Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Khai mạc trọng thể Đại hội XIII của Đảng

Thứ Ba 26/01/2021 | 09:36 GMT+7

VHO-Sáng 26.1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, đây là kỳ Đại hội có số đại biểu đông nhất trong 13 kỳ Đại hội của Đảng với 1.587 đại biểu tham dự.

Toàn cảnh phiên khai mạc

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

Tham dự lễ khai mạc Đại hội có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; đại diện Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu; các đại sứ, đại biện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Mở đầu phiên họp, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020.

Đại hội cũng sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; đánh giá công tác xây dựng Đảng và kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. “Đây là những nhiệm vụ trọng đại và hết sức vẻ vang mà toàn Đảng, toàn dân đã giao cho Đại hội”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, cán bộ, đảng viên,nhân dân đang mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với phòng chống tham nhũng, lãnh phí, tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp

Đồng thời chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

“Trong bối cảnh đó, Đại hội có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, cho những thế hệ tương lai của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội XIII thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu…

Theo chương trình, sau lễ khai mạc, Đại hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

Trình bày báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu một số vấn đề chung, cơ bản, tập trung vào một số điểm nhấn quan trọng để Đại hội xem xét, quyết định.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khách mời của Đại hội

Một là quá trình chuẩn bị các văn kiện. Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội XIII rất sớm. Ngay từ Hội nghị Trung ương 8, các tiểu ban chuẩn bị văn kiện đã thành lập và công tác nhân sự cho khóa XIII được triển khai. Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung, phương pháp.

Các đại biểu tại phiên khai mạc

Nội dung thứ hai được Tổng bí thư đề cập là tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm thực hiện đổi mới. 5 năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh và thiên tai, toàn Đảng, toàn dân đã phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực phấn đấu để đạt nhiều thành tích quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, nhiều khó khăn, yếu kém năm trước được tập trung giải quyết và có kết quả bước đầu; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương ngân sách được tăng cường; hiệu quả sử dụng ngân sách tăng lên…

Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được chú trọng, thực hiện trên toàn diện các mặt. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, thực hiện bài bản nên có kết quả rõ rệt. “Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được nhân dân ủng hộ. Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng từng bước được kiềm chế và ngăn chặn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trước tình hình thế giới và khu vực có diễn biến nhanh chóng và phức tạp, người đứng đầu Đảng, Nhà nước cho biết Việt Nam đã tăng cường quốc phòng, xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. “Uy tín, vị thế của Đảng và Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Trong diễn biến của dịch bệnh, khi kinh tế thế giới tăng trưởng âm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng kịp thời kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.“Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và lo an sinh xã hội. Đó là chưa kể chúng ta dồn dập đối mặt với thiên tai, bão lũ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng những kết quả tích cực đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII đã tạo ra động lực, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vững vàng vượt qua thách thức trong giai đoạn mới. Đạt được kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng nhất là nhờ ý chí, quyết tâm cao, sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 bài học kinh nghiệm để Đại hội thảo luận.

Một là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ thường xuyên. Kiên định vận dụng và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thường xuyên đổi mới phương thức xây dựng Đảng. Cùng với đó, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thiện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Tổng bí thư cũng lưu ý phải đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. “Công tác cán bộ phải là then chốt của then chốt, tập trung xây dựng cán bộ, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, Tổng bí thư quán triệt.

Hai là trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thực sự tin tưởng, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. “Nhân dân là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương chính sách phải thực sự xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nưc[s nêu rõ.

Bài học thứ ba là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế, tạo đột phá phát triển.

Bốn là tập trung xây dựng đồng bộ thể chế để phát triển, đảm bảo hài hòa giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và chính trị…

Năm là chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền tổ quốc; đảm bảo an ninh, an toàn để phát triển đất nước; xử lý đúng đắn, có hiệu quả, nắm bắt thời cơ, quan hệ với các nước lớn, phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của đất nước kết  hợp với sức mạnh của thời đại trong tình hình mới. “Năm bài học kinh nghiệm trên là cơ sở quan trọng để Đảng vận dụng, phát huy, phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng, tự tin vượt qua khó khăn thách thức và nhiệm vụ nặng nề khi bước vào khóa XIII”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng nhắc đến lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng, của Đảng, của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng đã đoàn kết càng đoàn kết hơn, tư tưởng và hành động đã nhất trí càng nhất trí hơn nữa”.

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top