Khánh Hòa: Chủ trương làm lồng bè nuôi hải sản chống bão

VH- Bão số 12 vào tháng 11.2017 Khánh Hòa đã chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Tổng mức thiệt hại lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó người dân nuôi trồng thủy sản phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhiều hộ nuôi tôm hùm mất trắng hàng chục tỉ đồng, hàng trăm hộ nuôi trồng hải sản lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Khánh Hòa: Chủ trương làm lồng bè nuôi hải sản chống bão - Anh 1

Sau bão, người dân gượng đứng dậy tái sản xuất

Lồng bè phải chống được bão cấp 12

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định về việc các hộ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên các vịnh, biển ở địa phương phải chống chịu được sức gió bão cấp 12.

Cũng theo quyết định trên thì vật liệu làm lồng bè phải chắc chắn, bền và phải chịu được sóng, gió lớn và chất khử trùng tiêu độc. Văn bản cũng quy định khoảng cách các bè tối thiểu phải là 50 m, khuyến khích các bè làm bằng vật liệu nhựa HDPE. Đối với các vùng biển hở, không phải vịnh kín bắt buộc các lồng bè phải làm bằng nhựa HDPE chống chịu gió bão, phòng ngừa rủi ro. Riêng vùng nuôi thuộc huyện Vạn Ninh, vùng nuôi tôm hùm nằm trong vùng đặc khu kinh tế Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ cho phép các hộ nuôi trồng thủy sản tồn tại đến năm 2022, hết thời gian trên buộc phải tháo dỡ, di dời đến vị trí khác; tỉnh Khánh Hòa sẽ thu hồi diện tích mặt nước để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.

Sau khi di dời các hộ nuôi thủy sản trên vịnh Vân Phong, các hộ nuôi hải sản tôm hùm, cá, ốc hương, hàu…phải dọn vệ sinh trả lại mặt bằng cho Nhà nước và không được yêu cầu bồi thường.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh xác định vùng quy hoạch báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, Sở phải cắt cử cán bộ xuống từng địa phương hướng dẫn bà con thực hiện theo đúng chủ trương”.

“Các vùng nuôi hải sản trong toàn tỉnh phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kỹ thuật tốt và an toàn; xây dựng các lồng bè kiên cố, chất lượng tiên tiến và năng suất. Đồng thời các mô hình nuôi trồng trên biển phải có khả năng ứng phó với thiên tai khi hiện tượng thiên tai xảy ra”, ông Vinh nhấn mạnh.

Chủ trương vẫn chưa đến với người dân

Sau bão số 12, UBND tỉnh chủ trì tổ chức hội thảo tìm giải pháp khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản. Tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách, các ngân hàng khác nhanh chóng khoanh nợ, giãn nợ cho người dân nuôi trồng thủy sản sau bão. Đồng thời, phải tiếp tục cho người nuôi hải sản, nhất là tôm hùm, cá bớp, ốc hương… vay nợ với lãi suất thấp để tái đầu tư.

Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan nhanh chóng hỗ trợ người dân nuôi hải sản, xử lý môi trường bị ô nhiễm sau bão, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để người nuôi hải sản nhanh chóng đầu tư trở lại.

Chủ trương là thế, tuy nhiên trên thực tế thì rất nhiều người nuôi trồng thủy hải sản lại phàn nàn chưa nhận được sự hỗ trợ tốt nhất theo chủ trương mà tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra trước đó.

Ông Nguyễn Văn Vang (thường trú tại tổ 1, đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) cho biết: “Gia đình ông có nuôi 16 lồng bè tôm hùm tại đảo Trí Nguyên. Bão số 12 đã cướp đi tất cả, tài sản đổ vào nuôi tôm mất trắng, sau gần năm tháng chạy vạy vay mượn khắp nơi, tôi mới đóng tạm được 7 lồng bè, nuôi tôm hùm trở lại (ở bãi Miễu, đảo Trí Nguyên)”.

“Sau bão, bè nuôi tôm hùm tan hoang, chưa thấy chính quyền hay bất cứ cơ quan nào tới hỏi thăm một tiếng, chạy vạy đến nhiều ngân hàng vay tái đầu tư nhưng cũng chưa ngân hàng nào cho vay, họ sợ không trả được nợ. Được biết chủ trương của tỉnh cho người nuôi tôm hùm vay với lãi suất thấp để tái đầu tư, nhưng chỉ là chủ trương thôi, người dân như chúng tôi chưa thấy”, ông Vang bức xúc.

 XUÂN HƯỚNG

 

Ý kiến bạn đọc