Ninh Thuận: Khám phá giá trị độc đáo Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hoà Lai

VHO-Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) là cụm tháp Chăm cổ nhất tại Ninh Thuận, tồn tại từ thế kỷ thứ VIII cho đến nay. Tại đây các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là tấm bia ký cổ gắn với tháp Hòa Lai có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa của Vương quốc Chămpa xưa.

Ninh Thuận: Khám phá giá trị độc đáo Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hoà Lai - Anh 1

Cụm tháp cổ Hòa Lai tồn tại từ thế kỷ thứ VIII

Tháp cổ nghìn năm tuổi

Di tích tháp Hòa Lai hay còn có tên gọi là di tích Ba Tháp, bởi cụm tháp cổ này có ba ngôi tháp được xây dựng liền kề nhau rất cổ kính, độc đáo và đẹp mắt. Tuy nhiên do thời gian và quá trình phong hóa ngôi tháp giữa tại cụm tháp này đã bị đỗ sập, chỉ còn lại đế móng. Hiện nay, cụm tháp Hòa Lai chỉ còn lại hai tháp được gọi là tháp Nam và tháp Bắc đứng sừng sững bên Quốc lộ 1, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Hai ngọn tháp đều có cửa chính hướng về phía Đông.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tháp Hòa Lai (tiếng Chăm đọc là Yang Hakral) là cụm đền tháp có tuổi đời lâu nhất còn tồn tại đến ngày nay ở Ninh Thuận. Bên cạnh nét kiến trúc văn hóa Ấn Độ, nghệ thuật Khmer và Java, cụm tháp Hòa Lai còn cho thấy một số giá trị riêng, đặc trưng riêng đã được Chăm hóa từ các nền văn hóa nói trên để trở thành văn của người Chăm. Cụm tháp Hòa Lai có vai trò quan trọng, làm nền tảng hình thành một số đặc điểm kiến trúc tháp Chăm giai đoạn sau Hòa Lai, ví dụ như việc kế thừa bố cục và trang trí vòm cửa, cột ốp Hòa Lai…

 Hiện nay cả hai cụm tháp phía Bắc và phía Nam đều giữ được nét cổ kính, liêng thiêng vốn có của một tháp Chăm. Cả hai tháp đều có một cửa chính duy nhất nằm ở hướng Đông. Cửa hình vòm đỉnh nhọn hơn các tháp Chăm truyền thống, phần đỉnh là những nếp bậc thang xếp chồng lên nhau rồi nhỏ dần.

Trong đó, ở tháp Bắc có những hoa văn hình lá cuộn được thể hiện trên cột ốp và tượng chim thần Garuđa được khắc trên phần diềm tháp. Tháp Nam cao hơn tháp Bắc và cũng được chạm khắc hoa văn trên tường nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ thân tháp trông như một khối lập phương đồ sộ nhô lên từ một bệ vuông và nâng đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tháp Hòa Lai có dáng vẻ khỏe mạnh và thanh thoát hơn so với nhiều di tích khác và cũng là minh chứng cho thấy kỹ thuật xây cất, kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm xa xưa. Cụ thể, cụm tháp Hòa Lai được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII – IX gồm 3 tháp chính, mỗi tháp được xây dựng vào mỗi thời điểm khác nhau. Trong đó, niên đại xây dựng tháp Nam (cụm phía Nam) thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn E1 với phong cách Hòa Lai, được xây dựng trong khoảng từ đầu đến giữa thế kỷ VIII.

Ninh Thuận: Khám phá giá trị độc đáo Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hoà Lai - Anh 2

Tháp Hòa Lai có giá trị về lịch sử, văn hóa

Tháp giữa (cụm giữa) mang phong cách Hòa Lai, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII dưới triều đại vua Satyavarman trị vì Vương quốc Chămpa từ năm 774 – 784. Riêng tháp Bắc (cụm phía Bắc) được xây dựng muộn hơn, vào khoảng đầu thế kỷ thứ IX.

Nhiều điều bí ẩn

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tìm hiểu về cụm tháp này các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tiến hành khai quật di tích để tìm hiểu và nghiên cứu trong nhiều năm. Quá trình nghiên cứu tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện một bộ Linga - Yoni gắn với tháp Hòa Lai. Đây là bộ Linga – Yoni bằng đá liền khối thuộc loại cổ xưa, được chạm khắc chi tiết và sắc nét.

Đặc biệt, trong các đợt khai quật di tích vào các năm 2005, 2012 - 2013, 2016, đã phát hiện thêm 405 hiện vật thuộc các loại hình tượng thờ, vật thờ, vật liệu kiến trúc có điêu khắc trang trí. Tại đây các nhà khoa học đã phát hiện được bia ký gắn với tháp Hòa Lai mang giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của Vương quốc Chămpa xưa.

Theo hồ sơ di tích còn lưu tại Sở VHTTDL, bia ký Hòa Lai chính được vua Satyavarman người Chăm cho lập vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII để ca tụng công đức của các thần và ghi lại hoạt động xây dựng, tu bổ nhóm tháp Hòa Lai. Nội dung trên bia Hòa Lai được hai nhà nghiên cứu (người Pháp) Arlo Griffiths và Wiliam Southworth dịch và công bố vào năm 2011. Trong đó, có đoạn được dịch như sau: "Trong điện thờ của Sri Sankarsanadeva cũng lập một giáo đường và tất cả của cải, vật chất, các hạng người, đồng ruộng, trâu bò…đều được vua Sri Satyavarman dâng cho Sri Adidevesvara. Đức vua cũng đã đặt cho Sri Vrddhesvara một hộp bao linga làm bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng...".

Theo đó, Satyavarman là vị vua Champa thứ hai của vương triều Panduranga, trị vì từ năm 774 - 784, được nhắc tới trong các bia ký ở Hòa Lai, ở tháp Bà Po Nagar Nha Trang. Adidevesvara là cách biểu thị thần Siva là "vị thần tối thượng", còn Vrddhesvara là một cách biểu thị khác của thần Siva với nghĩa là "vị thần tiếng nói".

Ninh Thuận: Khám phá giá trị độc đáo Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hoà Lai - Anh 3

Bia ký cổ được tìm thấy tại tháp Hòa Lai

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa to lớn thông qua các hiện vật khảo cổ, tháp Hòa Lai chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Riêng bia Hòa Lai được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2020 theo quyết định 2283/QĐ-TTg ngày 31.12.2020. Hiện nay, các hiện vật nói trên đang được lưu giữ lại bảo tàng tỉnh Ninh Thuận để trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa Chăm của người dân địa phương và du khách.

Cần bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài

Theo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, tác động khắc nghiệt của thời gian và khí hậu đã ảnh hưởng đến sự tồn tại và độ bền bỉ của tháp Hòa Lai. Dù đã được tu bổ, gia cố nhiều đợt qua nhiều năm nhưng vì đã trải qua thời gian tồn tại cả nghìn năm nên một số hạng mục của tháp vẫn tiếp tục bị hư hỏng. Qua các đợt trùng tu, cụm tháp Hòa Lai cơ bản vẫn giữ được nét đặc sắc với những đường nét hoa văn vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn. Mỗi công trình tháp mang trong mình một nét đẹp riêng nhưng lại được xây dựng vô cùng hòa hợp với nhau.

“Sở VHTTDL đang nghiên cứu, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ, lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030”, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL, trong nhiều năm qua, các di tích, đặc biệt là hai di tích quốc gia đặc biệt và 12 di tích cấp quốc gia của tỉnh đều được quan tâm đầu tư chống xuống cấp bằng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bên cạnh đó, các di tích này cũng được người dân địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ tu bổ thêm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Ninh Thuận: Khám phá giá trị độc đáo Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hoà Lai - Anh 4

Ngôi tháp giữa tại cụm tháp Hòa Lai đã bị sập chỉ còn lại móng gạch

Tuy nhiên toàn tỉnh Ninh Thuận hiện vẫn còn trên 30 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo cũng đang trong tình trạng xuống cấp nặng, một số hạng mục của di tích có nguy cơ đổ sập nhưng chưa thể trùng tu.

Nguyên nhân di tích xuống cấp là do điều kiện tự nhiên (thiên tai, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt) đã tác động mạnh đến sự tồn tại của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Trong đó, loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật như đình, miếu có một số hạng mục cấu tạo từ gỗ, hệ thống cột cái, vì kèo, giàn mái... qua thời gian sử dụng và mối mọt xâm hại nên bị xuống cấp, mục ruỗng, thấm dột, ảnh hưởng đến nội thất bên trong các di tích. Một số di tích khác xuống cấp ở hạng mục vách, tường bao bị sủi, bong tróc. Việc duy tu đối với di tích gặp không ít khó khăn do hạn chế về kinh phí, kể cả kinh phí của Trung ương và địa phương.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc