Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nuôi dạy con giữa các thế hệ: Sự khác biệt gây mâu thuẫn

Thứ Sáu 26/05/2023 | 10:15 GMT+7

VHO- Cuộc sống ngày càng hiện đại, quan niệm nuôi dạy con cái cũng có nhiều khác biệt so với trước đây. Cũng chính vì điều này mà trong một gia đình nhiều thế hệ, việc chăm sóc các bé sẽ vấp phải không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn căng thẳng bởi giữa bố mẹ trẻ và ông bà không có tiếng nói chung.

 Dù có khác biệt nhưng đều mong muốn dành điều tốt đẹp nhất cho “thiên thần” của mình

 Sự ra đời của một đứa trẻ là niềm vui lớn, thế nhưng, chỉ vì quan niệm khác biệt trong việc nuôi dạy mà mối quan hệ giữa ông bà và bố mẹ, mẹ chồng và nàng dâu, thậm chí mẹ đẻ và con gái căng thẳng đến tột cùng... Làm thế nào để hóa giải và tìm được tiếng nói chung để các bé khỏe mạnh, vui vẻ trong những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc?

“Cuộc chiến” nuôi con

Thực tế cho thấy, khác biệt về suy nghĩ giữa hai thế hệ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong việc chăm sóc con trẻ ngay từ khi bé lọt lòng. Trên trang Webtretho, một thành viên tên N.H trút bức xúc qua những con chữ: “Thật sự nuôi con là một cuộc chiến chẳng sai chỗ nào. Cuộc chiến không phải với con mà với tất cả mọi người xung quanh. Từ khi chào đón thiên thần nhỏ đến nay, những cuộc chiến trong gia đình mình ngày càng leo thang. Các mẹ có hiểu được cảm giác một mình phải chống chọi lại tất cả không ạ? Con em bú mẹ hoàn toàn, 6 tháng đầu đời em bị chỉ trích, lên án vì không cho con uống nước. Em cũng đã đưa ra dẫn chứng là trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung thêm nước, vì 80% sữa mẹ là nước rồi, nhưng vẫn không thuyết phục được ông bà nội. Họ cứ bảo “tội thằng bé bị bỏ chết khát, không có nước xem mày có khô cổ không mà không cho thằng nhỏ vài giọt, “hồi xưa” tôi nuôi chồng cô cũng cho uống nước có làm sao đâu”. Mặc dù bị nói ra nói vào, nhưng em vẫn không cho con uống giọt nước nào trước 6 tháng. Tuy nhiên, những câu chuyện theo kiểu so sánh với kinh nghiệm nuôi con của các cụ khiến em vô cùng mệt mỏi, thậm chí bị stress”.

Trên các topic của nhiều hội nhóm cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ, đều có vô số bài viết phàn nàn về chuyện bà nội hay bà ngoại ép con dâu, con đẻ phải theo kinh nghiệm kiêng cữ truyền thống. Đặc biệt, những bà mẹ trẻ hiện đại nuôi con theo “phương pháp easy” đã vấp phải phản ứng vô cùng quyết liệt từ ông bà khi rèn cho con không ăn vặt, ngủ riêng, ngủ đúng giấc... Thấy cháu khóc mà mẹ không cho bú, không chịu vỗ về ôm ấp, nhiều bà nội và bà ngoại đã “nhảy” vào phòng can thiệp một cách thô bạo khiến kế hoạch nuôi dạy con theo khoa học của các bà mẹ trẻ bị sụp đổ tan tành hoặc chỉ là “easy một nửa”...

Đặc biệt, mâu thuẫn cao độ nhất là việc cho con ăn theo kiểu truyền thống (ăn bột, ăn nhồi nhét) hay theo kiểu Nhật, kiểu Tây. Chị T nhờ mẹ đẻ đến nhà trông con 6 tháng tuổi để đi làm, chị đã dặn dò rất kỹ bà cách pha sữa đúng công thức, nhưng bà vẫn tự làm theo ý mình, pha đặc hơn “cho có chất”. Trước khi đi làm, chị sơ chế thức ăn, để riêng cháo trắng, rau, thịt, dặn bà cho cháu ăn riêng từng món để trẻ tập cảm nhận mùi vị. Thế nhưng chị đi khỏi là bà đem xay nhuyễn tất cả thành bột rồi bón cho cháu. Biết mẹ phải bất đắc dĩ lên ở nhà con rể là vì thương con, thương cháu, hơn thế bà lại bị huyết áp cao, nếu không vừa ý sẽ có thể tăng vọt, chị T đành nhắm mắt nghe theo, dù phương pháp mà bà áp dụng đã thực sự “lỗi thời”.

Hóa giải những mâu thuẫn: Chuyện nhỏ không khó...

Hiện nay, các gia đình ở Việt Nam vẫn chung sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà, nuôi con như thế nào, dạy con ra sao phụ thuộc rất lớn vào ông bà và cả người giúp việc. Việc chăm sóc trẻ rất cần được các thành viên trong gia đình cùng thảo luận và tìm ra chìa khóa để hóa giải những mâu thuẫn, sự khác biệt trong quan niệm.

Bà Hà (nhà ở Times City, Hà Nội) chia sẻ: “Khi vợ chồng con trai tôi đưa cháu nội mới sinh về nhà, tôi luôn tôn trọng các ý kiến của các con, nhưng đúng là thế hệ trẻ giờ chúng nuôi con rất khác mình. Con dâu tôi rèn cho bé không ăn vặt, ngủ đúng giấc, khi trẻ đã vào nề nếp thì cả mẹ, bà và các thành viên trong gia đình đều nhàn nhã hơn. Mấy tháng đầu bé ăn ít nên mẹ phải cho uống sữa vào giữa đêm một cữ, nhưng từ 3 tháng trở đi là bé ngủ một giấc rất sâu như người lớn”.

Có bé Gấu 6 tháng tuổi, chị Dung (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi áp dụng “phương pháp nuôi con easy” và được cả chồng, ông bà nội, ngoại ủng hộ. Theo tôi, gia đình nào có sự hỗ trợ của các cụ trong việc chăm sóc con trẻ là điều vô cùng may mắn. Đi làm có ông bà ở nhà phụ với người giúp việc, chúng tôi an tâm hơn rất nhiều, bởi ai cũng đều chu đáo trong việc giám sát chế độ ăn, ngủ và an toàn cho bé”.

Có thể nói, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con, cho cháu của mình, tuy nhiên, sự chênh lệch trong nhận thức dẫn đến những điều chưa vui giữa hai thế hệ là khó tránh khỏi. Dù vậy, điều này không thật sự quá nghiêm trọng nếu đem so với việc tình cảm gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, con cái cần cư xử khéo léo để không làm tổn thương người lớn tuổi. Ông bà về hưu sẽ dành phần lớn thời gian chăm sóc, chơi đùa và trò chuyện với trẻ, điều đó cũng giúp ông bà rèn luyện sức khỏe và có cảm giác mình không bị “bỏ quên”. Sẽ rất thiệt thòi cho gia đình nào không biết cách điều hòa và hóa giải các mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con cháu.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, để giải quyết mâu thuẫn, bố mẹ trẻ nên trao đổi nhẹ nhàng để ông bà hiểu về những hạn chế của quan điểm xưa, phương thức cũ. Bên cạnh đó, bố mẹ và ông bà hãy phân chia trách nhiệm, bởi có sự phân chia cụ thể sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình. Mục tiêu cao nhất mà mỗi thành viên đều hướng đến đó chính là em bé được lớn lên khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của tất cả mọi người. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top