Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc

Thứ Tư 07/06/2023 | 10:29 GMT+7

VHO- Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, vào chiều qua 6.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc thường xuyên phối hợp với Bộ VHTTDL để giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn tại Quốc hội

Bộ trưởng cũng mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được Bộ VHTTDL xây dựng trình Chính phủ sẽ sớm được phê duyệt để thực hiện tốt công tác này.

Ủy ban Dân tộc luôn phối hợp tốt với Bộ VHTTDL

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho biết, tại Nghị quyết 88/2019/QH14 đã xác định quan điểm là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Hiện nay việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng gắn với phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc tại nhiều địa phương và được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm trải nghiệm, góp phần tạo ra thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống tại địa phương.

Từ đó cho thấy, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là hết sức quan trọng. Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc được thực hiện như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện và giải pháp trong thời gian tới? Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, chủ trương về bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, hệ thống chính trị càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, nhất là việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Chính phủ cũng đã quan tâm ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, phát triển các làng văn hóa, giữ gìn các nét đẹp, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của bà con.

Cũng theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Ủy ban Dân tộc thường xuyên phối hợp với Bộ VHTTDL để thực hiện công tác quan trọng này. Tuy nhiên đến nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để làm tốt hơn trong giai đoạn tới, đó là các vấn đề về chính sách hỗ trợ nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số để gìn giữ bản sắc văn hóa của từng dân tộc; chính sách hỗ trợ để xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với phong tục tập quán; chế độ chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa của đồng bào...

Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh, hiện Bộ VHTTDL đã được Chính phủ giao xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Trong quá trình soạn thảo Chương trình mục tiêu quốc gia này, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ để đưa những nội dung liên quan đến việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Hy vọng Chương trình sớm được phê duyệt để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho biết, việc nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên đề án thí điểm cấp radio cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa được thực hiện. Cùng với đó, việc cấp một số ẩn phẩm báo chí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45 ngày 9.1.2019 của Thủ ướng Chính phủ mới chỉ thực hiện đến năm 2017 và gián đoạn từ năm 2022. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và đề ra hướng khắc phục? Về vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, dự án thí điểm phê duyệt chủ trương cấp radio cho một số tỉnh được phê duyệt năm 2017, có tổng nguồn vốn là trên 60 tỉ đồng. Ủy ban Dân tộc đã thực hiện các quy trình lập dự án, tổ chức đấu thầu vào năm 2018 nhưng không có đơn vị nào đủ năng lực tham gia nên gói thầu không thực hiện được. Năm 2019 nội dung này đã được tích hợp trong Chương trình Mục tiêu quốc gia và ở trong đề án số 10 và được thay đổi là cấp trang thiết bị cho người có uy tín tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc cũng đã hướng dẫn phân bổ vốn cho các địa phương và tiến hành cuộc khảo sát thì 2/3 số tỉnh được khảo sát đề nghị thay trang thiết bị nghe nhìn thành điện thoại thông minh để linh hoạt hơn trong việc sử dụng; cũng có nơi đề nghị được cấp thêm đài. Vì thế Ủy ban Dân tộc phân bổ kinh phí về các địa phương để các địa phương tuỳ tình hình thực tế, cấp trang thiết bị hoặc điện thoại thông minh phù hợp.

Các địa phương xem xét, sắp xếp các trường nghệ thuật cho phù hợp

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung

Trước đó, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (LĐ, TB&XH), đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Ánh cho biết, việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương còn nhiều khiên cưỡng và mang tính cơ học, chưa tính đến yếu tố đặc thù của ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập các trường nghệ thuật vào các trường kỹ thuật dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo và thực hành. Khi tuyển sinh, các trường này chỉ tập trung vào các ngành, nghề có thể tuyển sinh được mà “bỏ rơi” các ngành nghề nghệ thuật cũng như không đầu tư cho cơ sở vật chất, cơ sở thực hành đối với các trường đào tạo. Ngoài ra chế độ đối với đội ngũ nhà giáo ở lĩnh vực nghệ thuật còn nhiều bất cập dẫn đến việc đào tạo nhân lực cho các ngành nghệ thuật đã khó lại càng khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề đại biểu Ánh nêu đúng với thực tế đang diễn ra, việc sắp xếp mạng lưới quy hoạch nghề nghiệp tại các địa phương còn bất cập. Thời gian qua các địa phương, nhất là khi triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đều tổ chức sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. “Về cơ bản việc sắp xếp là đúng nhưng cá biệt cũng có một số địa phương, việc sắp xếp chưa được, ví dụ ngành y lại sắp xếp vào trường công nghiệp cơ khí hoặc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại sắp xếp vào các trường không phù hợp theo phương châm tinh giản đầu mối, mỗi địa phương chỉ còn 1 trường cao đẳng nghề. Lẽ ra với những ngành nghề có tính đặc thù như hiện nay là 48 trường cao đẳng trung cấp y cũng như các trường văn hóa nghệ thuật là những trường có tính chất chuyên biệt cần bố trí phù hợp. Trong Nghị quyết 19 có quy định chỉ sắp xếp đối với những trường chuyên ngành 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên thời gian qua, khi giảm đầu mối có tình trạng bất cập như đại biểu nêu, nhất là việc sắp xếp các trường đặc thù như trường y hoặc trường văn hóa nghệ thuật vào những trường không phù hợp. Tôi đề nghị các địa phương xem xét, sắp xếp các trường này cho phù hợp vì việc sắp xếp các trường trung cấp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đề nghị.

Hôm nay 7.6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục với nhóm vấn đề dân tộc và nhóm lĩnh vực khoa học và công nghệ. Phiên chất vấn sẽ kết thúc vào ngày 8.6 với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. 

 Về cơ bản việc sắp xếp là đúng nhưng cá biệt cũng có một số địa phương, việc sắp xếp chưa được, ví dụ ngành y lại sắp xếp vào trường công nghiệp cơ khí hoặc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại sắp xếp vào các trường không phù hợp theo phương châm tinh giản đầu mối. Trong Nghị quyết 19 có quy định chỉ sắp xếp đối với những trường chuyên ngành 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên thời gian qua, khi giảm đầu mối có tình trạng bất cập, nhất là việc sắp xếp các trường đặc thù như trường y hoặc trường văn hóa nghệ thuật vào những trường không phù hợp.

Tôi đề nghị các địa phương xem xét, sắp xếp các trường này cho phù hợp vì việc sắp xếp các trường trung cấp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương.

(Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG)

 THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top