Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thương nhớ ngày trở lại "Quê chung"

Thứ Hai 01/05/2023 | 06:00 GMT+7

VHO- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một miền quê tuy còn nhiều gian khó nhưng đã dang rộng vòng tay đón nhận gần 3 vạn đồng bào từ tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra sơ tán, đó là huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân hai huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

 Một góc Trung tâm huyện Tân Kỳ. Ảnh: SÁCH NGUYỄN

 Nhường nhau manh chiếu!

Những ngày tháng 4 lịch sử, theo quốc lộ số 7 lên đường mòn Hồ Chí Minh thẳng tới huyện Tân Kỳ, đến xóm 6, xã Nghĩa Bình gặp cụ Tăng Đình Kha (sinh năm 1937), trước là kế toán xã Nghĩa Đồng (sau tách xã, thành một xóm của xã Nghĩa Bình), là nhân chứng lịch sử về thời điểm Đảng bộ, quân và dân Tân Kỳ đón đồng bào Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra sơ tán theo kế hoạch K10. Anh Tăng Văn Tùng, con trai cụ Kha rót nước chè vui vẻ mời khách, anh cho biết: Bố tôi nay sức khỏe đã già yếu. Từ nhỏ, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện của bố tôi và bác Nguyễn Kế Toản, 72 năm tuổi Đảng (nguyên phụ trách Phòng 10 và dân K10, Huyện ủy Tân Kỳ) và bà Nguyễn Thị Liệu, 55 tuổi Đảng (nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ, nay đã mất) kể về bà con Vĩnh Linh ra sơ tán cùng người dân Tân Kỳ sống với nhau như anh em ruột thịt, nhường cơm sẻ áo, sâu đậm tình thương yêu, đùm bọc.

Với giọng nói trầm ấm, câu chuyện của cụ Kha qua lời kể của con trai cụ đưa chúng tôi ngược dòng thời gian những năm tháng chiến tranh khốc liệt: “Trong kháng chiến chống Mỹ vào những năm 1965-1968, miền đất lửa Quảng Bình và Vĩnh Linh tuyến đầu của miền Bắc XHCN, “lũy thép” giới tuyến nước nhà bị địch bắn phá ác liệt, chúng muốn đưa đất nước ta trở về “thời kỳ đồ đá”. Những làng quê tan hoang, tiêu điều nhưng những người con đất thép đã khoét núi, đào hầm để tiếp tục sống và chiến đấu. Tuy nhiên hàng vạn thiếu nhi, những mầm non của đặc khu phải sống rất khó khăn giữa hai làn đạn… Trước tình hình như vậy, Trung ương Đảng và Bác Hồ đề ra Kế hoạch K8, K10 nhằm đảm bảo cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Chiến dịch K8, K10 được xem như một cuộc trường chinh có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam với việc đưa hơn 4,6 vạn học sinh và người dân Vĩnh Linh - Quảng Trị và các huyện phía Nam đang sơ tán tại Vĩnh Linh ra các tỉnh miền Bắc, trong đó có huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

 Anh Tăng Văn Tùng cho biết: “Bố tôi kể lại rằng, bà con Vĩnh Linh được người dân xã Nghĩa Đồng chờ đón ra sơ tán đúng vào ban đêm. Mọi người tập trung chờ ở Hội quán Hợp tác xã Thượng Thắng, khuya lắm xe mới về tới nơi, cán bộ địa phương phân chia ở các xóm đón bà con của xã Vĩnh Trung (Vĩnh Linh). Trên 850 người dân Vĩnh Trung sơ tán ở Tân Kỳ toàn là phụ nữ, người già, trẻ em dưới 5 tuổi. Thời gian đầu, tức là trước Tết Kỷ Dậu 1969, cứ một gia đình ở Nghĩa Đồng đón một gia đình ở Vĩnh Trung về ở chung một nhà. Quãng thời gian đó, nhiều câu chuyện, kỷ niệm không thể nào quên về tình cảm của bà con 2 huyện dành cho nhau. Người dân Nghĩa Đồng vẫn thường nhắc đến câu chuyện hai gia đình Nghĩa Đồng và Vĩnh Trung ở chung một nhà, chỉ có một chiếc chiếu cói để nằm ngủ nhưng không gia đình nào chịu nằm, cứ nhường đi nhường lại cho nhau rồi cuối cùng đem kê đầu. Hồi đó có ông chủ nhiệm cửa hàng tên là Trịnh Hữu Đức, ông phải ngủ đêm tại cửa hàng, đã nhường chiếc giường một của mình cho một bác người xã Vĩnh Trung sơ tán. Hết chiến tranh bác xin đưa chiếc giường về quê làm kỷ niệm. Hoặc như bà Nguyễn Thị Liệu (nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ) đã đặt tên con trai là Ngô Gia Vĩnh để nhớ một thời gắn bó máu thịt với Vĩnh Linh…”.

