Kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XV: Đồng tình cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi

VHO- Chiều qua 22.6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Căn cước (sửa đổi). Đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Căn cước.

Kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XV: Đồng tình cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi - Anh 1

 Toàn cảnh phiên họp

 Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta.

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nhấn mạnh, hiện tại chúng ta đang đi theo xu hướng phát triển kinh tế số nên việc áp dụng công nghệ tiên tiến cho căn cước công dân là việc làm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch dân sự; giảm thiểu nhiều phiền toái vì phải mang theo quá nhiều giấy tờ trong ví khi tham gia giao thông. Đại biểu Dũng cũng cho biết, ông đồng tình với việc Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định căn cước công dân cần tích hợp những giấy tờ gì cũng như việc nên tích hợp giấy khai sinh trong căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Về tính bảo mật của căn cước công dân, theo đại biểu Dũng, người dân nên yên tâm vì Chính phủ đã có sơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) cũng tán thành với việc đổi tên dự thảo Luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước. Vì với tên gọi mới này sẽ bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta, nhất là với các tỉnh phía Nam, một bộ phận người dân không có giấy tờ tuỳ thân để tham gia vào các hoạt động xã hội và dân sự. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này. Góp ý cho quy định này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu để có hướng dẫn cách khai quê quán sao cho đúng, khoa học và thông suốt. Bởi thực tế khi khai quê quán, người dân bị lúng túng, không biết khai thế nào. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đồng tình với việc bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch nhưng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc đổi tên dự thảo Luật. Về người được cấp thẻ căn cước, đa số ý kiến đồng tình với dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Trước đó, trong ngày làm việc hôm qua, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5; Biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024; Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia; Biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Trong 2 ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 5, 23-24.6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; Biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV trước khi họp phiên bế mạc. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc