Ba thông điệp báo chí của Bộ trưởng Bộ VHTTDL

VHO- Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023), sáng 16.6, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã thăm và làm việc với Báo Văn Hóa. Tại đây, ông đã truyền những thông điệp quan trọng không chỉ đối với những biên tập viên, phóng viên của Báo Văn Hóa mà còn có ý nghĩa đối với giới báo chí nói chung.

 

Ba thông điệp báo chí của Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Anh 1

 Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

1. ĐỔI MỚI CÁCH THỨC ĐƯA TIN BÀI, GẮN VỚI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

Tự nhận là người “ngoại đạo” nhưng với sự tinh tế và uyên thâm, phân tích thấu đáo và thuyết phục từng vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra những giải pháp cụ thể và hết sức thiết thực đối với những người làm báo Báo Văn Hóa nói riêng, báo chí nói chung.

Theo đó, báo chí không thể bó hẹp trong thể loại phản ánh đơn thuần mà phải đa thể loại, trong đó chú trọng những tuyến bài phóng sự, điều tra để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Hơn nữa, không đứng ngoài xu hướng của báo chí hiện đại, phải bắt nhịp sự phát triển của công nghệ truyền thông 4.0, kịp thời chuyển mình, sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm, đưa thông tin đến với độc giả thông qua nhiều nền tảng.

“Bạn đọc hiện nay đang đòi hỏi ngày càng cao ở báo chí, đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách quản trị, tác nghiệp, nhận diện vấn đề. Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc thì mọi người đều phải nghĩ, tìm ra phương pháp đổi mới. Mới ở đây trước hết là mới trong tư duy, cách tiếp cận”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với đổi mới cách thức đưa tin, theo Bộ trưởng, Báo cần có sự nghiên cứu xu hướng đọc của độc giả để có những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, phải có sự phong phú về thể loại và phải tạo được sự tương tác với độc giả. “Tuy nhiên, thay đổi nhưng không được bỏ rơi nhiệm vụ chính trị”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Động viên và “truyền lửa” đội ngũ những người làm Báo Văn Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận: “Báo Văn Hóa đã bám sát tôn chỉ, mục đích, nỗ lực trong công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Chưa có tờ báo nào đi sâu phân tích lĩnh vực văn hóa như Báo Văn Hóa”. Đồng thời Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu nói chung: Báo chí phải đi trước, mở đường và tạo dư luận đồng thuận cho truyền thông chính sách.

Cụ thể hơn, đối với Báo Văn Hóa cũng như các cơ quan báo chí Bộ VHTTDL, Bộ trưởng đề nghị cần xây dựng những tuyến bài đi trước, mở đường, tạo sự đồng thuận của dư luận về truyền thông, chính sách lĩnh vực VHTTDL, trong đó tập trung Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; các gương điển hình về văn hóa, mô hình kiểu mẫu xây dựng làng văn hóa; động thái xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang hướng tới…

Thẳng thắn và cầu thị, Bộ trưởng cũng đề nghị báo chí có những bài có tính dự báo, nhận định; những bài phản biện trên tinh thần xây dựng, giúp Bộ VHTTDL thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước.

2. ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ PHÓNG VIÊN, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TỜ BÁO

“Báo Văn Hóa có quyền tự hào vì có đội ngũ người làm báo kỳ cựu, đó là những “gừng già”, Bộ trưởng vui vẻ và nhấn mạnh: Khẳng định thương hiệu tờ báo phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ phóng viên, biên tập viên chứ không phải phụ thuộc vào trụ sở tòa soạn báo to hay bé.

Bộ trưởng cho biết, ông rất vui khi Báo Văn Hóa đang phát triển theo hướng này và cho biết: “Tôi rất hài lòng khi chưa bao giờ Báo Văn Hóa có được nhiều “quả ngọt” như bây giờ. Đó là các giải báo chí Búa Liềm Vàng, giải Diên Hồng, Giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng báo chí khác trong hai năm 2022 và 2023. “Dù các giải còn khiêm tốn nhưng đó là thành quả lao động của một nhóm tác giả yêu ngành, yêu nghề; là kết quả của sự phối hợp với các địa phương, những tháng ngày miệt mài đi thực tế. Bên cạnh đó, còn là sự định hướng về khai thác chủ đề của lãnh đạo Bộ, sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Ban Biên

Ba thông điệp báo chí của Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Anh 2

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chúc mừng Báo Văn Hóa nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

 tập, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, địa phương… để rồi chúng ta có được những tác phẩm được vinh danh. Và chính với những tác phẩm đó, công chúng càng biết đến Báo Văn Hóa, đưa thương hiệu của Báo ngày càng đi lên”, Bộ trưởng nói.

