Tìm giải pháp nâng cao đời sống-xã hội vùng đồng bào các DTTS Nam Trung Bộ

VHO - Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nhiều khó khăn, vướng mắc đã phát sinh khi triển khai Chương trình, cần được tháo gỡ, khắc phục để thực hiện tốt hơn ở giai đoạn mới (2026-2030).

Tìm giải pháp nâng cao đời sống-xã hội vùng đồng bào các DTTS Nam Trung Bộ - Anh 1

Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr chia sẻ về công tác triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025

Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2026 - 2030. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ban ngành  Trung ương và đại diện lãnh đạo tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh của 18 địa phương khu vực  iền Trung - Tây Nguyên.

Quan tâm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa 

Tìm giải pháp nâng cao đời sống-xã hội vùng đồng bào các DTTS Nam Trung Bộ - Anh 2

Đại biểu các địa phương cho rằng Chương trình có nhiều vướng mắc, khó khăn được sớm tháo gỡ

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr cho rằng, mặc dù Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi mới được đưa vào thực tiễn tại địa phương từ nừa cuối năm 2022, nhưng bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh (kết nối đường giao thông, công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa…) tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động rất lớn trên địa bàn; thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm.

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Tìm giải pháp nâng cao đời sống-xã hội vùng đồng bào các DTTS Nam Trung Bộ - Anh 3

Nghệ nhân Mấu Hồng Thái ( đồng bào Raglai, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) chia sẻ về việc chế tác đàn Chapi và mong muốn truyền dạy cho bà con DTTS lưu giữ loại nhạc cụ này

Tuy nhiên, đây là một Chương trình mới, quy mô lớn, với nhiều nội dung dự án thành phần, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng trong thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu do nhiều nội dung mới; văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; bộ máy quản lý, triển khai chương trình ở cơ sở chưa có kinh nghiệm, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cùng với đó, việc phân bổ vốn, lồng ghép các nguồn vốn tại địa phương và triển khai các nội dung, nhiệm vụ có những khó khăn, hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến công tác lập, xây dựng kế hoạch như: Việc xác định địa bàn, đối tượng thực hiện cụ thể; công tác nắm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, đánh giá tình hình triển khai thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành… Vì thế, Hội thảo lần này cũng là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, khu vực  miền Trung-Tây Nguyên gồm 17 tỉnh, thành phố; bao gồm 445 xã khu vực I; 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 24.53% thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước). Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình ở đây gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện.

Tìm giải pháp nâng cao đời sống-xã hội vùng đồng bào các DTTS Nam Trung Bộ - Anh 4

Du khách tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc của đồng bào Tây Nguyên

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tại Khánh Hòa, Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết chuyên đề; HĐND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 12 kế hoạch, 13 quyết định và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình. Để đảm bảo huy động hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho 2 huyện miền núi nghèo Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đã xin cơ chế đặc thù là sử dụng nguồn tăng thu của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ cho 2 huyện trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, trong điều kiện các cơ chế, chính sách, hướng dẫn... thực hiện chương trình chưa kịp thời, đồng bộ, đầy đủ và còn nhiều bất cập nên việc tổ chức thực hiện ở địa phương còn gặp không ít khó khăn và kết quả chưa đạt như mong muốn.

Đại biểu tỉnh Bình Định đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo điều hành, thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình, định mức và các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025... để các địa phương có cơ sở thực hiện, cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình. Theo đó,  có nhiều khó khăn trong cơ chế lồng ghép. Khi áp dụng cơ chế lòng ghép vào thực tiễn đã nảy sinh những bất cập. Cụ thể, nếu áp dụng vào từng dự án, từng công trình sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến việc thanh, quyết toán. Ví dụ một công trình mà sử dụng hai nguồn vốn khác nhau thì sẽ thanh quyết toán như thế nào?

Trong khi đó, ý kiến của Ban Dân tộc Quảng Nam xoay quanh vấn đề kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc tại các địa phương. Theo đó, nhân lực tại các Ban Dân tộc địa phương rất mỏng nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc đồ sộ. Ngoài ra, để thực hiện chương trình cần phải có sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan, nhưng thực tế, công tác này gặp nhiều khó khăn. Các Ban Dân tộc chỉ mới làm được vai trò tổng hợp, chứ chưa thể hiện được mình là cơ quan quyết định trong việc triển khai công tác dân tộc trên địa bàn. Vì thế, cần cấu trúc lại bộ máy và giao quyền để các Ban Dân tộc chủ động phối hợp với các đơn vị khác triển khai hiệu quả chính sách dân tộc.

Tìm giải pháp nâng cao đời sống-xã hội vùng đồng bào các DTTS Nam Trung Bộ - Anh 5

Biểu diễn đàn đá, nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên

Tại Hội thảo, còn có nhiều nhiều ý kiến, bài học kinh nghiệm đã được các đại biểu chia sẻ, như: Công tác quán triệt, thông tin tuyên truyền, vận động; đổi mới, linh hoạt về phương pháp lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng DTTS; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, đặc biệt là phát huy tối đa sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân địa phương...

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các địa phương. Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương sẽ được cơ quan chuyên môn tổng hợp lại và trình lên lãnh đạo UBDT và các Bộ, ngành liên quan để nhanh chóng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trong thời gian tới.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc