Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Kỳ vọng vào một mùa du lịch hè “bùng nổ”

Thứ Năm 26/05/2022 | 14:30 GMT+7

VHO- Sau 2 năm vật vã vì dịch Covid-19, Du lịch Việt Nam đang thực sự “hồi sinh” khi mùa du lịch hè đang tới gần, cuộc sống của người dân trong nước đã dần trở lại bình thường và với các chính sách mở cửa quốc tế rất cởi mở so với nhiều nước trên thế giới. Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch và làm sao để đẩy mạnh quảng bá, đón đầu nhịp phục hồi của du lịch thế giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã trao đổi với Báo Văn hóa về những nội dung này.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Tiếp tục khuyến khích "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"

PV: Thưa ông, thời gian qua, ngành Du lịch đã có những tín hiệu phục hồi rõ ràng, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5, ông đánh giá như thế nào về những tín hiệu này?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Sau gần 2 tháng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch (15.3.2022), ngành Du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: 4 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đạt hơn 92.400 lượt; riêng tháng 4.2022 đạt 70.000 lượt, gấp 4,5 lần so với tháng 3.

Các khu du lịch như BaNaHills Đà Nẵng, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai) thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng

Đặc biệt kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 vừa qua, chỉ trong 4 ngày, ngành Du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỉ đồng. Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch rất sôi nổi với các chương trình, sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc, truyền tải thông điệp điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với du khách. Ấn tượng nhất phải kể đến như Thanh Hóa đón gần 900.000 lượt khách, Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ đón hơn 550.000 lượt khách, Đà Nẵng đạt hơn 254.000 lượt khách. Sức nóng của thị trường du lịch dịp 30.4-1.5 vừa qua được toàn ngành kỳ vọng sẽ mang lại khởi đầu nhộn nhịp, tạo đà cho một mùa du lịch hè hấp dẫn trên cả nước.

Thông qua đó, chúng ta có thể thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch, đồng thời thể hiện nhu cầu đi du lịch rất cao của người dân sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, khẳng định khách du lịch bước đầu đã vượt qua tâm lý e dè, lo ngại về dịch bệnh để tham gia các hoạt động du lịch trong nước.

Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch thời gian qua cũng thể hiện hiệu ứng tích cực của Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam do Bộ VHTTDL phát động ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện. Có thể thấy, trong những lúc khó khăn nhất của ngành Du lịch, thị trường nội địa là thị trường được mong đợi nhất, đóng góp tích cực vào việc hồi phục du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam cũng tiếp tục được triển khai nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022, tiếp tục xây dựng văn hóa kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

Các hoạt động du lịch đã trở lại bình thường trên toàn quốc và kỳ vọng sẽ đón một mùa du lịch hè 2022 sôi động

PV: Theo ông, nguyên nhân nào giúp cho du lịch phục hồi tốt như vậy?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Để du lịch đạt được những kết quả khả quan trên, yếu tố tiên quyết là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL. Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đảm bảo độ phủ vắc xin cao, cùng với sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành, sát sao giữa các Bộ, ban ngành có liên quan đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch dần trở lại.

Đồng thời, sự chủ động chuẩn bị và triển khai nhiều sự kiện và các hoạt động quy mô lớn của nhiều địa phương, các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã thu hút khách du lịch, tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại.

Nhu cầu du lịch của khách nội địa rất cao sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở nước ta

PV: Nhiều địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn để đầu tư các sản phẩm mới đẳng cấp và các sự kiện lớn để thu hút khách du lịch như: Thanh Hóa có Lễ hội Du lịch Biển Sầm Sơn, Sa Pa có Lễ hội Hoa hồng, Cuộc đua Vó ngựa trên mây; Đà Nẵng mới đây có Thác Thần Mặt trời, lễ hội bia và show diễn nghệ thuật hoành tráng… Xin ông cho biết, sự năng động, chủ động của các địa phương, cũng như doanh nghiệp trong việc làm mới sản phẩm đã góp vai trò như nào đối với sự phục hồi ngành Du lịch phục hồi?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Có thể nói, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới được xem là “chìa khoá” góp phần gia tăng sức hút của điểm đến đối với du khách. Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu đi du lịch, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, mang tính chất đặc trưng: mỗi địa phương - một sản phẩm. Ðơn cử, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã xây dựng tour đêm "Ðêm thiêng liêng- Sáng ngời tinh thần Việt"; TP.HCM đã cho ra mắt tour “du lịch đường sông” và tour "bay trực thăng ngắm cảnh thành phố"; Sapa tổ chức Lễ hội Hoa Hồng, Thanh Hoá có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm du lịch khinh khí cầu hay tổ chức show diễn nghệ thuật hoành tráng tại Bà Nà…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu khách hàng. Thời gian tới, các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ sẽ còn tăng lên. Đây được dự báo là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này cùng với khi mở cửa du lịch quốc tế như: Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Có thể nói, đây cũng là cơ hội để Việt Nam làm mới mình, đón đầu xu hướng và bắt kịp với đà phục hồi của thế giới.

