Hút hai pod thuốc lá điện tử/ngày, nữ thanh niên có hành vi bất thường

VHO- Bệnh nhân nữ N.T.X ( 27 tuổi, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) làm nghề kinh doanh, vừa được đưa vào Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) trong tình trạng hút thuốc lá điện tử quá nhiều, tuy chưa có biểu hiện hoang tưởng nhưng có các hành vi bất thường như tư duy rời rạc, dễ cáu gắt.

Theo lời kể của bệnh nhân và mẹ, N.T.X là con cả trong gia đình có ba chị em, là người có tính cách vui vẻ, hòa đồng. Sau khi tốt nghiệp ĐH Phương Đông, tự mở cửa hàng quần áo nữ và thường xuyên livestream bán hàng trên mạng. Bệnh nhân hiện chưa lập gia đình, hiện sống cùng bố mẹ; cuộc sống gia đình hòa thuận, kinh tế gia đình khá giả.

Hút hai pod thuốc lá điện tử/ngày, nữ thanh niên có hành vi bất thường - Anh 1

Các bác sĩ cho biết, thuốc lá điện tử có thể làm rối loạn tâm thần và hành vi của người sử dụng

Bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc lá khoảng tám năm nay. Ban đầu chỉ dùng thuốc lá điếu ở thời sinh viên, khi tò mò, đi chơi cùng các bạn, dùng trộm không cho bố mẹ biết. Khi mở cửa hàng, do tính chất công việc livestream thường vất vả, hay phải làm đêm, nên bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn. Ban đầu vẫn dùng thuốc lá điếu, nhưng sau đó bệnh nhân chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử, khoảng 3-4 ngày hết một pod chill (hộp dung dịch thuốc lá điện tử) . Khi công việc nhiều thì bệnh nhân lại dùng nhiều hơn, khoảng hai, ba ngày hết một pod.

Khoảng hơn một năm trở lại đây, sau khi bệnh nhân chia tay bạn trai, bệnh nhân cảm thấy căng thẳng, stress nhiều hơn, tăng sử dụng thuốc lá điện tử với 1 pod chill/ngày vì cảm thấy thoải mái hơn, cơ thể dễ thư giãn, tăng sự tập trung và dễ đi vào giấc ngủ. Gia đình bệnh nhân phát hiện, cấm bệnh nhân dùng. Khi không dùng bệnh nhân cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung, dễ cáu gắt. Do đó, bệnh nhân giấu gia đình tiếp tục lén lút đặt ship trên mạng. Vài tháng trở lại đây bệnh nhân thường xuyên hút thuốc lá điện tử liên tục cả ngày, mỗi ngày dùng vài pod chill.

Dần dần bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mình không thể làm chủ được việc hút thuốc lá điện tự nữa; luôn trong trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi, bỏ bữa ăn. Nữ bệnh nhân còn  có các hành vi không phù hợp như đặt ship đồ trên mạng vô cớ nhưng không dùng rồi vứt đi. Bệnh nhân hay nhốt mình trong phòng, chỉ nằm hút thuốc lá điện tử. Có lúc gia đình thấy bệnh nhân nói các câu không liên quan, vẻ mặt đờ đẫn, lướt điện thoại trong vô thức, mọi người xung quanh có gọi hỏi bệnh nhân cũng không để ý hoặc trả lời rất chậm. Gia đình thấy vậy nên đưa bệnh nhân nhập Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị.

Bác sĩ Vũ Văn Hoài, phòng M7 Viện Sức khoẻ Tâm thần Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, N.T.X không có tiền sử chấn thương sọ não, viêm não, mắc bệnh thần kinh; gia đình không ai mắc bệnh lý tâm thần. Việc hút thuốc lá quá nhiều khiến bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi. Để điều trị, các bác sĩ đã sử dụng cùng lúc thuốc và trị liệu tâm lý. Sau 8 ngày, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện, hết bồn chồn bứt rứt vì cai thuốc, và không còn cảm giác thèm thuốc.

Theo TS.BS Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng M7, nicotine là chất gây nghiện mạnh, khi cai nghiện, người bệnh cảm thấy cáu kỉnh, khó tập trung, lo lắng, bồn chồn, lo âu và thường phải điều trị lâu dài. “Tuy nhiên, thay đổi yếu tố cảm xúc của bệnh nhân chỉ là 1 phần trong quá trình cai nghiện thuốc lá điện tử, chứ không giúp làm giảm sử dụng. Do đó bệnh nhân cần thay đổi suy nghĩ về thuốc lá điện tử, thì mới có thể thay đổi hành vi”, bác sĩ Nguyễn Thu Hà cho hay.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc