Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đừng để việc chia sẻ đi quá xa...

Thứ Sáu 05/05/2023 | 09:47 GMT+7

VHO- Việc trò chuyện, chia sẻ giữa các đồng nghiệp trong bữa cơm trưa, trước giấc ngủ ngắn hay các cuộc vui đã trở thành thói quen nơi công sở. Những lời sẻ chia giúp cho tình đồng nghiệp thêm gắn kết, thấu hiểu để giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, có những người đã sử dụng điều đó và biến thành câu chuyện “làm quà”, đáng ngại hơn là còn chủ đích chơi xấu, hãm hại đồng nghiệp, gây mất đoàn kết…

 Những hội thi như thế này góp phần tuyên truyền văn hóa ứng xử nơi công sở

 Chính vì thế, chúng ta cần có cách nhìn nhận khách quan và thái độ ứng xử nhân văn đối với những lời nói xấu sau lưng không dễ vạch mặt, chỉ tên.

Những “drama” vượt sức tưởng tượng

Con đường hôn nhân của Mai quá lận đận khi phải ly hôn tới hai lần mà lỗi không phải từ chị. Vốn là người không thích cặp bồ, yêu đương lăng nhăng nên Mai dũng cảm bước tiếp vào cuộc hôn nhân thứ 3 trước sự đồng tình ủng hộ của họ hàng, bạn bè. Đồng nghiệp cơ quan ai cũng mừng cho chị. Vậy mà Mai điếng người khi tình cờ nghe được lời “đưa chuyện” của cô bạn cùng phòng: “Bà Mai này chính thức là ba chồng, nhưng yêu đương có khi cả tá, khó mà tính hết!”. Có thể chỉ là lời đùa vui khi “trà dư tửu hậu”, nhưng Mai không khỏi chạnh lòng khi nó được thốt ra từ một trong những đồng nghiệp thân thiết mà cô đã chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống. Hóa ra sự trải lòng của Mai lại tác dụng ngược khi nhận về lời nhận xét ác ý đến thế. “Chị em cùng phòng làm việc và tiếp xúc với nhau ít nhất cũng 8 giờ hành chính, tính thời gian thì còn nhiều hơn cả với người trong gia đình. Tôi thực sự bất ngờ bởi lời nói xấu lại xuất phát từ người đã gắn bó với mình bao nhiêu năm...”, Mai bộc bạch.

Mới vào cơ quan, cô gái trẻ tên Hoa được lòng mọi người bởi dáng vẻ tươi trẻ, xinh xắn, năng động và tác phong làm việc rất có trách nhiệm. Cô sống hòa đồng và sẵn sàng tham gia mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ của đơn vị, của ngành. Thế nhưng chỉ sau một năm, Hoa bỗng đổi sang “style” bà già thay vì ăn mặc trẻ trung, tươi mát; thay vì cùng ăn trưa với đồng nghiệp, cô lặng lẽ ngồi một mình với hộp cơm mang đi từ nhà... Có lẽ chỉ có Hoa mới hiểu vì sao mình lại thay đổi như vậy, bởi cô không ngờ rằng, tất cả những ưu điểm của mình đã bị nhào nặn trở thành nhược điểm, khiến cô trở nên méo mó, xấu xí trước mặt đồng nghiệp.

Do có dáng người thon thả nên Hoa thường chọn cho mình những bộ trang phục khoe vóc dáng khỏe mạnh, chuẩn chỉ, thì có người lại thì thào rằng cô ăn mặc “hở hang, khêu gợi”; kéo về nhiều quảng cáo, thì lại có ý kiến “tâu” với sếp: “Con bé này tính tình không đứng đắn, chắc nhờ vốn tự có mới ký được nhiều hợp đồng…”. Vì là “ma mới” lại không có bằng chứng để đối diện với những chuyện đơm đặt, Hoa đã phải rất kiềm chế và chọn cách sống thu mình lại để tự vệ; làm mình già đi với các trang phục tối màu, kín như bưng. Khi điện thoại với đối tác công việc hay các quan hệ khác, cô đành chui vào nhà vệ sinh hoặc ra đường để tránh những lời nói xuyên tạc… Tất cả khiến Hoa trở nên chán chường, mệt mỏi, không còn hào hứng với công việc.

