Điều gì khiến Thanh Hóa trở thành điểm đến dẫn đầu cả nước?

NGUYỄN LINH

VHO - Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch cả nước dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, bỏ xa Hà Nội và các tỉnh thành nằm trong top có doanh thu cao nhất. Điều gì đã khiến Thanh Hóa hút khách?

Theo thông tin được công bố bởi Cục du lịch quốc gia Việt Nam, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về số lượt khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 với 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỉ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Lần lượt xếp ở các vị trí kế tiếp là TP.HCM 3.235 tỉ đồng; Hà Nội 2.500 tỉ đồng; Quảng Ninh 2.210 tỉ đồng; Nghệ An 1.700 tỉ đồng; Đà Nẵng 1.336 tỉ đồng; Khánh Hòa 1.306 tỉ đồng.

Điều gì khiến Thanh Hóa trở thành điểm đến dẫn đầu cả nước? - ảnh 1

Bãi biển Sầm Sơn ken cứng du khách dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5

Cụ thể, trong dịp nghỉ lễ này, một số khu, điểm du lịch của Thanh Hóa rơi vào tình trạng “quá tải”, đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng như TP Sầm Sơn đón 905 nghìn lượt khách; thị xã Nghi Sơn 86,7 nghìn lượt khách; Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) 89,8 nghìn lượt khách; TP Thanh Hóa 65,6 nghìn lượt khách; Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) 62,5 nghìn lượt khách...

Cùng với đó, nhiều khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đồng loạt đón lượng lớn khách như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) đón 11,7 nghìn lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) 9,2 nghìn lượt khách; Khu du lịch cộng đồng Bản Mạ (Thường Xuân) 3,7 nghìn lượt khách; Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) 3,4 nghìn lượt khách...

Ngoài các điểm đến, trải nghiệm truyền thống tại Thanh Hóa, theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, phát triển sản phẩm du lịch là một trong những điểm sáng của ngành du lịch xứ Thanh trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay. 

So với các tỉnh lân cận, Thanh Hóa là địa phương sở hữu nhiều điểm đến “xanh”, an toàn, với đa dạng loại hình du lịch, trải nghiệm với mức giá phù hợp.

Trong đó, một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, vận hành được đầu tư, thiết kế bài bản nhận được sự hưởng ứng của du khách trong và ngoài nước như Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố (TP Sầm Sơn); tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê, các trò chơi cảm giác mạnh (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch Hải Tiến - đảo Nẹ, dù lượn (Hoằng Hóa); du lịch trải nghiệm tại TP Thanh Hóa, các huyện Yên Định, Quảng Xương, Như Thanh... được đông đảo du khách yêu thích.

Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, thời gian kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày; thời tiết nắng nóng, thuận lợi cho hoạt động du lịch biển - vốn là sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay giá vé máy bay tăng cao, do đó Thanh Hóa là lựa chọn phù hợp với cung đường và thời gian cho thị trường khách các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung.

Theo ông Vũ Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hoá, từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay ở các chặng nội địa đều tăng mạnh, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.

Do đó, lượng khách đoàn và khách lẻ đặt dịch vụ tại Thanh Hóa từ trước kỳ nghỉ lễ đã tăng mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh đã kín phòng từ khoảng trung tuần tháng 4.

Điều gì khiến Thanh Hóa trở thành điểm đến dẫn đầu cả nước? - ảnh 2

Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn – sản phẩm du lịch mới hấp dẫn

Vì vậy, lượng khách đến Thanh Hóa tăng "đột biến" trong kỳ nghỉ lễ vừa qua là điều dễ hiểu. Nếu như đến một số điểm du lịch khác như TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang... với chi phí 10 triệu đồng/người có thể mới đủ tiền vé máy bay và chi phí di chuyển.

Trong khi đó, Thanh Hóa sở hữu bãi biển đẹp nhất miền Bắc, cộng thêm việc đa dạng sản phẩm du lịch, với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng/người, du khách đã có rất nhiều lựa chọn dịch vụ 3 - 5 sao tại Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn hoặc bất kỳ khu, điểm du lịch nào trên địa bàn tỉnh.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá cho biết, trong số 1,5 triệu lượt khách đến Thanh Hóa, có khoảng hơn 900 nghìn lượt khách lưu trú, tập trung tại các khu du lịch biển, TP Thanh Hóa và Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước).

Do lượng khách lưu trú trong kỳ nghỉ lễ cao dẫn đến tổng thu du lịch tăng, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về lượng khách và doanh thu.

“Tuy nhiên, nếu so sánh với các địa phương trong cả nước có mức doanh thu cao trong kỳ nghỉ lễ này như: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... thì mức chi tiêu bình quân/khách đến Thanh Hóa vẫn chỉ đạt ở mức khá, khoảng 1,73 triệu đồng/khách/ngày đối với khách lưu trú qua đêm; đối với khách tham quan trong ngày đạt khoảng 550 nghìn đồng/khách. Như vậy có thể nói, tổng thu du lịch của tỉnh chưa tương xứng với lượt khách”, bà Yến nói.

Dù lượng khách và doanh thu đứng đầu cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30..4 và 1.5 vừa qua, song thị phần khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Thanh Hóa còn rất hạn chế, tỷ lệ khách đi trong ngày khá cao...

Trong thời gian tới, khi các dịch vụ vui chơi giải trí của Sun Group tại TP Sầm Sơn và Flamingo Ibiza Hải Tiến được đưa vào khai thác đồng bộ, kết hợp với chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn sẽ tổ chức tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng mức chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch trong các kỳ nghỉ lễ tiếp theo.

Đây sẽ là cơ sở để Thanh Hóa, phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32,387 nghìn tỉ đồng, trong năm 2024.