn, Tân Thới Nhứt Tây, Tân Thới Nhì Tây, Xuân Thới, Xuân Thới Tây và Tân Phú.

Các thôn này bao trùm trên diện tích các xã, phường thuộc huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, một phần huyện Bình Chánh, Củ Chi. Ngày xưa, 18 thôn này đều có trồng trầu cau để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên có tên gọi là “18 thôn Vườn Trầu”, nhưng nhiều trầu nhất là thôn Tân Thới Nhứt. Vườn trầu được hình thành rất sớm do những cư dân vào khẩn hoang vùng đất Nam Bộ, lúc đó vườn trầu còn chen lẫn với rừng rậm đầy thú dữ.

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi Gia Định Thành thành tỉnh Phiên An, năm 1836 lại đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định, năm 1841 thời vua Thiệu Trị, phủ Tân Bình lại tăng thêm huyện là huyện Bình Long nên vùng đất Hóc Môn (trong đó có làng Tân Thới Nhứt) có tên gọi là huyện Bình Long thuộc phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn Vườn Trầu năm 1885 do ông Phan Văn Hớn lãnh đạo tấn công vào Dinh quận Bình Long chính là huyện Hóc Môn ngày nay. Sau cuộc khởi nghĩa đó, chính quyền thực dân Pháp chính thức đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn, có 4 tổng là Long Tuy Thượng, Bình Thạnh Thượng, Bình Thạnh Trung và Bình Thạnh Hạ, tổng Bình Thạnh Hạ có 16 thôn. Năm 1917, thực dân Pháp thành lập tỉnh Gia Định gồm 4 quận: Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức. Như vậy, lịch sử hình thành của 18 thôn vườn trầu gắn liền với sự phát triển vùng Sài Gòn của người Việt. Một số tên thôn chính của “18 thôn Vườn Trầu” đến nay vẫn còn tồn tại, các thôn khác đã thay đổi theo sự điều chỉnh địa giới hành chính.

TS Nguyễn Thị Nguyệt, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nói rằng, bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với phong tục trầu cau của người Việt nơi đây. Địa danh “18 thôn Vườn Trầu” của Hóc môn cho thấy nơi đây có truyền thống trồng trầu cau lâu đời. Tại xã Bà Điểm, ngày nay vẫn còn một số gia đình duy trì được những vườn trầu cau xanh thắm. Những vườn cau cao vút, xen lẫn với những giàn trầu gợi nên những không gian sinh thái quen thuộc của thôn quê Nam Bộ. Sản phẩm là trầu cau, thể hiện tình cảm gắn bó gia đình, làng xóm, giao tiếp trong văn hóa người Việt…

 Biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Hóc Môn - Nghĩa tình 18 thôn Vườn Trầu”

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong quá trình đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng ít nhiều đến di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, Hóc Môn cũng không đứng ngoài câu chuyện này. Hóc Môn có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng); Bảo tàng Hóc Môn; Đền thờ ông Phan Công Hớn (xã Bà Điểm); Nhà di tích Xuân Thới Đông (xã Xuân Thới Đông); chùa Thiên Quang (xã Trung Chánh); Tổ đình Tân Thới Nhì (thị trấn Hóc Môn); đình Tân Thới Tam (xã Thới Tam Thôn); đình Tân Thới Nhứt (xã Bà Điểm); đình Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng);…

Theo TS Võ Thị Mỹ, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam TP.HCM, Hóc Môn - Bà Điểm “18 thôn Vườn Trầu” năm xưa, hình thành và phát triển gắn liền với quá trình 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Lịch sử - văn hóa vùng đất được thể hiện trong mỗi địa danh, tên đất, tên làng, danh nhân và ghi dấu qua từng di tích - danh thắng cũng đều mang những câu chuyện mở cõi, lịch sử chiến tranh,... Xây dựng môi trường văn hóa tại các di tích lịch sử văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa, giúp đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, khám phá, thưởng lãm,… của du khách.

TS Lê Hữu Phước, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, du lịch văn hóa đang trở thành xu thế chủ đạo trong phát triển du lịch, nhằm khai thác tiềm năng di sản văn hóa. Với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, Hóc Môn có tiềm năng dồi dào để phát triển loại hình này theo nguyên tắc: Phát triển du lịch bền vững gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Theo ông, vấn đề đặt ra là cần lựa chọn đúng những giá trị di sản đặc thù, nổi trội, có sức hút để khai thác và phát huy. Nên chăng, có thể nghiên cứu việc phục hồi các địa danh xưa gắn với lịch sử khai hoang lập ấp của các thế hệ cư dân Hóc Môn. Đây hoàn toàn không phải là thói nệ cổ, mà là sự trở về chính đáng với những giá trị văn hóa trường tồn làm nên bản sắc của vùng đất – con người. Đó là các tên gọi địa hình thiên nhiên, thôn xóm, di tích tín ngưỡng dân gian… vốn gần gũi, quen thuộc với người dân nhưng có lúc đã bị thay đổi theo hướng hành chính hóa, dần dần trở nên xa lạ, công thức. Đồng thời, cần có sự giới thiệu, quảng bá phù hợp, có chiều sâu về các địa danh này; để trong lòng đô thị sinh thái Hóc Môn mai sau vẫn trường tồn những hình ảnh, ký ức thân thương của nền tảng quá khứ máu thịt góp phần quan trọng làm nên hiện tại và tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, để bảo tồn, phát huy và ứng dụng các giá trị văn hóa phi vật thể huyện hóc môn trong quá trình chuyển sang đô thị sinh thái, cần thiết tiến hành kiểm kê, nhận diện di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương trong tổng thể di sản văn hóa TP.HCM. Tiến hành số hóa các tư liệu đã khai thác, thành lập ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể (phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực...) của huyện, bổ sung trong ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của TP.HCM. Những tư liệu số hóa sẽ là cơ sở để truy cập phục vụ các đối tượng trong quá trình địa phương chuyển sang đô thị sinh thái, nhưng vẫn giữ được di sản văn hóa phi vật thể qua công nghệ số 4.0. Cần khôi phục những di sản về phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đã thất truyền, trong đó có đẩy mạnh các dự án khôi phục làng nghề như: Làng trồng hoa, đan lát, nghề làm bánh... đáp ứng nhiệm vụ vừa bảo tồn văn hóa và vừa phát triển du lịch. Tổ chức và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa.

TS Lê Hữu Phước lo lắng, “Hiện tại, do quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích các vườn trầu chỉ còn lại một phần nhỏ so với trước đây. Càng chậm trễ, việc thực hiện dự án chắc chắn càng thêm khó khăn và “hồn vía” của “18 thôn Vườn Trầu” sẽ càng khó lưu giữ. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải đẩy mạnh việc thực hiện dự án này bằng chủ trương và kế hoạch khả thi, để địa bàn “18 thôn Vườn Trầu” thực sự trở thành bảo tàng văn hóa sống động, thành điểm nhấn của đô thị sinh thái Hóc Môn cho hôm nay và mai sau”. 

NGUYỄN THÁI HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top