Chủ động triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng

NGỌC HOÀ

VHO - Chiều 5.5, tại tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Chủ động triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng - ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng ở điểm cầu tỉnh Kon Tum

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng  luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý trong việc đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.

Nhận thức về vai trò của rừng trong đời sống xã hội, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng  của chính quyền địa các cấp, các ngành và của cộng đồng xã hội ngày càng được nâng cao.

Năm 2023, 60/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước là 14.860.309 ha; trong đó, có 10.129.751 ha rừng tự nhiên, 4.730.557ha rừng trồng. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2023, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hướng đến rừng (giảm 597 vụ so với cùng kỳ năm 2022), diện tích rừng bị tác động là 1.047,8ha;

4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2ha, xảy ra 10 vụ chống người thi hành công vụ, làm 13 người bị thương và tử vong.

Chủ động triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng - ảnh 2
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Hội nghị

Đối với công tác phòng chống cháy rừng, trong năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ cháy, ảnh hưởng đến 674,5ha rừng (trong đó, có 187ha rừng khó có khả năng tự phục hồi); 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy, ảnh hưởng khoảng 498ha rừng (chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo, rừng non phục hồi), làm 12 cán bộ, người dân bị tử vong và làm 6 người bị thương. Các vụ cháy rừng làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt nghiêm trọng là đã gây thiệt hại về người.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng  trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp và các chính sách có liên quan để nâng cao năng lực về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; huy động mọi nguồn lực và đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng; xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có nội dung quy định hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy rừng;…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, với sự nỗ lực các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm đáng kể; nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng của người dân ngàn càng nâng lên.

Chủ động triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng - ảnh 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác làm viện với Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) vào sáng 5.5

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng phát huy sự đa dạng sinh thái rừng, khai thác có hiệu quả những lợi ích từ rừng mang lại; làm tốt công tác dự báo thời tiết; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý; chủ động trong công tác 4 tại chỗ; quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; ứng dụng rộng rãi công nghệ trong quản lý, bảo vệ, theo dõi diễn biến rừng; quản lý chặt chẽ việc di dân tự do đến định cư, sinh sống, canh tác nông nghiệp gần rừng.

Trước đó, sáng 5.5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi khảo sát và làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng.

Chủ động triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng - ảnh 4
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác dâng hương tại di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ đến dâng hương tại Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, Kon Tum).

Đây là nơi ghi danh hơn 200 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu trên Điểm cao 995 - Chư Tan Kra vào ngày 26.3.1968, đa số là những người lính sinh ra tại Thủ đô Hà Nội. Bằng tấm lòng tri ân của các thế hệ, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội và tỉnh Kon Tum đã xây dựng công trình văn hóa tâm linh Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Chư Tan Kra đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Năm 2013, Chư Tan Kra được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.