Biểu dương những nỗ lực mà Báo đã đạt được trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng cũng nhắn nhủ, không được chủ quan, thoả mãn, phải tiếp tục đoàn kết nội bộ, cùng trăn trở để phát triển tờ báo. “Báo Văn Hóa đang ở đâu trong làng báo Việt Nam?”, ông đặt vấn đề và yêu cầu: “Phải sáng tạo, phải nỗ lực nâng cao chất lượng hơn nữa để Báo Văn Hóa được nhiều người biết đến hơn, độc giả yêu mến hơn”.

Theo Bộ trưởng, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên. Toà soạn cần phát huy đội ngũ những “gừng già”, đồng thời đào tạo đội ngũ kế cận giỏi chuyên môn, tập hợp được đội ngũ cộng tác viên có tên tuổi. Tuy đội ngũ phóng viên Báo Văn Hóa đã tinh, thông nhưng phải nỗ lực, sáng tạo hơn nữa. “Phải biết cách thay đổi chính mình, đã yêu nghề phải yêu nghề hơn nữa, nhiệt tình hơn nữa, cống hiến hơn nữa, làm báo bằng cả danh dự của mình. Báo Văn Hóa phải khẳng định được thương hiệu trong làng báo Việt Nam”, Bộ trưởng nhắn nhủ.

3. ĐỔI MỚI CÁCH THỨC QUẢN TRỊ TỜ BÁO

Trong không khí chân tình và ấm áp nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhân viên và người lao động Báo Văn Hóa hãy cởi lòng, thẳng thắn chia sẻ, trao đổi thuận lợi cũng như khó khăn để cùng tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy mạnh công tác truyền thông, từng bước nâng cao chất lượng tờ báo. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ đồng hành, hỗ trợ sự phát triển của Báo Văn Hóa.

Cảm động trước sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Bộ trưởng dành cho Báo từ trước tới nay cũng như buổi gặp mặt ấm cúng, rất nhiều ý kiến, tâm tư của cán bộ, nhân viên và người lao động đề đạt với Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ. Làm sao để Báo Văn Hóa có một cơ sở khang trang, hiện đại, đúng nghĩa là một cơ quan báo chí ngôn luận của Bộ, là điều kiện tiên quyết để triển khai mô hình toà soạn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhất là khi Báo đang triển khai Đề án xây dựng Báo Văn Hóa chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại - đề án mà chính Bộ trưởng khởi xướng và dày công chỉ đạo xây dựng; làm sao có chính sách để đội ngũ biên tập viên, phóng viên yên tâm với nghề, có cơ chế thu hút những cây bút giỏi, cộng tác viên uy tín, lão làng trong nghề; và làm sao để Báo nâng cao chất lượng chuyên môn, có tờ báo điện tử xứng tầm, đúng nghĩa là cơ quan ngôn luận, dẫn đầu, dẫn nguồn của Bộ VHTTDL, đáp ứng kỳ vọng và niềm tin yêu của Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ và đông đảo độc giả.

Lắng nghe tất cả các ý kiến, Bộ trưởng cho biết, ông rất trân quý, ghi nhận những ý kiến xác đáng và lãnh đạo Bộ sẽ nghiên cứu những đề xuất, nội dung này. Đồng thời, ngay tại cuộc làm việc, Bộ trưởng cũng đã đề nghị đại diện các cơ quan chức năng của Bộ giải đáp, hiến kế và giao nhiệm vụ để từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn cho Báo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn: “Không phải một buổi làm việc có thể tháo gỡ hết toàn bộ khó khăn. Mọi thứ đều phải có bước đi, lộ trình. Nhưng quan trọng phải quyết tâm mới có thể giải quyết được. Đề nghị lãnh đạo Báo Văn Hóa phối hợp làm việc với các đơn vị nghiệp vụ để tháo gỡ điểm nghẽn theo đúng quy trình, quy định”.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ: “Chúng ta nhận diện khó khăn nhưng quan trọng tìm ra giải pháp. Không ai hiểu ta bằng chính chúng ta. Chính chúng ta tìm ra giải pháp thì mới khả thi, tự tháo gỡ được”. Muốn vậy, phải đổi mới cách thức quản trị tờ báo. Đổi mới ngay từ Tổng Biên tập, Ban Biên tập. “Quản trị tờ báo là việc quan trọng và không phải ai cũng làm được. Tổng Biên tập không nhất thiết phải là người viết bài hay nhưng phải là người quản trị tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trước hết là quản trị trong nội bộ, phải sắp xếp đúng người, đúng việc, “dụng nhân như dụng mộc” như Bác Hồ đã dạy. Biết cách bảo vệ những người làm tốt, không thiên vị, giúp đỡ những người chưa được để họ tiến bộ dần. Thứ nữa là quản trị tài chính, phải đảm bảo minh bạch, công khai, đúng, đủ. Không chỉ ngồi chờ phân bổ ngân sách mà phải suy nghĩ, tìm ra hướng để có thêm thu nhập cho tờ báo và từ đó đời sống cán bộ, nhân viên được nâng lên.

