Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Đột phá thể chế, chính sách cho văn hóa phát triển (Bài 3): Chưa bao giờ chấn hưng văn hóa được quan tâm như hiện nay

Thứ Sáu 28/04/2023 | 10:07 GMT+7

VHO- Tâm đắc với những vấn đề cụ thể đặt ra trong loạt bài Đột phá thể chế, chính sách cho văn hóa phát triển, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển văn hóa, cần có nhiều giải pháp hệ thống và tổng thể. Việc lựa chọn thể chế, chính sách làm khâu đột phá, gỡ các nút thắt cho sự phát triển văn hóa là chính xác.

 “Khi có được sự hào phóng bảo trợ, mục tiêu tạo đột phá cho phát triển văn hóa sẽ không còn xa vời nữa…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

P.V: Vấn đề thể chế, chính sách với vai trò khơi thông điểm nghẽn, tạo nguồn lực và động lực cho phát triển văn hóa ngày càng được nhìn nhận rõ nét tầm quan trọng. Từ vai trò giám sát của đại biểu quốc hội và với những nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang ở một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa. Chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc chấn hưng, đổi mới cho văn hóa.

Ngược lại, chúng ta cũng thấy những khó khăn, thách thức đối với phát triển văn hóa. Kinh tế thị trường đã để lại nhiều hệ lụy; sự trục lợi làm méo mó cả những hoạt động mang đậm chất tinh thần như văn hóa; quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp. Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài đã cuốn hút sự quan tâm của giới trẻ nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc. Mạng xã hội tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa... Đó là những nguyên nhân cho rất nhiều biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần nhiều giải pháp mang tính hệ thống và tổng thể. Việc lựa chọn thể chế, chính sách làm khâu đột phá, gỡ các nút thắt cho sự phát triển văn hóa là chính xác. Để văn hóa đóng góp vai trò tích cực cho sự phát triển bền vững đất nước thì đầu tiên, văn hóa phải phát triển bền vững trước đã. Vì thế, tập trung cho sự phát triển bền vững của văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Tại nhiều địa phương, những nút thắt về cơ chế, chính sách đang trở thành lực cản. Ông đánh giá như thế nào về nhận thức, tầm nhìn của các địa phương đối với vai trò quan trọng của thể chế, chính sách trong phát triển văn hóa?

- Trong quá trình đi khảo sát, giám sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương, tôi nhận thấy rằng, trừ một số thành phố lớn và địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa, nhận thức và hành động của các địa phương đối với phát triển văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển. Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”. Đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đạt kỳ vọng của những người quan tâm và yêu văn hóa.

Cán bộ văn hóa cơ sở có mức lương vô cùng thấp, làm việc tối ngày. Bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng rất tùy tiện. Thậm chí, từng có dư luận rằng, ai đó không làm được việc gì thì bố trí làm công tác văn hóa. Điều này dẫn đến hai thái cực, hoặc do không hiểu nên họ cấm tất cả; hoặc buông, thả tự do tất cả. Cả hai thái cực này đều rất nguy hiểm. Bố trí nguồn lực tài chính thì luôn thiếu, dù chỉ tiêu từ năm 2009 chỉ là 1,8% chi ngân sách cho văn hóa nhưng nhiều địa phương

 chi chưa tới 1%. Cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, nhiều nơi bố trí các thiết chế tại những vị trí không phải ở trung tâm.

Nhận thức như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển văn hóa. Đến nhiều địa phương, tôi nhận thấy việc ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện các Nghị quyết của Đảng về văn hóa chủ yếu… cho có, hành động cụ thể ít được triển khai.

Dù gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta đã thấy có sự chuyển biến tích cực, nhưng là người nhiều năm theo dõi về văn hóa, tôi vẫn hết sức lo ngại. Tôi lo rằng, giống như sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (BCH Trung ương Khóa VIII), văn hóa được quan tâm đặc biệt, nhưng sau đó chỉ 1, 2 nhiệm kỳ, văn hóa lại ít được nhắc đến. Giờ đây, nỗi băn khoăn của tôi là, liệu có lặp lại vòng quay ấy? Bây giờ đang là cơ hội, thuận lợi rất lớn để chấn hưng văn hóa nước nhà.

Công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhưng cạnh đó vẫn còn những hạn chế. Theo ông, những hạn chế lớn nhất hiện nay là gì?

- Như tôi đã nói ở trên, các quan điểm của Đảng đã giúp văn hóa có nhiều khởi sắc. Chúng ta có những hỗ trợ cho phát triển văn hóa với hệ thống chính sách, luật pháp tương đối rõ ràng. Chúng ta cũng là một trong số ít nước có nhiều luật về văn hóa và thường xuyên cập nhật các văn bản này. Như Luật Di sản văn hóa, năm 2001 được xem là một trong những luật cập nhật, tiên phong trong lĩnh vực văn hóa. Sau đó, Luật này được cập nhật vào năm 2009, sắp tới đây sẽ sửa đổi một lần nữa. Luật Điện ảnh cũng vậy.

Tuy nhiên, đúng là còn một số hạn chế. Thứ nhất, nhận thức về phát triển văn hóa chưa đầy đủ. Sản phẩm văn hóa cần phải được xem là sản phẩm hàng hóa có logic đặc biệt. Gần đây, chúng ta bị rơi vào hai thái cực, một là nhấn mạnh quá mức đến tính chất tinh thần mà quên đi tính chất hàng hóa của văn hóa, nghệ thuật. Hai là đề cao thái quá việc thu lợi nhuận, khiến cho giá trị tinh thần, đạo đức của các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật bị coi nhẹ, nhiều sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Việc cần thiết hiện nay là cân bằng hai thái cực này.

Mặt khác, nhiều vấn đề, bức xúc liên quan, tạo điểm nghẽn cho phát triển văn hóa lại không hẳn đến từ văn hóa, mà lại đến từ chính trị, kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục... Nhiều điểm nghẽn trong phát triển văn hóa đến từ Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư... Để tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa, chúng ta cần tháo gỡ từ chính các luật tưởng chừng ít liên quan đến văn hóa này. Thiếu những tháo gỡ đó, các chính sách tạo thuận lợi về nguồn lực cho văn hóa sẽ gặp khó khăn.

 Một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá cho phát triển văn hóa

Nhiều người vẫn thường nói “lực bất tòng tâm” khi đề cập đến một số lĩnh vực phát triển văn hóa. Đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương hiện nay vẫn rất khiêm tốn và như vậy, để đạt được mục tiêu phát triển đột phá liệu có xa vời, thưa ông?

- Đầu tư cho văn hóa không chỉ thể hiện sự quan tâm thật đến văn hóa, mà còn giúp văn hóa có thêm điều kiện để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Dĩ nhiên, đầu tư cho văn hóa rất khó khăn và phức tạp, hiệu quả đầu tư này sẽ không thấy được ngay. Nếu như xây dựng con đường, tòa chung cư, khu siêu thị có thể tính toán thời điểm hoàn vốn thì xây dựng bảo tàng, thư viện, nhà hát lại không dễ như vậy. Vì thế, nhiều địa phương ưu tiên các mục tiêu trước mắt, có thể tính toán được ngay lỗ lãi.

Tôi cũng nhiều lần nghe câu hỏi về tính hiệu quả của các công trình văn hóa, những thắc mắc về việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, bộ phim có gây lãng phí hay không? Tác động của các công trình, sản phẩm văn hóa không chỉ ở kinh tế mà còn ở chính trị, văn hóa, xã hội…, những thứ không đo đếm, định lượng được! Trên thực tế, nhiều khi vì di tích, bảo tàng, nhà hát... nên du khách mới tới, và các dịch vụ khác được hưởng lợi theo. Xét toàn diện như vậy sẽ thấy đầu tư cho văn hóa là không lãng phí. Các nhà quản lý sẽ không còn băn khoăn khi cấp kinh phí cho các tổ chức, sự kiện văn hóa nghệ thuật. Có được sự hào phóng bảo trợ, văn hóa sẽ phát triển, và mục tiêu tạo đột phá cho phát triển văn hóa sẽ không còn xa vời nữa.

Vấn đề được Văn Hóa đặt ra trong loạt bài này: Đột phá thể chế, chính sách cho văn hóa phát triển, trong thời gian qua cũng đã được Quốc hội giành sự quan tâm đặc biệt. Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực văn hóa đã đặt ra nhiều vấn đề lớn. Xin ông cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã triển khai những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo như thế nào?

- Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Cách quán triệt thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở các cấp, các ngành đã đem đến hy vọng về một cách làm quyết liệt, hiệu quả cho lĩnh vực văn hóa. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, đều nhắc đến quyết tâm triển khai thực hiện thành công kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị văn hóa toàn quốc. Quyết tâm chính trị này chắc chắn xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa.

Một năm sau, Quốc hội tổ chức hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Tại Hội thảo này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo về 9 nhóm chính sách lớn cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá cho phát triển văn hóa.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, sắp tới, Quốc hội dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những năm tới các dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi); Luật về nghệ thuật biểu diễn; Luật về hoạt động văn học... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu căn cứ lý luận, thực tiễn về đề xuất ban hành một số luật chuyên ngành như: Luật Mỹ thuật; Luật Nhiếp ảnh; Luật Tài trợ, hiến tặng, Luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học, nghệ thuật; Luật Bản quyền tác giả (tách nội dung từ Luật sở hữu trí tuệ)...

Không chỉ những luật trực tiếp liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đất đai, các luật về thuế, đặc biệt là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) dự kiến cho áp dụng thí điểm tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố về việc cho phép hợp tác đầu tư công - tư trong lĩnh vực văn hóa. Sau thí điểm sẽ đề xuất việc sửa đổi Luật để áp dụng rộng rãi.

Trong các kỳ họp của Quốc hội, những ý kiến tâm huyết cho phát triển văn hóa ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Lo ngại về đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, sự xuống cấp đạo đức xã hội, sự trong sáng của tiếng Việt, di sản văn hóa... từ các đại biểu Quốc hội, là nguyện vọng lớn của cử tri cả nước đối với việc cần tạo điều kiện cho phát triển văn hóa. Nghị quyết số 572/NQ-UBT­VQH15về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa. Khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022 – 2030, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghiên cứu, đề xuất các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

Tăng cường hợp tác, giao lưu về văn hóa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích. Triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, gắn với bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, nhất là cho thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đặc biệt trên không gian mạng. Phát huy trách nhiệm, tính chuẩn mực và sức ảnh hưởng của văn nghệ sĩ đối với xã hội...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 NGUYỄN ANH - PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top