Việt Nam đã có những chính sách mở cửa du lịch quốc tế hết sức cởi mở, đăng cai sự kiện quốc tế lớn như SEA Games 31 và thu hút ngày càng đông khách nước ngoài

Sẽ có những thiên đường du lịch của Việt Nam không thua kém gì thế giới

PV: Theo ông, doanh nghiệp nói chung và những nhà đầu tư chiến lược lớn nói riêng có vai trò như thế nào đối với việc dẫn dắt, thúc đẩy phục hồi du lịch nói riêng và nền kinh tế sau dịch?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Từ trước đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến dài, nổi bật nhất là các dự án, sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao và có sức hấp dẫn đã thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch hàng đầu tiến hành đầu tư. Do dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như rơi vào tình trạng “đóng băng”. Lúc này, vai trò của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn như: Sun Group, Vin Group… lại càng được thể hiện, là những “cánh chim đầu đàn”, mang sứ mệnh người kiến tạo, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ dần ổn định và hoạt động trở lại. Các cơ sở lưu trú được tái đầu tư theo xu hướng mới. Sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch được đầu tư tạo trải nghiệm mới. Nếu như trước đây chúng ta phải đi nước ngoài, thì giờ đã có thể trải nghiệm ngay trong nước nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: hệ thống công viên giải trí của Sun World tại Bà Nà hay Fansipan, công viên trò chơi VinWonder, Chuỗi công viên nước tại Hạ Long, Hòn Thơm (Phú Quốc)…

Tuy nhiên, số lượng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ta đã ít, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lại càng ít hơn. Để ngành Du lịch nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung phục hồi hiệu quả, dưới vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tôi mong muốn có sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa của các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc đầu tư khôi phục điểm đến, đa dạng hoá hơn nữa sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Với những doanh nghiệp làm du lịch bài bản, tâm huyết như: Sun Group hay Vin Group, tôi kỳ vọng rằng, với công thức “chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch” đang được các địa phương áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay, chúng ta sẽ có những thiên đường du lịch không kém Hàn Quốc, Singapore...

Các đoàn khách Việt Nam cũng đã lên đường tham gia các hành trình khám phá thế giới sau khi đại dịch được kiểm soát

PV: Theo ông, cần làm gì để du lịch thu hút khách quốc tế mạnh mẽ hơn nữa vì hiện chủ yếu chúng ta vẫn đang dựa vào thị trường nội địa?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4.2022 Việt Nam đón 101.000 lượt khách quốc tế, tăng 242,9% so với tháng 3.2022 và tăng 520,6% so với cùng kỳ 2021. Số lượng khách tuy chưa nhiều nhưng tốc độ tăng khá cao, cho thấy thị trường du lịch quốc tế đang dần ấm lại.

Tín hiệu tích cực là mới đây Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế từ ngày 27.4 và xét nghiệm Covid-19 từ ngày 15.5 đối với khách nhập cảnh. Với diễn biến này, có thể nói các điều kiện nhập cảnh của Việt Nam là rất cởi mở, thuận lợi. Một yếu tố lạc quan khác là theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm của khách quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam đang tăng rất mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, ở mức trên 75% - vào hàng cao nhất trên thế giới.

Trong thời gian tới, để thu hút mạnh hơn khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đón đầu khai thác tốt mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi, ngành Du lịch cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm; Chuẩn bị tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm; Các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và quảng bá rộng rãi các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…

Hiện nay Tổng cục Du lịch đang tham mưu Bộ VHTTDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong việc thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Nếu được tháo gỡ thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

THUÝ HÀ (thực hiện)

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top