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm việc tại huyện Tân Kỳ, thăm gia đình cụ Tăng Đình Kha. Ảnh: P.NGÂN

Nghĩa tình sâu đậm

Từ khi có người Vĩnh Linh đến ở, người Tân Kỳ biết đến kỹ thuật trồng cây lưu niên; cây huỳnh tinh (dong), biết chế biến bột sắn lọc, biết làm bánh bột lọc nhân đậu, nhân tôm... Đặc biệt, những cây tiêu theo bước chân người Vĩnh Linh, vượt qua bao nhiêu bom đạn, thấm cả máu và nước mắt, từ nơi khói lửa Quảng Trị đã ra tới tận Tân Kỳ rồi ở lại đó cho đến ngày nay. Người Tân Kỳ truyền từ đời cha đến đời con, trồng khắp vườn, khắp rẫy và gọi là “tiêu Vĩnh Linh”.

“Trong mỗi hộ ở các làng quê Tân Kỳ hôm nay, ai cũng có vườn hồ tiêu. Ông cha ta bảo, “Đêm nằm bằng năm ở”, huống chi đây ròng rã 7-8 năm liền trong mưa bom bão đạn nên tình cảm Vĩnh Linh - Tân Kỳ đến hôm nay vẫn vô cùng sâu đậm”, anh Tùng chia sẻ thêm.

Trong ngôi nhà của cụ Kha, câu chuyện của con trai cụ làm cho chúng tôi hiểu, Tân Kỳ chưa một ngày nào quên bà con Vĩnh Linh. Đã tròn nửa thế kỷ nhưng bà con nơi đây vẫn gìn giữ ký ức, nâng niu dấu ấn mà người Vĩnh Linh để lại. Nỗi nhớ con người hai vùng đất hóa thành những vần thơ, những giai điệu da diết trong bài Tân Kỳ, quê của muôn quê: “Ơ... Giã từ đất mẹ Vĩnh Linh/Ra với miền quê Tân Kỳ xứ Nghệ/ Nghe lẫn sông Con giọng hò man mác/... Kháng chiến chung chăn sắn lùi bẻ nửa/Kháng chiến đến cùng, manh chiếu cũng nhường nhau/Ơn nặng nghĩa sâu, Tân Kỳ ơi Tân Kỳ”…

Khắc ghi, vun đắp nghĩa tình gắn bó keo sơn giữa 2 địa phương Tân Kỳ - Vĩnh Linh, tháng 9.2012 đã có chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Quê chung” nối vòng tay Vĩnh Linh (Quảng Trị) - Tân Kỳ (Nghệ An). Để giữ gìn truyền thống quý báu, dưới sự chỉ đạo của 2 Đảng bộ huyện Vĩnh Linh - Tân Kỳ, tuổi trẻ 2 huyện đã ký kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực. Hai bên tổ chức các hoạt động “Về nguồn” thăm, tặng quà, giúp đỡ những gia đình khó khăn trên địa bàn...

 Đoàn Thanh niên 2 huyện Tân Kỳ và Vĩnh Linh tổ chức hội trại với chủ đề “Quê chung” tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ảnh: HUYỆN ĐOÀN TÂN KỲ

Ngày 18.4.2023, Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Kỳ đã phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình thanh niên “Khu thể thao liên hợp ngoài trời”. Đây là công trình ý nghĩa, phục vụ nhu cầu thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi và nhân dân trên địa bàn thị trấn Tân Kỳ cũng như các vùng lân cận...

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An (19.4.1963 - 19.4.2023), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã thăm và làm việc tại huyện Tân Kỳ. Là người con quê huyện Vĩnh Linh, Bộ trưởng vô cùng xúc động khi đến thăm gia đình cụ Tăng Đình Kha. Bộ trưởng nhớ lại những kỷ niệm thân thương từ thời sơ tán tại mảnh đất nghĩa tình, nhớ hình ảnh cây đa, nhớ cụ bà tên Thắng đã yêu thương, chăm sóc... Báo cáo với Bộ trưởng, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo cho biết: Huyện Tân Kỳ tự hào là vùng đất có Di tích quốc gia đặc biệt Km số 0. Tuyến vận tải trên Đường mòn Hồ Chí Minh ngày nào đã góp phần đẩy nhanh việc vận chuyển khí tài, nhu yếu phẩm cũng như con người, đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được xây dựng trở thành con đường huyết mạch nối liền Bắc - Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Huyện Tân Kỳ có người dân của hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước định cư, sinh sống, đã tạo nên nền văn hóa đa dạng của nhiều vùng miền. Điều đặc biệt, tất cả những cư dân ấy, dù khác biệt về giọng nói, tập quán, đều coi Tân Kỳ là quê hương thứ hai, nơi cưu mang và cho họ cuộc sống mới. Trải qua 60 năm đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở Tân Kỳ cũng đạt nhiều thành quả đáng tự hào, tạo nên một bức tranh đa sắc màu của đất và người nơi đây.

Tại buổi làm việc với huyện Tân Kỳ, Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của huyện trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần đưa huyện miền núi Tân Kỳ ngày càng phát triển. Bộ trưởng cũng đã trao tặng tiền ủng hộ cho Quỹ khuyến học Tân Kỳ nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện. 

PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top