Cần quy tắc ứng xử nơi công sở cho những lời nói xấu

PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định: “Bản chất của hành vi nói xấu, đặt điều về người khác xuất phát từ tính đố kị và ganh đua không lành mạnh. Thường họ sẽ cố dìm và hạ thấp giá trị của những người giỏi hơn họ, đẹp hơn họ hay được người khác yêu mến nhiều hơn họ. Hoặc có khi vì cuộc sống hôn nhân bất hạnh nên họ luôn cảm thấy khó chịu trước hạnh phúc của đồng nghiệp... Nhưng cũng có không ít người thành công mà vẫn thích đi nói xấu, dè bỉu, chê bai. Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại sự ích kỷ, so sánh lẫn nhau, nhưng nếu không biết kiểm soát, bản thân mỗi người không cẩn trọng cũng sẽ trở thành người thích phá hoại, lấy niềm vui từ sự thất bại của người khác”.

Theo PGS.TS Trịnh Hoà Bình, khi biết mình bị nói xấu sau lưng, chúng ta không nên quá tức giận, phải biết kiềm chế cảm xúc để bình tĩnh xuy xét vấn đề. Có một số người vì bị nói xấu uất ức chọn cách nói xấu đáp trả lại. Đây là hành động tiêu cực, gây ấn tượng không hay trong mắt người khác. Cũng cần phân biệt các dạng thức nói xấu, buôn chuyện. Với những đồng nghiệp “lắm lời”, cũng có thể bỏ qua nếu câu chuyện không quan trọng, ác ý; cần giữ gìn chừng mực, không nói bất cứ chuyện riêng tư nào và giữ một khoảng cách nhất định đối với họ.

Nếu sự việc trở nên nghiêm trọng và cảm thấy không thể im lặng hơn được nữa thì “nạn nhân” phải trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp, cần thiết thì nhờ tới sự can thiệp của tập thể phòng ban và lãnh đạo cơ quan để làm rõ vấn đề nếu lời nói xấu ảnh hưởng tới danh dự, công việc cũng như lợi ích và sự phát triển của cơ quan.

Khi câu chuyện nói xấu không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà trở thành của một nhóm người, hệ lụy sẽ là sự chia rẽ nội bộ, làm giảm tình đoàn kết, ảnh hưởng tới năng suất lao động. Có lẽ vậy mà nhiều Bộ, Ban ngành, đoàn thể và địa phương đều đã ban hành quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, người lao động, trong đó cũng đã có những nội dung đề cập tới việc nói xấu, bôi nhọ danh dự... Ví dụ như Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó quy định rõ: Đối với đồng nghiệp, phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Không bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Ứng xử có văn hóa, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp…

Trên thực tế, pháp luật cũng có những quy định bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho các cá nhân bị nói xấu, bôi nhọ. Mức xử phạt đối với hành vi bịa đặt, lăng mạ người khác có thể bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Đồng thời, buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn cho người bị bịa đặt, nói xấu theo Khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. 

 Suy xét kỹ trước khi hành động

Nhu cầu chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng nghiệp trong cùng một cơ quan là chính đáng. Tuy nhiên, có những câu chuyện đi quá xa lại trở thành nỗi nhức nhối đối với môi trường công sở và tạo ra hệ lụy lớn là mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng tới công việc chung. Nếu là nạn nhân bị nói xấu sau lưng, hãy lắng nghe những điều người ta nói về bạn một cách thận trọng, xem dư luận đang nói gì để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.

Trong trường hợp sự việc nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát, người bị nói xấu, bị vu khống hãy báo cáo với những người có trách nhiệm (hoặc tổ chức Công đoàn). Tuy nhiên, đây là những chuyện mang tính cá nhân, cần phải suy xét, bình tĩnh và tỉnh táo trước khi mang chúng ra tập thể. Hãy thận trọng xử sự mọi tình huống một cách cao thượng nhất để đạt được cái mà mình cần. Điều cốt lõi, mọi người hãy giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.

(Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Bộ VHTTDL TRẦN HUY TOẢN)

 

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top