Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

Tỏa sắc văn hóa các dân tộc

Thứ Sáu 20/04/2018 | 09:52 GMT+7

VH- Tối qua 19.4, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức Đêm hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2018. Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Phó ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ và các đại biểu giao lưu cùng với văn nghệ sĩ tại đêm hội

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, trong 10 năm qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào các dân tộc, các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ biên giới tới hải đảo đã thiết thực tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, từng bước đưa các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4 hằng năm trở thành nề nếp. Đây thực sự là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc; tăng cường giao lưu, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em.

Nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động thiết thực, những việc làm có ý nghĩa về văn hóa, kinh tế, xã hội với đồng bào các dân tộc, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, khai thác, truyền bá các giá trị cổ truyền và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự là Ngày hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc, củng cố thêm niềm tin yêu đối với Đảng và Nhà nước.

Tiếp đó, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang đất Việt” đã dẫn dắt người xem hòa nhịp, trải nghiệm và thưởng thức các “đặc sản” văn hóa tiêu biểu của các vùng miền đất nước. Đó là những câu sli, câu lượn mang hình thức sinh hoạt lao động, lễhội được sân khấu hóa của cộng đồng các dân tộc miền núi phía Bắc. Các nghệ sĩ, ca sĩ, ca nương, kép đàn đã giới thiệu một số di sản văn hóa phi vật thể của vùng đồng bằng Bắc Bộ được UNESCO vinh danh như Hát xoan, Quan họ, Ca trù, Hát văn… Qua “câu hò điệu ví” với những câu hò xứ Nghệ, hò khoan Lệ Thủy, nghệ thuật Cung đình Huế, hát bả trạo, ca bài chòi... đã mang đến cho người xem một không gian văn hóa độc đáo, ấn tượng của đồng bào các tỉnh duyên hải Trung Bộ. Không chỉ vậy, với thanh âm của những nhạc cụ độc đáo được chế tác từ thiên nhiên như đàn đá, cồng chiêng, T’rưng, Klonput… người xem lại được thả hồn theo những thanh âm hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên. Người xem cũng được hòa nhịp không khí đua ghe ngo rộn ràng của đồng bào Khmer Nam Bộ, được thưởng thức âm điệu đờn ca tài tử say đắm tình người. Đêm hội khép lại với một bản hòa âm tổng hợp tất cả các nhạc cụ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam vừa tưng bừng, rộn rã, vừa lắng đọng, cuốn hút lòng người. 

 Ảnh: Q.NGA

Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày văn hóa các dân tộc VN

Trong khuôn khổ các hoạt động NgàyVăn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018, cũng trong sáng qua 19.4, Ban Tổ chức phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai tổ chức Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Với hơn 100 ảnh, hiện vật về các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, về đồng bào dân tộc Gia Rai và các dân tộc tỉnh Gia Lai, triển lãm đã mang đến cho người xem những khoảnh khắc xúc động, tự hào khi đồng bào các dân tộc từ khắp các vùng miền của cả nước về “Ngôi nhà chung” hân hoan giới thiệu nét đẹp văn hóa riêng có, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam trong 10 năm qua.

 Chương trình nghệ thuật trong đêm hội

Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cũng trong ngày 19.4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, trong những năm qua, Ngày Văn hóa các dân tộc đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương, các Bộ, ban, ngành Trung ương và đã tạo được những hiệu ứng, kết quả đáng ghi nhận. Thông qua nhiều phương thức tổ chức thực hiện với những hình thức phong phú phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đặc biệt là phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị- xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Thông qua việc tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc đã tạo không khí phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, tạo nên một diễn đàn lớn để cộng đồng các dân tộc giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Thêm vào đó, Ngày Văn hóa các dân tộc còn góp phần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc trong điều kiện mới.

l Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc 2018, từ ngày 20 - 22.4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây; Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ; tái hiện Lễ Xăng khan của dân tộc Thái; Trình diễn ẩm thực dân tộc vùng Tây Bắc; Giai điệu Tây Nguyên; Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai.

 ​Thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và trước sự tác động mạnh mẽ của các xu hướng văn hóa hội nhập mới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; phát huy mạnh mẽ tính đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc anh em cùng với phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận; tiếp tục tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc bắt kịp sự phát triển của thời đại. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân, phấn đấu từng bước thu hẹp chênh lệch về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

(Trích phát biểu của Phó Chủ tịch nước ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH tại buổi lễ)

 

 ​Cơ hội để các dân tộc rất ít người giới thiệu “đặc sản” văn hóa

Hơn 10 năm trước, những người già trong bản Seo Hai như “ngồi trên đống lửa” khi các nét đẹp văn hóa của dân tộc cứ mất dần theo năm tháng. Khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng bào Si La vui mừng lắm. Nhất là những nghệ nhân già như tôi thấy được động viên, khích lệ để làm tốt hơn việc gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Tôi đã thành lập đội văn nghệ bản gồm 8 chị em, truyền dạy các làn điệu dân ca, các điệu múa dân gian của dân tộc Si La. Đồng thời, hướng dẫn cho các em nhỏ về trang phục truyền thống, tiếng nói của dân tộc... Nhất là từ khi được tham dự các hoạt động tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Si La đã giới thiệu cho các dân tộc anh em biết thêm về nét đẹp văn hóa dân tộc mình, đồng thời, học hỏi được nhiều cách thức bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc khác.

(Nghệ nhân dân tộc Si La Hù Cố Xuân)

Thấy rõ trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc

Yêu mến văn hóa Raglay từ thuở bé, nghệ nhân Cha Ma Léa Sập đã tìm học từ ông nội và những người già trong thôn cách chơi đàn Chapi, kèn môi, đàn đá, cồng chiêng, và những bài hát ru, hát đối đáp... Khi trưởng thành, nghệ nhân Léa tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, học hỏi và tự chế tác các nhạc cụ dân tộc, cũng như sáng tác các bài hát mang âm hưởng dân gian Raglay. Để có thể bảo tồn bền vững văn hóa dân tộc, khoảng 8 năm nay nghệ nhân Léa đã tiến hành truyền dạy cho thanh thiếu niên tại địa phương về những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Raglay. Theo nghệ nhân Cha Ma Léa Sập, từ khi được tham dự các hoạt động văn hóa tại “Ngôi nhà chung”, đồng bào Raglay thêm trân trọng “vốn quý” của cha ông để lại và thấy rõ hơn trách nhiệm bảo tồn, trao truyền tài sản vô giá ấy.

(Nghệ nhân dân tộc Raglay Cha Ma Léa Sập)

 

 

 

 QUÁCH NGA; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top