Gia Lai - Bình Định:

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 có nguy cơ chậm tiến độ vì… vướng mặt bằng!

NGỌC HOÀ

VHO - Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên (dự án nâng cấp Quốc lộ 19) đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định – Gia Lai dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6.2024. Tuy nhiên, hiện nay dự án này có nguy cơ chậm tiến độ vì... vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 có nguy cơ chậm tiến độ vì… vướng mặt bằng! - ảnh 1

Dự án nâng cấp, mở rộng dự án quốc lộ 19 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định – Gia Lai dự kiến hoàn thành tháng 6.2024, tuy nhiên đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ

Nhiều đoạn chưa bàn giao mặt bằng thi công

Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 có tổng chiều dài 143,6 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, thời gian thi công từ tháng 8.2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên dự án sau đó được gia hạn thêm đến tháng 6.2024.

Theo kế hoạch, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa dự án phải hoàn thành. Thế nhưng, dọc theo tuyến đường thi công hiện vẫn còn nhiều đoạn chưa thể thi công do vướng công tác giải phóng mặt bằng; một số khu vực đèo và cầu tạm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Tại tỉnh Bình Định, theo đại diện Ban quản lý dự án 2, hiện gói thầu XL-01, đoạn qua huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công đường gom cầu Ba La và Bầu Sen. Đáng chú ý, địa phương vẫn chưa phê duyệt được phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 có nguy cơ chậm tiến độ vì… vướng mặt bằng! - ảnh 2

Gói thầu XL-01, đoạn qua huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công đường gom cầu Ba La và Bầu Sen

Cụ thể, tại cầu Bầu Sen có nhiều hộ không thống nhất làm đường gom và yêu cầu hỗ trợ chi phí nâng nền nhà ngang bằng với mặt đường… Còn tại mố M2 cầu Ba La có 7 hộ thuộc diện phải giải tỏa hoàn toàn và thuộc diện được bố trí xuất tái định cư nhưng các hộ kiến nghị giá đất bồi thường thấp nên không đủ tiền mua.

Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Tây Sơn đã nhiều lần mời các hộ dân họp đối thoại, nhưng các hộ vẫn chưa thống nhất với phương án bồi thường. Về đường dẫn mố M1 cầu Ba La có 20 hộ bị ảnh hưởng, đoạn này phải làm đường gom dân sinh để các hộ phía sau có đường kết nối, tiếp cận để ra đường quốc lộ 19. Tuy nhiên, 20 hộ này không đồng ý với phương án bồi thường do kiến nghị đòi hỗ trợ chi phí nâng nền.

Để tháo gỡ, Bộ GTVT đã có công điện gửi UBND tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Tây Sơn và các đơn vị liên quan của địa phương nghiên cứu, xem xét các chính sách theo các quy định để có phương án bồi thường, hỗ trợ… cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Qua đó có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu.

“Hiện nay đã vào mùa khô, nhưng công tác triển khai thi công của nhà thầu vẫn chậm. Nhiều tồn tại vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là gói thầu XL-01 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, công tác huy động trên công trường chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án…”, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho hay.

Tương tự, tại địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện nay dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn huyện Đak Pơ cũng đang gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Để tháo gỡ, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đak Pơ đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án; phối hợp với Công ty Điện lực di dời các đường điện ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng.

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 có nguy cơ chậm tiến độ vì… vướng mặt bằng! - ảnh 3

Đến nay, UBND huyện Đak Pơ (Gia Lai) vẫn chưa thể bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công quốc lộ 19

Mặc dù vậy, đến nay UBND huyện Đak Pơ vẫn chưa bàn giao mặt bằng phần diện tích còn lại cho chủ đầu tư triển khai thi công, chưa triển khai thực hiện việc di dời hệ thống điện, một số vị trí đã bàn giao mặt bằng vẫn còn không liên tục.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, bàn giao mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư trước ngày 30.4 để triển khai thi công công trình theo tiến độ của dự án.

Thường xuyên ùn tắc giao thông

Không chỉ bất cấp về công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, trong quá trình thi công quốc lộ 19, chủ đầu tư và đơn vị thi công thường xuyên gặp phải tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là đoạn qua đèo An Khê và các cầu tạm dọc tuyến, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đèo An Khê tình trạng xe quá khổ, quá tải, xe tải trọng lớn lưu thông trên tuyến, đặc biệt vào ban đêm. Các phương tiện quá tải khi lưu thông trên đèo thường xuyên bị hỏng và phải dừng lại sửa chữa, gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, việc các phương tiện xe tải trọng lớn, quá tải lưu thông trên tuyến đã khiến đường dẫn cầu tạm thường xuyên bị hư hỏng.

Dự án nâng cấp quốc lộ 19 có nguy cơ chậm tiến độ vì… vướng mặt bằng! - ảnh 4

Tại khu vực đèo An Khê tình trạng xe quá khổ, quá tải, xe tải trọng lớn lưu thông trên tuyến thường xuyên xảy ra

Ông Lê Tuấn Mạnh, Quyền Trưởng phòng ĐHDA 4 (thuộc Ban quản lý Dự án 2) cho biết: Ban đã có văn bản đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường, thường xuyên kiểm soát tải trọng, kích thước các xe, xử lý các phương tiện lưu thông không đúng làn đường, biển báo chỉ dẫn…

“Để đảm bảo đúng tiến độ, đơn vị đã đôn đốc nhà thầu cần tranh thủ các ngày thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng vật tư máy móc thiết bị để tăng cường triển khai thi công trong thời tiết mùa khô. Chúng tôi cũng quán triệt nhà thầu thi công phải huy động các tổ đội công nhân có tay nghề, cán bộ kỹ thuật có năng lực; tăng cường vật tư, thiết bị đủ để hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng và đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến”, ông Mạnh thông tin.

Ý kiến bạn đọc