Trẻ nghiện thuốc lá điện tử: Hệ lụy khôn lường

VHO- Gần đây, trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới (gọi chung là TLĐT) đang “xâm nhập” ngày càng nhiều vào môi trường học đường. Việc gia tăng học sinh hút TLĐT không chỉ gây hệ lụy đến sức khỏe mà còn là “nguồn” tiêu thụ thuốc lá điếu, thuốc lá truyền thống sau này.

Trẻ nghiện thuốc lá điện tử: Hệ lụy khôn lường - Anh 1

  Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại chất gây nghiện có trong dung dịch của TLĐT

 Liên tiếp ca cấp cứu

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 trường hợp học sinh là V.B.N và N.T.Q (lớp 11) ở TP Hạ Long, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn. Các bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, sử dụng TLĐT không thường xuyên. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc TLĐT, kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển Khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Đến nay, hai em đã ổn định và xuất viện.

TLĐT là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi. Hầu hết các mẫu TLĐT hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp và có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin)… Chúng được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son… nên học sinh dễ dàng mang vào lớp mà không bị giáo viên phát hiện.

Đằng sau sự “thể hiện bản thân”, tự cho là “ngầu”, là “sành điệu”... không ít các bạn trẻ được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc, hôn mê, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các hóa chất có trong dung dịch của TLĐT. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ thời điểm cuối năm 2022 đến nay, hàng loạt vụ ngộ độ do TLĐT gây ra đối với học sinh đã được ghi nhận trên cả nước. Cụ thể, ngày 17.8.2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cấp cứu một bệnh nhân ngộ độc khi hút TLĐT bơm tinh dầu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê. Tiếp đó, ngày 22.8.2022, 7 học sinh trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau hút một điếu TLĐT, sau đó cảm thấy chóng mặt vànôn ngay trong lớp. Cảnhóm được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế TX Quảng Yên. Ngày 31.8.2022, 2 nam sinh lớp 12 Trường Cao đẳng Tiếng Việt Hà Tĩnh - Đức Công nghệ có biểu hiện trợn mắt, la hét và hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học. Sau khi được điều trị ổn định, các em tiết lộ trước đó đã sử dụng TLĐT.

Ngày 1.10.2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tửgiãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khíquản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân nói có hút TLĐT được bơm tinh dầu mua trên thị trường. Ngày 5.12.2022, 7 học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu cũng từ nguyên nhân thử hoặc hít phải TLĐT. Ngày 7.12.2022, bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của TLĐT, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé dương tính với ADB-BUTINACA, một loại ma túy tổng hợp mới. Mới đây nhất, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã tiếp nhận 4 học sinh (sinh năm 2008) nhập viện cấp cứu do sử dụng TLĐT. Được biết trước khi vào viện khoảng 1 giờ, các cháu có sử dụng TLĐT chưa rõ chủng loại và nguồn gốc. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều…

Cần khẩn cấp cấm lưu hành

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dung dịch có trong TLĐT là hỗn hợp nước, hương liệu thực phẩm, nicotin nồng độ khác nhau, dễ dàng cho các loại ma túy lỏng như cần sa, ma túy tổng hợp, propylene glycol (PG) hoặc glycerin thực vật, bên cạnh đó là PG, VG - chất giữ độ ẩm, bốc hơi giống như khói thuốc lá.

TLĐT được tuyên truyền là giảm hại so với thuốc lá truyền thống, nhưng thực tế lượng nicotin trong TLĐT lại cao hơn. Cụ thể, thuốc lá thông thường, hàm lượng nicotin 1,5-2%, cao nhất 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày). Nhưng ở TLĐT, có những sản phẩm hàm lượng chứa tới 3-5%. Và đặc biệt, khi dung dịch được đốt nóng, lượng nicotin xâm nhập cơ thể dễ dàng và nhiều hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn. TLĐT có chứa nicotin vẫn là sản phẩm gây nghiện và còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khoẻ vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) khẳng định: “Nicotin gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, thậm chí có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. TLĐT với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotin và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotin và gây ra ngộ độc cấp tính”.

Không những thế, các nghiên cứu trên thế giới ở người tuổi 13-19 (từ 2005-2019 tại châu Âu và Bắc Mỹ) cho thấy, hút TLĐT làm tăng sự bắt đầu hút thuốc lá thông thường ở thiếu niên. Cụ thể, hút thuốc lá điện tử ở tuổi 14 dẫn tới tăng nguy cơ hút thuốc lá thông thường ở tuổi 17. Cùng với đó là nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút TLĐT, tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh. Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện chất gây nghiện như ma túy, cần sa tổng hợp tẩm trong TLĐT. Hiện nay, nhiều nước đã cấm TLĐT; đặc biệt, Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới đã ban hành lệnh cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10.2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm TLĐT).

TLĐT hoàn toàn có hại cho sức khỏe, là sự mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát, tạo ra loạt bệnh tật mới, làm nặng thêm vấn đề thuốc lá truyền thống, phức tạp và nặng thêm vấn đề ma túy. Do đó, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chức năng cần khẩn cấp cấm lưu hành TLĐT ở Việt Nam nhằm hạn chế tối đa vấn nạn TLĐT hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên. 

 THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc