Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa

VHO – Chiều 18.3.2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã giải đáp các vấn đề đại biểu đặt ra về miễn thị thực để thúc đẩy du lịch, ngoại giao văn hóa... Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa - Anh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm khi được báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước về kết quả công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.

Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành Ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa - Anh 2

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn

Liên quan đến vấn đề miễn thị thực cho công dân một số nước nhằm thúc đẩy du lịch, đã có 3 đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn. Điều này cho thấy đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội và nhiều cử tri quan tâm, “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch… Tuy nhiên hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn, vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại?

Tương tự, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, để thúc đẩy Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với quan hệ ngoại giao của Việt Nam ngày càng mở rộng thì bên cạnh việc chúng ta đã mở rộng cấp visa điện tử thì chúng ta cũng đã miễn thị thực cho 28 nước. Như vậy, có 15 nước được miễn song phương và 13 nước được miễn đơn phương.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa - Anh 3

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Trong khi đó, so với các nước trong khu vực có chiến lược thu hút khách du lịch tương đương với Việt Nam thì họ lại mở rộng các diện được miễn cấp visa. Ví dụ như Singapore thì miễn cho 164 nước, Malaysia miễn cho 162 nước và vùng lãnh thổ, Philippines là 157 nước, Thái Lan là 64 nước. Như vậy, rõ ràng đây sẽ có một sự cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam. Theo như Bộ trưởng nói rằng sẽ tích cực đàm phán song phương để mở rộng cấp, miễn visa, bảo hộ cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài. Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu chúng ta có nên chủ động là đơn phương miễn thị thực cho những khách của các nước mà phát triển cao, có thu nhập cao trở thành các nước mà được đơn phương miễn ra hay không?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, hiện nay, nước ta đã miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 13 nước nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam, Bộ Ngoại giao cần có giải pháp gì để các nước nói trên miễn thị thực song phương cho công dân Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại?

Trả lời các câu hỏi về nội dung nói trên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: Các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn, với nhiều danh lam, thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa - Anh 4

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương – đây là địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, phát triển du lịch là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, trong đó thị thực là một trong những khâu quan trọng để đẩy nhanh hợp tác Việt Nam với các quốc gia. Việt Nam cũng đã gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam; tiến hành cấp visa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh. “Bộ Ngoại giao cũng đang tổng kết thí điểm 13 nước thực hiện miễn thị thực, từ đó tham mưu Chính phủ có nên tiếp tục mở rộng thực hiện miễn thị thực hay không, và miễn thị thực đối với thị trường nào”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.

Liên quan đến nội dung ngoại giao văn hóa, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng, Bộ trưởng Bùi Thanh khẳng định, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020; đồng thời có một số nội dung mới. Để triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hợp Quốc. Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban Di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa - Anh 5

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Bộ trưởng cũng đánh giá rất cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc Bộ Ngoại giao đã thực hiện những hoạt động gì để hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO, qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế? Giải pháp đẩy mạnh công tác hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu, trình UNESCO công nhận, cũng như quảng bá sau khi được UNESCO công nhận. Từ đó, góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế đã công nhận không chỉ là tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị toàn cầu. Do đó, việc quảng bá những hình ảnh về di sản này nhằm phát huy được sức mạnh mềm, vừa nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước ta, dân tộc ta trên trường quốc tế, điều quan trọng hơn là đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời các vấn đề về miễn thị thực, ngoại giao văn hóa - Anh 6

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

“Bộ Ngoại giao sẽ đề xuất các chính sách để thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam UNESCO và cũng đề nghị UNESCO hướng dẫn chúng ta và chúng tôi cũng thông tin đầy đủ đến các địa phương, khi các di sản được công nhận cần làm những việc gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách bền và vững lâu dài. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng mời nhiều lãnh đạo cấp cao của UNESCO sang thăm, kết hợp tổ chức hội nghị lần đầu tiên của UNESCO về bảo tồn phát huy các di sản văn hóa. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận di sản của Việt Nam đúng mẫu mã để được xét duyệt. Đồng thời tiếp tục quảng bá giới thiệu về các di sản của Việt Nam với bạn bè thế giới như các biện pháp đã triển khai thời gian qua”, Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời câu hỏi liên quan đến công viên địa chất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết trên thế giới hiện nay thì có 195 công viên địa chất ở 48 nước thì Việt Nam đã có 3 công viên địa chất được UNESCO công nhận. UNESCO đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương, của Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển 3 công viên địa chất này để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

TÙNG QUANG; ảnh: DUY LINH

Ý kiến bạn đọc