Lỗi kỹ thuật!

LÂM SƠN

VHO - Cuối cùng, nguyên nhân dẫn đến sai sót trên tấm bia đá dẫn tích tại di tích lịch sử quốc gia Nghè Vẹt (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã được tìm ra, đó là do... lỗi kỹ thuật!

Nhưng thế nào là lỗi kỹ thuật, và có ai sẽ bị hề hấn gì không lại chưa thấy được giải thích, chỉ ra cho thật “hai năm rõ mười”. Bên cạnh ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi nhận được phản ánh của dư luận nhân dân, thì trong vụ việc cụ thể này cũng cần chỉ ra sự bất cập trong việc thẩm định hồ sơ dự án tu bổ di tích và công tác nghiệm thu.

 Trước đó, những tưởng ban đầu tấm bia dẫn tích có nội dung lạ ở di tích Nghè Vẹt là do ai đó hưng công, cúng tiến. Mà ai đó cúng tiến thì chắc cũng rất dễ dẫn đến sai sót “chết người”, vì làm gì có chuyện thẩm định, phê duyệt hình thức, kiến trúc và nội dung bia dẫn tích trước khi thi công, lắp dựng tại di tích. Hai nữa, người hưng công, cúng tiến có lẽ chưa có kiến thức đủ đầy để khắc ghi chữ lên bia cho đúng nên sai sót hay nhầm lẫn cũng là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, sau khi tra cứu kỹ hồ sơ văn bản thuộc dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Nghè Vẹt, nhiều người mới té ngửa, bia dẫn tích ấy là một trong những hạng mục được nhiều cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và thoả thuận.

Điều này cũng đồng nghĩa, bia dẫn tích di tích Nghè Vẹt nói riêng, tổng thể dự án này nói chung được thực hiện đúng quy trình, trải qua nhiều thủ tục pháp lý, đặc biệt được thẩm định rất kỹ trước khi các cấp thông qua, trong đó có hàng chữ xa lạ kia. Vậy thì, cái sự sai sót đó từ đâu ra.

Ở đây sẽ có hai khả năng xảy ra. Một, người đục khắc nội dung bia dẫn tích ấy đã không đọc kỹ hàng chữ đã được phê duyệt nên hồn nhiên “vẽ” ra như thế. Hai, sau khi bia dẫn tích đã được làm xong, đơn vị nghiệm thu, cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra một cách... qua loa, đại khái nên không phát hiện ra sai sót nghiêm trọng, đồng ý cho đơn vị thi công lắp dựng tại vị trí cho phép.

Tuy nhiên, điều lấy làm khó hiểu ở đây là, hàng chữ ở trên tấm bia kia khá lớn chứ không phải hạt đậu hay củ lạc mà bao con mắt soi vào vẫn không nhìn ra sự “động trời”. Giờ, mọi chuyện đã được khép lại bằng cách đổ lỗi do lỗi kỹ thuật, tấm bia sai sót ấy cũng đã được chuyển đi, cho vào lò nung vôi để hóa kiếp cho nó, còn bia miệng lưu truyền vẫn còn trơ trơ ra đấy, cũng khiến cho những người có trách nhiệm liên quan phải suy ngẫm. Đừng xem đó là chuyện nhỏ như “cái kiến”!

Ý kiến bạn đọc