Trụ sở UBND và HĐND TP.HCM thí điểm đón khách miễn phí: Mở hướng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo

VHO- Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trụ sở UBND và HĐND TP.HCM - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia có lịch sử gần 115 năm tuổi vừa thí điểm đón các đoàn khách tham quan hoàn toàn miễn phí.

Trụ sở UBND và HĐND TP.HCM thí điểm đón khách miễn phí: Mở hướng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo - Anh 1

 Toàn cảnh phía trước trụ sở UBND và HĐND TP.HCM 

Đây là hoạt động hướng đến phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng gắn với quảng bá di sản văn hóa lịch sử hình thành và phát triển của TP.HCM.
Công trình mang nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử - văn hóa
Theo hồ sơ lý lịch di tích, khi mới xây dựng, tòa nhà có tên gọi là Hôtel de ville de Saigon (tạm dịch là Tòa Thị chính) - trụ sở làm việc của Hội đồng Thành phố Sài Gòn. Người đứng đầu Hội đồng Thành phố bấy giờ là vị Đốc lý người Pháp nên người dân Sài Gòn thường gọi nơi đây là Dinh Đốc lý, hay Dinh Xã Tây. Đến năm 1959, được đổi tên gọi thành Tòa Đô chánh. Sau ngày 30.4.1975, tòa nhà được Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định tiếp quản, sử dụng làm trụ sở làm việc. Đến năm 1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM, tòa nhà vẫn được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền TP.HCM. Hiện nay, tòa nhà là trụ sở làm việc của HĐND và UBND TP.HCM, tọa lạc tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1.
Cũng theo tài liệu nói trên, tòa nhà được khởi công xây dựng vào 1898 theo thiết kế của kiến trúc sư Paul Gardès và được khánh thành năm 1909. Nhiều kiến trúc sư cho rằng, kiến trúc của tòa nhà tiếp thu từ Toà Thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng. Toàn bộ mặt tiền tòa nhà mang phong cách kiến trúc của thời Đệ Tam Cộng hòa Pháp với tháp chuông, thức cột và cửa vòm. Trên tường nổi bật trang trí tràng hoa, điêu khắc hình tượng người phụ nữ và những đứa trẻ. Hình tượng mũ tự do Phrygia, vành nguyệt quế và nhà cách mạng là những mô típ lập lại suốt mặt tiền tòa nhà. 

Trụ sở UBND và HĐND TP.HCM thí điểm đón khách miễn phí: Mở hướng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo - Anh 2

Bức tranh vẽ Thành phố Sài Gòn năm 1900, được phục chế theo bản gốc của họa sĩ Gaston Pusch và được lồng trong khung gỗ chạm trổ rất tinh xảo

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tòa nhà như một chứng nhân cho lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.HCM. Qua nhiều lần được trùng tu, nâng cấp, tôn tạo cảnh quan, mở rộng cơ sở vật chất, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hiện đại theo công nghệ Pháp, công trình không chỉ được bảo tồn nguyên vẹn giá trị kiến trúc nghệ thuật ban đầu, mà còn trở nên bề thế, tráng lệ và rực rỡ hơn với hệ thống chiếu sáng nghệ thuật. Hiện trụ sở UBND và HĐND TP.HCM có các khu nhà A1, A2, B1, B2, B3 và khu nhà C. Khối nhà A1 là công trình được xây dựng sớm nhất, nội thất và ngoại thất công trình phong phú về mô típ trang trí, kết hợp các kiểu Louis XV, hình kỷ hà của phong cách Art Décord và Art Nouveau. Màu sắc chủ đạo của công trình là màu vàng, màu xanh lá và màu trắng. Một số khối nhà được xây dựng muộn hơn cũng đảm bảo hài hòa với tổng thể kiến trúc. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM còn lưu giữ bức tranh vẽ Thành phố Sài Gòn năm 1900, được phục chế theo bản gốc của họa sĩ Gaston Pusch. Tranh được lồng trong khung gỗ chạm trổ rất tinh xảo và được treo tại phòng 24. Ngoài ra, còn có 12 quạt trần trang bị trước năm 1975 vẫn được lưu giữ và sử dụng ở đại sảnh lầu 1.
Không những mang dấu ấn kiến trúc cho một thời kỳ lịch sử của Sài Gòn - TP.HCM hơn 300 năm. Các nhà khoa học và chuyên gia còn nhận định, đây là công trình có giá trị lịch sử - văn hóa, là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống yêu nước, nơi ghi dấu buổi lễ ra mắt nhân dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ vào năm 1945, ngày nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Với những giá trị kiến trúc và dấu ấn lịch sử - văn hóa, công trình đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2020, nhằm bảo tồn sự phong phú di sản kiến trúc cổ đô thị thành phố.

Trụ sở UBND và HĐND TP.HCM thí điểm đón khách miễn phí: Mở hướng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo - Anh 3

Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trước trụ sở UBND và HĐND TP.HCM 

Du khách được tham quan miễn phí
Sau khi UBND TP.HCM đưa ra kế hoạch tổ chức tham quan công trình di tích kiến trúc nghệ thuật nói trên, một số đơn vị lữ hành đã gửi thông báo nhận đăng ký tour đến du khách. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TSTtourist cho biết, công ty đã chính thức tiếp nhận đăng ký giữ chỗ tour tham quan đối với du khách trong nước và quốc tế. Hiện có các khung giờ tham quan vào lúc 8, 9, 10, 11, 13, 14, 15 và 16 giờ. Mỗi khung giờ có 3 đoàn, mỗi đoàn nhận tối đa 30 khách người lớn, các đoàn vào tham quan cách nhau 20 phút. “Hoạt động tham quan trụ sở UBND và HĐND TP.HCM là hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên doanh nghiệp tổ chức tour thu 280.000 đồng/du khách người lớn, bao gồm chi phí xe ô tô đưa đón, hướng dẫn viên và thuyết minh theo đoàn”, ông Mẫn cho biết thêm.
Chị Thu Thảo (quận Phú Nhuận) háo hức chia sẻ, lâu nay mình chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc nghệ thuật bên ngoài của di tích, chứ chưa có điều kiện vào bên trong để tham quan kỹ hơn. Bởi đây là trụ sở làm việc của chính quyền Thành phố và là nơi đón tiếp các đoàn khách ngoại giao quốc tế nên vấn đề an ninh phải được đảm bảo, do đó mà công chúng và du khách ít có cơ hội để vào tham quan bên trong. Dịp này, khi biết thông tin thành phố có chủ trương cho du khách đến tham quan, tuy nhiên do có sự hạn chế về thời gian và số lượng khách, nên chị đã rủ người thân và bạn bè đăng ký tour từ rất sớm để có suất vào tham quan. Qua chuyến tham quan này, tôi hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất nơi mình sinh ra, đặc biệt là có thêm tư liệu để truyền đạt lại cho học sinh lớp mình chủ nhiệm.
Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian thí điểm hoạt động tham quan buổi sáng diễn ra từ 8-12 giờ, buổi chiều từ 14-17 giờ. Các khu vực du khách được phép tham quan ở tầng trệt gồm: Sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế, cầu thang chính; tầng một gồm: Sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế, phòng họp số 5 và ban công. Mỗi lượt tham quan tối đa có 2 đoàn (30 người/đoàn) với thời lượng 60 phút, du khách phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ các giá trị nguyên vẹn của di tích. 

 HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc