“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài cuối): Cần đồng bộ công tác quản lý tại địa phương

VHO- Trao đổi với Văn Hóa về tình trạng “bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc chui, kém chất lượng, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã triển khai rà soát quá trình thực hiện Nghị định 144/2020/NĐ-CP tại một số địa phương là “điểm nóng” trong hoạt động này, nhằm kịp thời yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất làm gương để trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện…

“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài cuối): Cần đồng bộ công tác quản lý tại địa phương - Anh 1

 Trong thời gian tới, sau khi tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị định 144/2020/NĐ-CP trên toàn quốc, các đơn vị liên quan sẽ có cơ sở để xem xét, tham mưu, đề xuất giải pháp sửa đổi Nghị định 144 hoặc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tế.

 P.V: Lợi dụng độ “mở” trong việc cấp phép của Nghị định 144/2020/NÐ-CP, tình trạng thi chui, lạm dụng danh hiệu, mua bán giải... xảy ra ngày càng nhiều khiến các cuộc thi người đẹp trở nên “tầm thường” trong mắt công chúng. Xin bà cho biết quan điểm quản lý ở lĩnh vực này?

- Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly: Đối với hoạt động thi người đẹp, người mẫu, trong quá trình xây dựng Nghị định 144, cơ quan soạn thảo đã rà soát, cân nhắc kỹ và đặt ra các tình huống có thể xảy ra trong thực tế, lường trước được tình trạng nhiều cuộc thi sẽ được tổ chức. Khái niệm “loạn” được hiểu là trước đây vì bị giới hạn số lượng, các cuộc thi tổ chức thi chui nhiều, xảy ra nhiều vụ đấu tố nhau mua giải... Còn hiện tại, dù không giới hạn số lượng nhưng khi cấp phép, các cuộc thi đều được đưa vào hệ thống quản lý.

Trong một động thái kịp thời và cần thiết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, phục hồi, phát triển du lịch; trong đó, chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp quản lý đối với sự kiện có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương. Đồng thời, thẩm định chặt chẽ hồ sơ, rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc; phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật… Điều này được dư luận đồng tình và đánh giá cao việc phân cấp quản lý nhà nước, giao quyền, trách nhiệm thực hiện.

Thực tế, việc phân cấp thực hiện thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là hoàn toàn đúng đắn; giúp cơ quan Trung ương tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, thể chế nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Việc này cũng tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, cấp các loại giấy tờ, văn bản cũng như kịp thời giải quyết, xử lý tình huống phát sinh, các vi phạm trên địa bàn quản lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tiến trình hội nhập quốc tế.

“Bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc kém chất lượng (Bài cuối): Cần đồng bộ công tác quản lý tại địa phương - Anh 2

Mọi cuộc thi sắc đẹp được cấp phép đều chịu sự quản lý sát sao (Ảnh: Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam)

Thẳng thắn nhìn nhận, việc phân cấp quản lý các cuộc thi nhan sắc cho các địa phương thời gian qua còn tồn tại những bất cập gì, thưa bà?

- Do đây là thời điểm chuyển giao thẩm quyền quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương nên giai đoạn đầu còn nhiều lúng túng. Cụ thể, các địa phương chưa áp dụng đầy đủ quy định về phân định thẩm quyền, chưa thực hiện chế độ báo cáo giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới và chế độ phối hợp, trao đổi thông tin trong hệ thống hành chính quốc gia. Việc này dẫn đến tình trạng không đồng bộ nội dung quản lý, chất lượng quản lý, gây ra một số bất cập như tranh chấp quyền, lợi ích; tốn kém chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Để chấn chỉnh, Chỉ thị số 274/ CT-BVHTTDL đã nêu rõ vai trò người “gác cổng”, là đơn vị cấp giấy chứng nhận bản quyền cần phải kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ và cẩn trọng nhằm ngăn chặn những tồn đọng không đáng có. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL, tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương là “điểm nóng” của các cuộc thi. Thông qua công tác kiểm tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên là bởi chưa có sự liên kết thông tin, phối hợp quản lý giữa các địa phương. Đặc biệt, có hiện tượng địa phương thể hiện sự dễ dãi trong công tác thẩm định hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính, cấp văn bản chấp thuận 7 cuộc thi liên quan đến doanh nhân cho một cá nhân, doanh nghiệp.

Trước những bất cập trong việc phối hợp quản lý ở các địa phương hiện nay, theo bà cần có giải pháp như thế nào để tháo gỡ tình trạng này?

- Việc phân cấp cho các Sở VHTTDL quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 144 đang gặp một số khó khăn về nguồn nhân lực, như không bảo đảm số lượng, kiến thức chuyên môn sâu để tổ chức thẩm định chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp ở các địa phương.

Trước những hạn chế, vướng mắc này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL áp dụng giải pháp về chuyển đổi số trong quản lý nhà nước để thông suốt thông tin nền hành chính công quốc gia. Đồng thời trong thời gian tới, Cục sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn lực quản lý nhà nước toàn quốc.

 Hoạt động thi người đẹp hiện nay rất phức tạp vì nhiều nguyên nhân. Để giải quyết rốt ráo, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cấp Nghị định 144 để ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Các cuộc thi sắc đẹp là vấn đề rất được xã hội quan tâm, vì thế để quản lý tốt hoạt động này cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể. Trước mắt, chúng ta phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị các cuộc thi này. Giải pháp tiếp theo là tăng cường vận động những người đẹp cần phải có ý thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình để tránh tạo dư luận xấu. Cùng với đó là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện công tác cấp phép, kiểm tra.

Thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã triển khai rà soát quá trình thực hiện Nghị định 144/2020/NĐ-CP tại một số địa phương là “điểm nóng” trong hoạt động này, kịp thời yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất làm gương để trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện. Trong thời gian tới, sau khi tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị định 144 trên toàn quốc, chúng ta sẽ có cơ sở để xem xét tham mưu đề xuất giải pháp sửa đổi Nghị định này hoặc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tế.

 Xin cảm ơn bà!

 Để chấn chỉnh, Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ra đời đã nêu bật vai trò người “gác cổng”, là đơn vị cấp giấy chứng nhận bản quyền cần phải kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ và cẩn trọng nhằm ngăn chặn những tồn đọng không đáng có. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL, tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương là “điểm nóng” của các cuộc thi. Qua đó nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên là bởi chưa có sự liên kết thông tin, phối hợp quản lý giữa các địa phương. Đặc biệt, có hiện tượng địa phương thể hiện sự dễ dãi trong công tác thẩm định hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính, cấp văn bản chấp thuận 7 cuộc thi liên quan đến doanh nhân cho một cá nhân, doanh nghiệp.

(Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn TRẦN LY LY)

 

NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc