Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Tăng sức đề kháng cho Du lịch Việt Nam

Thứ Tư 04/08/2021 | 10:37 GMT+7

VHO- Đại dịch Covid-19 như cơn sóng thần càn quét ngành Du lịch toàn cầu khiến cả thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng với những thiệt hại chưa từng có trong lịch sử. Diễn biến thực tế đang đặt ra yêu cầu ngành Du lịch phải có những thay đổi để phục hồi và phát triển trong giai đoạn “bình thường mới’’.

 Thời gian tới, Du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh các sản phẩm chủ đạo, có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch biển đảo, văn hóa, ẩm thực Ảnh: MINH HUỆ

Các định hướng phát triển du lịch phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng môi trường, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng văn hóa địa phương, bản sắc vùng miền, chủ động ứng phó với dịch bệnh mới, phát triển theo hướng bền vững.

Xut hin nhiu vn đề cn được quan tâm gii quyết thu đáo

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2020, ngành Du lịch thiệt hại từ 1,17- 2,22 nghìn tỉ USD, tương đương 1,5-2,8% GDP toàn cầu. Các ngành, lĩnh vực liên quan đến du lịch đều bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi Covid-19. Năm 2021 và thời gian tới, du lịch thế giới dự báo vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu du lịch sụt giảm do tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh, thu nhập giảm, vấn đề cạnh tranh điểm đến, cạnh tranh nguồn khách sau khi nhu cầu du lịch toàn cầu phục hồi sẽ trở nên khốc liệt giữa các quốc gia.

Trên thế giới, các nước đã có những chính sách điều chỉnh, tái cấu trúc ngành Du lịch hướng tới phục hồi, phát triển bền vững. Đó là định hướng quy hoạch lại phát triển ngành du lịch thông qua việc ban hành chính sách, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, đẩy mạnh công cuộc số hóa trong chuỗi cung ứng dịch vụ, tăng cường tính kết nối giữa nhà nước - khối tư nhân - khách du lịch tập trung mục tiêu du lịch bền vững, thân thiện môi trường. Mặt khác, các vấn đề về vệ sinh, y tế, đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng được tăng cường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đầu tư trong ngành Du lịch nhằm tăng cường khả năng chống chịu của ngành Du lịch trước những biến động bất ngờ trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ.

Đối với Việt Nam, thời gian qua, ngành Du lịch đã có những chuyển hướng kịp thời, tập trung kích cầu thị trường khách du lịch nội địa. Chương trình kích cầu được phát động ở quy mô toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực. Thể hiện rõ nhất ở việc thị trường khách du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ; các địa phương, doanh nghiệp liên kết chặt chẽ và hình thành các xu hướng liên minh, liên kết phát triển du lịch; các sản phẩm mới đã được quan tâm đầu tư, phát triển: Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ…

Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách sau dịch Covid-19. Một số sản phẩm mới được quan tâm trong thời gian qua như tour suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ, tham quan gốm Chu Đậu, tour tham quan nhà tù Hỏa Lò về đêm, bay khinh khí cầu và ngắm hoa dã quỳ ở Ba Vì, cung đường du lịch mùa đông, du lịch nông nghiệp, các tour caravan (du lịch bằng xe tự lái)… Chính sự ra đời những sản phẩm mới đã tạo nên không khí sôi động trên thị trường du lịch trong nước, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm chịu ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của ngành Du lịch đang dần bộc lộ. Nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành Du lịch phải quan tâm hơn, giải quyết thấu đáo, hiệu quả hơn. Trong đó, nổi lên vấn đề quản lý khủng hoảng, rủi ro trong du lịch; vấn đề cân bằng trong chính sách phát triển thị trường du lịch nội địa và quốc tế; vấn đề phối hợp, liên kết ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch; vấn đề cung, cầu nguồn nhân lực du lịch nhất là nhân lực chất lượng cao; vấn đề áp dụng khoa học, công nghệ, chưa có một nền tảng kỹ thuật số ngành Du lịch toàn diện, bao trùm lên mọi mặt của lĩnh vực du lịch...

Sn sàng ng phó vi nhng vn đề bt kh kháng

Để ứng phó với đại dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và có những bước phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đã đề ra, tôi cho rằng Du lịch Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng và nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 làm cơ sở để thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ phục hồi du lịch, xóa bỏ tâm lý e ngại của du khách.

Kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ và triển khai kịp thời, hiệu quả giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (số lượng các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam) duy trì hoạt động, chuyển đổi chiến lược kinh doanh, tập trung thị trường du lịch nội địa. Trong đó, các hỗ trợ gián tiếp bao gồm đào tạo nhân lực, tuyên truyền quảng bá điểm đến chung...; các hỗ trợ trực tiếp bao gồm hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay tín chấp…

Toàn ngành tăng cường truyền thông ngoài thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tập trung về tiêu chí sức khỏe, an toàn, các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày với chi phí hợp lý, các yếu tố liên quan đến sự an toàn và trình độ y tế, khả năng hỗ trợ sức khỏe của điểm đến. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch nhằm đảm bảo năng lực cung ứng trong môi trường du lịch mới khi thói quen tiêu dùng, nhu cầu du lịch của du khách có nhiều thay đổi.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu, đảm bảo cân bằng giữa thương mại, dịch vụ và bảo tồn văn hóa, thiên nhiên. Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của Du lịch Việt Nam như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái. Chú trọng liên kết hợp tác giữa các địa phương, Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế đối thoại công- tư; thành lập các cơ quan chuyên trách, quản lý các nội dung ký kết, hợp tác giữa các bên nhằm giám sát đánh giá, hiệu quả; định hướng kịp thời, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Thúc đẩy thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại các thành phố trung tâm, làm tiền đề để đa dạng hóa, gia tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm, dịch vụ du lịch, thúc đẩy chi tiêu của du khách về đêm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, hướng dẫn khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh, sử dụng công nghệ tự động hóa cung cấp các dịch vụ cho du khách...

Rà soát các quy định pháp luật, chiến lược, kế hoạch du lịch để nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn của thế giới và Việt Nam, đặc biệt xác định vai trò quan trọng của du lịch nội địa, xây dựng quản trị rủi ro trong du lịch nhằm sẵn sàng ứng phó với những vấn đề bất khả kháng để ngành Du lịch gia tăng “sức đề kháng’’, chủ động đối mặt với những “con sóng thần” có thể xảy ra trong tương lai. 

NGUYN QUÝ PHƯƠNG (V trưởng V L hành - TCDL)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top