Sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh

THẠCH AN

VHO - Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống với 5.551 hộ/ 20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong mỗi dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều có nét văn hóa riêng, luôn đoàn kết chung tay gìn giữ nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc, cùng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh - ảnh 1

Múa Trống Chhay-dăm của đồng bào dân tộc Khmer Tây Ninh. Ảnh:  Đỗ Thành Nhân

Là tỉnh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, 21 dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh sống tập trung chủ yếu ở các huyện biên giới (Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành), một số ít trong nội địa (thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh). Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khmer khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu (chiếm 0,77%).

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Dự án 6) từ năm 2023, Sở VHTTDL đã phối hợp với UBDT các huyện, thị xã triển khai thực hiện 10/19 nhiệm vụ tại Hướng dẫn số 1684/HD-BVTTDL ngày 28.4.2023 về việc thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có thực hiện: bảo tồn một lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch (Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng năm 2023); tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi bảo tồn một chương trình phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (Nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn Lễ cúng miếu - Lễ rước bông và tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của người Tà Mun)

Sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh - ảnh 2

Múa chằng Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Lê Văn Hải

Xây dựng một câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian (Câu lạc bộ sinh hoạt nghệ thuật dân gian của dân tộc Khmer nhằm gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer cũng như gìn giữ loại hình múa trống Chhay-Dăm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên); hỗ trợ hoạt động cho một đội văn nghệ truyền thống xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên; hỗ trợ một chương trình tuyên truyền quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng một mô hình văn hóa truyền thống (mô hình trải nghiệm văn hóa Khmer tại ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành).

Cùng với đó, các hoạt động của đoàn Nghệ thuật quần chúng dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của mình, tính quần chúng phong phú, sáng tạo, đa dạng, độc đáo thể hiện nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh và tiến bộ.Chương trình do các nghệ nhân, diễn viên là người dân tộc thiểu số thực hiện, thể hiện sự đoàn kết, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số đã đem lại diện mạo mới, sức sống mới trong phong trào văn hóa văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh - ảnh 3

Di tích tháp cổ Chót Mạt, xã Tân Phong, huyện Tân Biên đã được trùng tu chống xuống cấp, phục vụ khách du lịch

Ngoài chương trình Bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, còn hỗ trợ một bộ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên; tu bổ chống xuống cấp một chương trình thuộc Di tích Tháp Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, thuộc hậu kỳ nền văn hóa Óc – Eo; hỗ trợ chống xuống cấp di tích tháp cổ Chót Mạt, xã Tân Phong, huyện Tân Biên thuộc nền văn hóa Óc – Eo cũng được quan tâm và phát huy giá trị. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục giải đoạn 1 trong năm 2024 và 2025 và giai đoạn 2 (2026-2030).

Ngày 27.4 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh, Sở VHTTDL Tây Ninh phối hợp tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh năm 2024. Ngày hội diễn ra sôi nổi, thắm tình đoàn kết, tạo dấu ấn sâu sắc nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tại Ngày hội đã khai mạc trưng bày không gian văn hóa dân tộc các huyện, thị trên địa bàn tỉnh; thi phục dựng nghi thức, nghi lễ theo phong tục tập quán dân tộc; thi nét đẹp dân tộc;  thi đấu các môn thể thao truyền thống như kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy,  thu hút trên 200 vận động viên là nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia.

 Chương trình thi trình diễn trưng bày không gian văn hóa dân tộc, thi phục dựng nghi thức, nghi lễ theo phong tục tập quán dân tộc; thi nét đẹp dân tộc đã mang đến Ngày hội những sắc màu truyền thống đa dạng. Có nhiều nghi lễ, nghi thức truyền thống độc đáo của nhiều vùng tạo sắc thái phong phú, phản ánh bề dầy lịch sử, văn hóa, bản sắc riêng của các dân tộc. Đặc biệt tại Tây Ninh, dân tộc Tà Mun với nhiều nét đặc trưng rất riêng biệt, đang được phát huy, bảo tồn...

Các hoạt động tham gia Ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện tinh thần "Đoàn kết, hội nhập và phát triển"; góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa văn hóa đặc sắc riêng của từng dân tộc trong nền văn hóa chung của các dân tộc thiểu số cả nước. Ngày hội đã tạo điều kiện cho các nghệ nhân, diễn viên tham gia các hoạt động văn hóa dân tộc vùng miền, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đây là dịp để các diễn viên đồng bào dân tộc thiểu số học tập, trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm nhất là học thêm được những bài hát, những điệu múa mới của mình thông qua chương trình Nghệ thuật và những họ sẽ đem những bài hát, những điệu múa về thực nghiệm, hướng dẫn, tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ tại địa phương mình và tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ý kiến bạn đọc