Chia sẻ với báo chí nói chung, Báo Văn Hóa nói riêng trong bối cảnh mà người ta thường nói “kinh tế báo chí”, Bộ trưởng nói: “Tôi không muốn dùng từ “kinh tế báo chí”, nghe to tát quá. Bây giờ phải chỉ ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi.

Trầm ngâm, rồi ông nói: Bộ của chúng ta là Bộ tổ chức các sự kiện điểm, mang tầm quốc gia. “Báo Văn Hóa đã nghĩ đến việc phối hợp với các đơn vị trong Bộ, thậm chí đứng riêng tổ chức những sự kiện tầm cỡ mang thương hiệu của Báo chưa?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng nhấn mạnh, quản trị là phải “liên kết, liên kết và liên kết”. Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Bộ trưởng cho rằng trong lĩnh vực này, Báo không thể đi một mình được mà phải có sự liên kết, đồng hành với các cơ quan đơn vị để cùng phát triển.

Bộ trưởng chỉ đạo: Phải chú trọng đa dạng hóa nguồn thu. Gia tăng nguồn thu nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung khách quan, đúng tôn chỉ mục đích. Vận động nguồn lực, đẩy mạnh truyền thông. “Phải có tư duy và tầm nhìn mang tính chất dài hạn chứ không chỉ tập trung vào sự vụ”, Bộ trưởng nói.

Thật cảm động, không chỉ gợi mở, nói là làm, ngay trong chiều cùng ngày, tại cuộc tiếp và làm việc với ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam hỗ trợ xây dựng chuyên mục “Gia đình hạnh phúc” trên Báo Văn Hóa điện tử. Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng cho biết: Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc giao lưu giữa hai nền kinh tế, nhân dân được đẩy mạnh, trong những năm qua có nhiều người Hàn Quốc - Việt Nam đã thành lập gia đình với nhau. Tại Việt Nam và Hàn Quốc đều có các gia đình đa văn hóa. Chính vì vậy, trách nhiệm của Bộ VHTTDL là làm sao để có thể xây dựng hạnh phúc gia đình khi mỗi người đến từ một quốc gia khác nhau và làm sao để văn hóa của mỗi dân tộc

 vẫn được lưu truyền trong các gia đình đó, đặc biệt là tìm hiểu phong tục tập quán trong lĩnh vực gia đình cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Để làm được điều này, Bộ VHTTDL đang lên kế hoạch xây dựng một chuyên mục trên Báo Văn Hóa điện tử để thực hiện mục tiêu trên. Chuyên mục đó sẽ được dịch ra tiếng Hàn Quốc để cả người Hàn Quốc, người Việt Nam có thể tìm hiểu về phong tục, tập quán, truyền thống và hệ giá trị về gia đình hai đất nước.

Trở lại vấn đề vận động nguồn lực, đẩy mạnh và phối hợp truyền thông, Bộ trưởng ghi nhận và cho biết, lãnh đạo Bộ đánh giá cao Báo đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Theo Bộ trưởng, với hơn 60% lượng tin bài là đề tài về Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở nhiều tờ báo như hiện nay, Giải Báo chí toàn quốc không chỉ ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển của ngành mà còn là tập hợp nguồn lực góp phần truyền thông cho ngành; cổ vũ, động viên cán bộ trong toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

“Báo Văn Hóa phải khẳng định được thương hiệu trong làng báo Việt Nam và tôi sẵn lòng, luôn đồng hành cùng với Báo”, Bộ trưởng chỉ đạo kết luận buổi làm việc.

Với 66 năm xây dựng và phát triển, sự đoàn kết và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên và người lao động, đặc biệt sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ, sự tin yêu của độc giả, Báo Văn Hóa có niềm tin mãnh liệt: Chắc chắn sẽ tạo dựng được thương hiệu VĂN HÓA trong lòng bạn đọc, trong làng báo Việt Nam!

 PHAN THANH NAM; ảnh: XUÂN TRƯỜNG - ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc