Doanh nghiệp du lịch kêu khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi: Vẫn chưa được ngân hàng "giải cứu"

VHO- Sau hai năm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch gần như bị tê liệt về tài chính, không còn nguồn tài sản đảm bảo để vay vốn với lãi suất ưu đãi. Vì thế, cần có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch.

Doanh nghiệp du lịch kêu khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi: Vẫn chưa được ngân hàng

 Khó tiếp cận gói vay ưu đãi, doanh nghiệp du lịch đang “khát” vốn để phục hồi và phát triển, nhất là phục hồi thị trường du lịch quốc tế

 Ngày 18.8, Sở Du lịch TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM tổ chức Hội nghị kết nối các ngân hàng và doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi 2%/năm từ ngân sách Nhà nước, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thống kê trong 7 tháng đầu năm nay, thành phố đón khoảng 765.580 lượt khách quốc tế, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021; khách du lịch nội địa ước đạt trên 13,3 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt khoảng 60.379 tỉ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 75,5% so với kế hoạch năm 2022. Điều này cho thấy ngành du lịch đang có sự phục hồi và tăng trưởng tốt, tuy vậy vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn để phục hồi hoạt động. Theo bà Hiếu, tính đến cuối tháng 5.2022, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ cho hơn 850 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố vay với tổng vốn ước đạt 18.822 tỉ đồng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp du lịch vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách quốc tế đến, nhưng chưa đảm bảo các điều kiện để vay vốn với nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp.

Phần nhiều ý kiến của các doanh nghiệp du lịch cho biết, hiện rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nói trên, do bị ràng buộc về các điều kiện tín dụng, kinh doanh, tài sản thế chấp… khi ngân hàng thẩm định hồ sơ cho vay. Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on – Hop off chia sẻ, sau hai năm “ngủ đông”, doanh nghiệp du lịch gần như bị tê liệt về tài sản, không mấy doanh nghiệp còn nguồn tài chính để chứng minh tài sản đảm bảo, đáp ứng điều kiện được vay lãi suất ưu đãi 2%/năm. Vì thế, cần có chính sách thông thoáng trong việc thẩm định, giải ngân nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp du lịch. Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp du lịch, bà Hiếu cho rằng, mặc dù đã tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi như chính sách giảm giá điện, giảm phí trong thực hiện thủ tục hành chính nhóm ngành du lịch, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền sử dụng đất cho các cơ sở lưu trú… để sớm phục hồi. Tuy nhiên, du lịch là một trong những nhóm ngành chịu tổn thất nặng nề nhất của dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp du lịch đang trong tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay. Vì thế, việc triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn từ ngân hàng thương mại, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và các giải pháp hỗ trợ về vốn.

Có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch, giao dịch du lịch… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành du lịch giải tỏa cơn khát vốn để phục hồi, tiếp tục phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp hơn 10% vào GRDP của thành phố. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM khẳng định, du lịch nằm trong nhóm ngành được ưu tiên cho vay với lãi suất hỗ trợ 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước, thông qua hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Để tiếp cận được, doanh nghiệp du lịch phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện liên quan theo quy định, trong đó có điều kiện về tín dụng và tài sản đảm bảo. Vì đây là nguồn tiền cho vay từ ngân sách nên các ngân hàng thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Ngành ngân hàng đã xây dựng xong quy trình nghiệp vụ và đã tập huấn thủ tục triển khai cho các bộ tín dụng, doanh nghiệp nên liên hệ trực tiếp với các ngân hàng thương mại để được vay ưu đãi, đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện thì cũng cần “chia sẻ” với quy định hiện hành. Bởi nếu cho vay không đúng đối tượng khi chưa đủ điều kiện thì vi phạm quy định pháp luật. 

 

 Trong suốt hai năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp du lịch đang trong tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay. Vì thế, việc triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn từ ngân hàng thương mại, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và các giải pháp hỗ trợ về vốn...

(Bà BÙI THỊ NGỌC HIẾU, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM)

 

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc