Sẽ phạt tiền nếu khách để thức ăn thừa

VHO- Tham ô, lãng phí gây tác hại rất lớn cho xã hội. Riêng về nạn lãng phí, người ta hay nói về việc sử dụng xe cộ, máy móc thiết bị đắt tiền một cách bừa bãi, xây dựng quá nhiều, quá sang so với nhu cầu, dùng của công vô tội vạ…, nhưng có một thứ lãng phí tưởng chừng rất nhỏ, ngay trên bàn ăn thì hình như chưa được chú ý đúng mức.

Người Việt ta thời trước khi ăn cơm nếu lỡ vương vãi cũng nhặt lên cho vào miệng. Khó khăn thiếu thốn quá chăng? Đúng vậy. Ngay cả người làm ra lúa gạo cũng nơm nớp lo sợ thiếu đói.

 Trong một làng chỉ vài người khấm khá, còn phần nhiều là nghèo khó, mỗi năm hụt lương ăn vài ba tháng là thường. Có những người không có hoặc chỉ có rất ít ruộng, đến mùa phải đi mót từng bông lúa, có được bát cơm ăn là quý lắm. Cơm không để vương vãi còn có lý do khác không kém phần quan trọng: Niềm tin. Người xưa quan niệm hạt gạo là “hạt ngọc của Trời” nên phải trân trọng, nâng niu.

Tuy nhiên, trong tâm thức của nhiều người lại mặc định ý nghĩ: Nghèo quá thì mới phải mót từng tí cơm rơi. Còn người khá giả thì cần gì bận tâm. Thế là có những bàn ăn, người ta dùng thức ăn chưa hết một nửa hay hai phần ba, thừa là bình thường, thế mới là “chịu chơi”, thế mới không “quê”. Cho nên, đâu đâu cũng thấy những bàn ăn vung vãi thức ăn thừa. Tục ngữ xưa có câu “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, người quân tử thì nói “ăn chẳng cầu no”, nhưng đó là người ta nói về cách xử sự không quá coi trọng đối với sự ăn uống. Trên thực tế, ai cũng cần ăn để duy trì sự sống. Món ngon thì ai cũng thích. Được thưởng thức món ngon là một trong những thú vui ở đời. Nhưng, chắt chiu miếng ăn như đã nói trên kia là do nghèo khó hay niềm tin “hạt gạo là hạt ngọc”? Nhiều người ra các nước giàu có về kể, ở các nhà hàng ngoại quốc, nếu ai bỏ thức ăn thừa sẽ bị phạt. Ngay ở nước bạn Lào cũng vậy, khi chúng tôi vào một nhà hàng Việt ở Thủ đô Vienchane, trên tường cũng dán niêm yết: Xin quý khách lưu ý, nhà hàng sẽ phạt tiền trị giá gấp đôi nếu khách để thức ăn thừa!

Đã rõ sự bỏ thừa thức ăn chính là một sự lãng phí ngay trên bàn ăn mà người nước nào cũng phải tránh. Có ý kiến cho rằng làm như vậy thì mới thúc đẩy hàng hóa lưu thông. Lại có người bảo, thừa chút thức ăn chẳng là bao. Thật là ngụy biện! Trong khi bao người vất vả đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm sống hằng ngày, thì lại có những người vứt thức ăn đi khi nó đã được dọn ra tận miệng. Bất kể giá trị (tiền bạc) lớn hay nhỏ, thức ăn một khi lên bàn ăn nghĩa là nó đã qua bao công sức nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, mua bán, chế biến... Người xưa từng có câu: Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần! Sự phung phí ngay trên bàn ăn sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nó chỉ rơi vào một ít người, ở một ít nơi, và chỉ một lúc nào đó. Nhưng không phải vậy. Mỗi bàn ăn một ít, cộng lại cả một vùng, một đất nước, thì khối lượng lãng phí sẽ là khổng lồ. 

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc