Thì thầm với dòng sông cùng nhà thơ Hoài Vũ

VHO- Vừa qua, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu tập thơ Thì thầm với dòng sông của nhà thơ Hoài Vũ. Sự kiện không chỉ là một buổi ra mắt sách thông thường, mà còn có ý nghĩa vinh danh những cống hiến của tác giả đối với vùng đất Nam Bộ cũng như nền thi ca Việt Nam.

Thì thầm với dòng sông cùng nhà thơ Hoài Vũ - Anh 1

Nhà thơ Hoài Vũ nhận quà lưu niệm từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

 Ra mắt sách sau 60 năm cầm bút

Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng (sinh năm 1935 tại tỉnh Quảng Ngãi), cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ yếu gắn bó với vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông huyền thoại. Khi Hoài Vũ là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa, ông luôn ở vị trí “đầu sóng ngọn gió”, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và dịch giả xuất sắc. Điều đó thể hiện rõ nét trên hàng chục tác phẩm mà ông đã xuất bản, có sức lan tỏa mạnh mẽ từ thời chiến cho đến mãi thời bình vẫn vẹn nguyên những giá trị.

Tại buổi ra mắt tập thơ Thì thầm với dòng sông, nhà thơ Hoài Vũ cho biết, suốt 60 năm cầm bút của mình, đây lần đầu tiên ông có một buổi ra mắt sách. Những chia sẻ của ông đã khiến nhiều người lặng đi vì xúc động. “Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, chắc chắn tôi không thể quên được buổi sáng hôm nay. Buổi sáng đẹp trời, đẹp lòng người và tình người, ngọt ngào và hạnh phúc, không dễ gì có đối với người cầm bút. Đây là món quà vô giá và sẽ tiếp sức cho tôi tiếp tục đi tới trên con đường sáng tạo nghệ thuật và cũng nhắc tôi sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương và sự tin cậy của mọi người”, nhà thơ bày tỏ. Còn với “đứa con tinh thần” Thì thầm với dòng sông, ông cho biết tập thơ gồm những bài thơ đầy ắp kỷ niệm của mình và một số nhạc phẩm do các nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc. “Đây cũng là lời tâm sự ruột gan của tôi với bà con cô bác trên quê hương, với những người thân yêu từng kề vai sát cánh trong những năm dài đánh giặc, với những vùng đất tôi đã đi qua, nhất là Long An nơi có con sông Vàm Cỏ Đông đã để lại cho tôi bao kỷ niệm không thể nào quên được”, ông chia sẻ thêm.

Có mặt tại chương trình, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Theo thời gian, thi pháp và hình thức có thể thay đổi, nhưng có những thứ trong văn chương luôn bất biến, đó là chủ nghĩa nhân văn, tình yêu dân tộc và khát vọng hòa bình. Là những nhà văn thế hệ sau, chúng tôi luôn biết ơn nhà thơ Hoài Vũ, bởi các tác phẩm của ông viết về chiến tranh đã được đánh đổi bằng cả tính mạng. Điều đó chứng tỏ, vũ khí cuối cùng cũng chỉ là vũ khí, chỉ có thi ca mới chính là niềm kiêu hãnh của con người”. Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một trong những điểm đặc biệt ở thơ Hoài Vũ là dù được sáng tác trong chiến tranh nhưng không hề mang sự sợ hãi, nỗi thù hận hay tuyệt vọng. Mà thay vào đó, từng câu, từng chữ luôn đầy ắp khát vọng yêu thương và giữa thời của bom nổ, đạn bay, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết là những rung động đẹp tuyệt vời.

Nhà thơ của những dòng sông Nam Bộ

Thật vậy, khi đọc thơ Hoài Vũ, bạn đọc sẽ thấy rất rõ hình ảnh của người Nam Bộ, chất Nam Bộ qua từng câu thơ mộc mạc, chân phương. Thế nên, nhiều người vẫn nhầm tưởng Hoài Vũ là dân Nam Bộ “thứ thiệt”, nhưng thật bất ngờ khi biết ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Ngãi anh hùng. Hoài Vũ tham gia cách mạng khi mới 11 tuổi và đã đi qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hơn thế nữa, ông là một trong những văn nghệ sĩ có mặt xuyên suốt chiến trường chống Mỹ trong thời điểm gian khổ và ác liệt nhất nơi miền Đông máu lửa. Những trang văn, trang thơ được viết sau những trận mưa bom, thậm chí phải đổi bằng máu, bằng trải nghiệm chiến trường, để rồi ông càng yêu quý đồng đội, trân quý sự sống hơn. Nhà thơ nhớ mãi những trận mưa bom B52 của giặc khi vượt qua Sông Bé. “May mắn còn được sống để làm thơ”, ông bùi ngùi. Và cũng chính những ngày tháng đánh giặc - viết văn đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm không quên.

Cũng tại buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Phan Hoàng khẳng định: “Đọc tác phẩm của Hoài Vũ, nhất là thi ca, dù viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đằm thắm, da diết, cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước và con người. Thơ ông thấm đẫm nỗi đau mất mát, hy sinh mà không chất chứa hận thù. Thơ ông vượt thoát bóng tối ích kỷ, tham tàn để hướng tới ánh sáng tự do, bao dung, nhân ái; dung dị nhưng chứa đựng vẻ đẹp nhân văn sâu xa, có sức lay động tâm hồn con người mọi thế hệ”. Dù có nhiều tác phẩm đi vào lòng người, thế nhưng nhà thơ Hoài Vũ vẫn chưa được những giải thưởng lớn gọi tên. PGS.TS, nhà thơ Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long tự nhận mình là “hậu bối”, cũng cầm bút, cũng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và luôn trân trọng những vần thơ của đàn anh. Chính vì thế, nhân dịp đặc biệt này, ông bày tỏ kỳ vọng nhà thơ Hoài Vũ sẽ sớm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với những đóng góp lớn lao suốt 60 năm qua cho nền văn học nước nhà.

Thơ của Hoài Vũ để lại dấu ấn bởi hầu như bài nào cũng giàu nhạc điệu. Và có lẽ là cơ duyên để các nhạc sĩ phổ nhạc, không chỉ một mà nhiều lần, có thể kể đến nhạc sĩ Trương Quang Lục với Vàm Cỏ Đông, Trên mảnh vườn cô dũng sĩ; Phan Huỳnh Điểu với Anh ở đầu sông em cuối sông, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Những chiếc xe qua cầu Công Lý; Thuận Yến với Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn, Tìm em trên vùng căn cứ cũ… Thơ Hoài Vũ đi được cùng năm tháng, một phần nhờ có âm nhạc chắp cánh, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, phần nhiều là nhờ ở chất liệu thơ. Và dù nhiều tác phẩm đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, sức sống thơ Hoài Vũ vẫn bền bỉ, cuốn hút người trẻ hiện nay và thậm chí là vẹn nguyên giá trị cho đến mai sau. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc