Một người Hàn Quốc đặc biệt

HỒ QUANG LỢI; trình bày: LÊ MẠNH
Chia sẻ

Người Hàn Quốc đặc biệt đó là Giáo sư Ahn Kyong - hwan mà tôi đã có dịp gặp gỡ và chuyện trò nhiều lần. Câu chuyện của chúng tôi gần như bao giờ cũng về lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 1

Sự hiểu biết tường tận cũng như ý muốn tìm hiểu sâu hơn nữa của ông về đất nước, con người Việt Nam làm cho các cuộc chuyện trò giữa chúng tôi lúc nào cũng hào hứng, thú vị.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 2

Điều làm nên sự đặc sắc ở ông chính là những gì ông đã dày công, dồn tâm huyết truyền toả văn hoá Việt Nam, tinh thần Việt Nam trong xã hội Hàn Quốc, là những gì ông đã và đang làm để kết nối hai nền văn hoá, góp phần phát triển quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc một cách sâu sắc và bền vững.

Giáo sư Ahn Kyong - hwan chính là người đã dịch sang tiếng Hàn Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhật ký Đặng Thuỳ  Trâm, Thời tái chế của Mai Văn Phấn, Chúa đất của Đỗ Bích Thuý. Hãy thử tưởng tượng xem, không chỉ là số lượng đồ sộ các tác phẩm mà sự tinh tế của những áng văn thơ này đã lấy đi biết bao thời gian, công sức, trí tuệ của một người nước ngoài như giáo sư Ahn Kyong - Hwan. Chỉ có sự tinh thông tiếng Việt, lòng ngưỡng mộ, tình yêu đặc biệt dành cho văn hoá và con người Việt Nam thì Giáo sư Ahn Kyong- Hwan mới hoàn thành được một khối lượng dịch thuật lớn, với chất lượng cao như vậy.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 3

 Trong lần gặp gỡ mới đây tại một ngôi biệt thự cổ ở trung tâm Hà Nội, bên cốc cà phê nóng, khi biết ông vừa được mời về làm Hiệu trưởng đối ngoại của Trường Đại học Nguyễn Trãi, tôi gợi ý ông nên dịch Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi sang tiếng Hàn thì ông cười: “Tôi dịch rồi”. Như mọi lần gặp gỡ, vẫn là nụ cười tươi vui, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, trên gương mặt hiền từ, thanh thản của ông. Đương nhiên là chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Việt. Tiếng Việt của ông thật tuyệt! 

  Câu chuyện của cuộc đời ông với đất nước Việt Nam bắt đầu bằng tiếng Việt. Ông kể, khi đang là học sinh trung học, ông muốn tìm một môi trường hoàn toàn mới mẻ, khác biệt để chuẩn bị cho tương lai của mình. Năm 1974, khi Việt Nam vẫn còn trong khói lửa chiến tranh, ông đã quyết định lựa chọn Khoa tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc tại Seoul.

Khi trường đại học của ông mời giáo viên là người Việt Nam đến dạy tiếng Việt thì đó là lần đầu tiên ông  được tiếp xúc với người Việt Nam. Mãi đến năm 1989, ông mới có cơ hội đến Việt Nam lần đầu.

Khi đó, ông gần như đã quên hết tiếng Việt vì sau khi tốt nghiệp đại học, ông không còn được gặp ai là người Việt Nam, công việc chuyên môn cũng không liên quan gì đến tiếng Việt.

   Rồi ông vui vẻ kể lại cho tôi nghe chuyện lúc mới đến TP.HCM, ông hỏi "đường đến nhà dây thép ở đâu?", nhưng không người dân nào biết cả. Lạ quá, “nhà dây thép” thông dụng thế mà không người Sài Gòn nào biết là sao nhỉ, ông tự hỏi. Sau đó ông mới hiểu, thứ tiếng Việt ông dùng là ngôn từ cũ nên nhiều người Việt không hiểu được. Thì ra, “nhà dây thép” chính là Bưu điện. Đến TP.HCM, ông làm Giám đốc chi nhánh của một tập đoàn kinh tế, được trả lương cao.

Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, họ cần người biết tiếng Việt. Ông đứng trước hai sự lựa chọn: Tiếp tục làm việc cho tập đoàn kinh tế, lương cao, hoặc chuyển sang dạy tiếng Việt theo lời mời của một trường đại học Hàn Quốc.

Và ông đã chọn con đường giáo dục, dạy tiếng Việt trong suốt hơn 30 năm qua. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Hàn Quốc lựa chọn chuyên ngành tiếng Việt. Nếu tốt nghiệp Khoa tiếng Việt ở Hàn Quốc, tất cả mọi người đều có việc làm. Tiếng Việt đang “hot” đấy, Giáo sư Ahn chia sẻ.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 4

Tôi nhớ lại cuộc gặp Giáo sư Ahn trong gần suốt một buổi sáng mùa thu năm 2022 tại Trường quốc tế Hàn quốc toàn cầu, nơi Giáo sư lúc đó đang làm Tổng hiệu trưởng. Giáo sư cho biết, khi dạy tiếng Việt, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

  “Tôi nhận thấy mọi người dân Việt Nam đều ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Hàn Quốc, tổng thống chỉ đơn thuần là tổng thống, không phải tất cả nhân dân đều yêu mến. Từ đó, tôi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tác phẩm của Người. Tôi tìm được cuốn Nhật ký trong tù bằng tiếng Hán, dịch ra tiếng Việt, đối chiếu với tiếng Anh rồi mới dịch sang tiếng Hàn Quốc”, Giáo sư chia sẻ.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 5

Rồi ông hồi tưởng lại quãng năm 2002, sau 14 tháng miệt mài dịch Nhật ký trong tù, ông mang bản thảo đến một Nhà xuất bản ở Hàn Quốc. Nhưng Nhà xuất bản trả lời rằng nếu in thì sẽ lỗ to vì sách không bán được. Thế là Giáo sư tự bỏ tiền ra in 1.000 cuốn "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Hàn Quốc, tặng cho bạn bè trong cả nước. “Tôi muốn họ hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người bình thường mà vĩ đại. Có thể nói, nhiều người Hàn Quốc hiểu Việt Nam, yêu quý Việt Nam bắt đầu bằng việc khâm phục, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bây giờ Nhà xuất bản yên tâm xuất bản rồi vì có nhiều người tìm mua tập thơ. Tôi không nhớ đã tái bản bao nhiêu lần cuốn Nhật ký trong tù bằng tiếng Hàn Quốc. Sau này, nhiều người Hàn Quốc cũng sáng tác, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Giáo sư tâm sự.

    Sau các chuyến đi làng Sen, Giáo sư Ahn đã dịch 133 bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù”, năm 2003, sách được xuất bản. Năm 2005, sách được Giáo sư kính tặng đến Bảo tàng Hồ Chí Minh và được trưng bày nhân dịp kỉ niệm 105 năm ngày sinh của Người. Giáo sư khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tương lai tươi sáng của Việt Nam. Cuộc đời cao đẹp, tấm gương đạo đức trong sáng của Người đã gây xúc động cho nhiều người trên thế giới. Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO khóa 24 đã tôn vinh, ghi nhận những đóng góp kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại”.

   Bằng sự ngưỡng mộ đó, Giáo sư Ahn đã tổ chức nhiều Hội thảo, hội nghị về Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn hoá Việt Nam. Năm 2005, Giáo sư Ahn cùng 25 nhà thư pháp Hàn Quốc đã tham gia viết thư pháp tập thơ Nhật ký trong tù. Nghệ thuật viết thư pháp tập thơ này đã được giới thiệu, trưng bày trong suốt 11 tháng tại năm thành phố lớn của Hàn Quốc là Seoul, Busan, Gwangju, Deagu, Mokpo và ba thành phố của Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM và Vinh (Nghệ An).

 Ngay trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Giáo sư cũng đã tổ chức hội thảo trực tuyến về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó, in các tham luận thành một cuốn sách và gửi cho 100 nghị sỹ của Hàn Quốc để các nhà chính trị tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2010, Giáo sư Ahn đã tổ chức “ Đêm hữu nghị Hàn -Việt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tại Nhà Quốc hội Hàn Quốc. Tháng 3.2022, ông đã tổ chức hội thảo về Phan Huy Ích nhân kỷ niệm 30 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 6

 Như trong một mối liên hệ máu thịt, từ năm 1989 đến nay, Giáo sư  Ahn đã sang Việt Nam tới khoảng 180 lần, đi khắp đất nước ta, từ Lũng Cú đến Cà Mau. Tôi cũng chưa được biết có người nước ngoài nào đã tới Việt Nam nhiều lần hơn Giáo sư Ahn hay không. Một kỷ lục chăng? Câu chuyện dưới đây của chúng tôi diễn ra vào một buổi sáng mùa xuân Hà Nội đầy nắng đẹp.

- Anh đã bắt đầu việc dịch tập thơ Nhật ký trong tù như thế nào?

+ Tôi nghĩ, muốn dịch được Nhật ký trong tù thì phải hiểu được thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đến thăm làng Sen lần đầu tiên vào năm 2002 bằng tầu hoả, lúc đó là ngày Tết. Không bao giờ tôi quên được chuyến đi này. Khi đến ga Vinh, trời mưa như trút nước. Không quen biết một ai, một mình tôi đi tìm khách sạn, quán ăn nhưng đều đóng cửa vào dịp tết. May mắn, sau đó, tôi được một người dân tận tình giúp đỡ, tìm được chỗ nghỉ ngơi và di chuyển bằng xe ôm 20km nữa vào thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà bà Hoàng Thị Loan. Đến nay tôi đã 8 lần vào thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 7

- Điều gì anh cảm nhận sâu sắc nhất khi dịch tập thơ “Nhật ký trong tù”?

+ “Trong tù không không rượu cũng không hoa”. 383 ngày trong chốn lao tù cô đơn như vậy, nhưng tinh thần lạc quan, lòng yêu nước, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào thắng lợi và tương lai của đất nước đã tạo nên sức mạnh tinh thần, vượt qua mọi khó khăn của Hồ Chí Minh.

- “Truyện Kiều” là đỉnh cao tinh hoa thi ca Việt Nam, ngôn ngữ rất đẹp, nhưng cũng rất khó cảm nhận hết cái hay ngay cả đối với không ít người Việt Nam, vậy khi dịch anh có gặp khó khăn gì không?

+ Có một số câu tôi không hiểu được. Tôi gửi email cho một giáo sư ở Hà Nội nhờ giúp đỡ, giải thích cho tôi. Tôi đối chiếu với bản dịch tiếng Anh và tôi nhận thấy bản dịch tiếng Anh không hay. Tôi cũng đã đến Nghi Xuân, quê của Nguyễn Du tới 6 lần để mong có thể hiểu sâu sắc nhất về Truyện Kiều và Nguyễn Du.

- Anh có cảm nhận là đã chuyển tải được tinh hoa của Truyện Kiều sang tiếng Hàn không?

+ Tôi dịch Truyện Kiều trong 10 tháng, ngày đi dạy, đêm về dịch tới khuya. Trong 2 tháng nghỉ hè, tôi tập trung cao độ, dịch từ sáng đến đêm. Tôi cảm nhận sâu sắc ba điều tuyệt vời trong kiệt tác này: Tình yêu, đạo hiếu với cha mẹ và đức tính hy sinh.

  -  Vậy trong tác phẩm “Những năm tháng không thể nào quên” của Võ Nguyên  Giáp, anh cảm nhận rõ nhất điều gì?

+ Đó là chiến tranh nhân dân, toàn dân Việt Nam là chiến sỹ. Một dân tộc như thế không thể bị đánh bại. Võ Nguyên Giáp thực sự có biệt tài trong điều hành cuộc chiến tranh nhân dân.

- Lý do gì khiến anh cất công dịch tác phẩm “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”?

+ Một hôm, có một người bạn gọi điện cho tôi nói rằng: Bây giờ xuất bản một cuốn sách 5.000 bản đã khó, vậy mà ở Việt Nam có một cuốn sách chỉ trong 6 tháng đã in tới 400.000 bản. Đó là cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Dịch cuốn này đi, Ahn ơi!

- Anh có gặp khó khăn gì khi dịch cuốn này không?

+ Về ngôn ngữ thì không, nhưng lại gặp trắc trở về pháp lý. Có một cú điện thoại từ Mỹ gọi cho tôi hỏi: “Ông có phải là Giáo sư Ahn không? Ai cho phép ông dịch Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm? Bản quyền tác phẩm này thuộc về chúng tôi. Nếu xuất bản ở Việt Nam thì không sao, nhưng không được xuất bản ở nước ngoài”.

Tôi trả lời rằng: “Tôi dịch cuốn sách này không nhằm mục đích thương mại mà chỉ để truyền bá trong giới học sinh, sinh viên Hàn Quốc. Các ông không có quyền cấm tôi. Tôi cứ dịch! Nhà xuất bản Hàn Quốc sẽ làm việc với các ông”.

Và Nhà xuất bản Hàn Quốc nói với phía Mỹ rằng “nếu các ông không đồng ý chúng tôi in bản dịch của Giáo sư Ahn thì chúng tôi sẽ thuê dịch và sẽ trả “phí bản quyền” cho các ông, còn bây giờ bản dịch của Giáo sư Ahn đã hoàn chỉnh rồi”. Nghe vậy, phía Mỹ đã đồng ý cho xuất bản.

-  Thế còn với tập thơ “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn và tiểu thuyết  “Chúa đất” của Đỗ Bích Thuý thì như thế nào?

- Không chỉ dịch các kiệt tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Võ Nguyên Giáp mà qua Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Thời tái chế của Mai Văn Phấn, Chúa đất của Đỗ Bích Thuý, tôi muốn độc giả Hàn Quốc hiểu được đời sống xã hội Việt Nam đương thời, hiểu được văn hoá, tinh thần, tâm hồn người Việt Nam.

Tôi quyết định dịch Chúa đất của tác giả Đỗ Bích Thúy còn là vì được tổ chức "Hanse Yes 24 Foundation" hỗ trợ chi phí. Đọc cuốn sách này, tôi nghĩ người Hàn Quốc hiểu thêm về Hà Giang, người Mông và văn hóa Việt Nam. Đỗ Bích Thúy là một nhà văn có tài, trí tưởng tượng và khả năng dẫn dắt câu chuyện của chị rất ấn tượng.

Tôi nghĩ, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc thông qua giao lưu văn hóa. Hiện ở Hàn Quốc có 80.000 gia đình Hàn - Việt. Ở Việt Nam cũng đang có 200.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc. Để người dân hai nước hiểu biết về văn hóa của nhau, tôi cho rằng nên xuất bản nhiều bản dịch các tác phẩm văn học như tiểu thuyết, thơ của tác giả hai nước. 

- Tôi được biết, anh còn là Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam tại Hàn Quốc?

+ Với cương vị này, tôi đã tổ chức Hội thảo về Biển Đông với sự tham dự của  các chuyên gia Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác. Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và không trả cho Việt Nam. Tôi đã nói vấn đề này nhiều lần để mọi người dân Hàn Quốc hiểu.

Tôi đã nghiên cứu lịch sử về Biển Đông. Tôi dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam không thể không biết điều này. Theo lịch sử thế giới thì Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Từ thế kỷ 17, các triều đại của Việt Nam đã cử người quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi mời nhiều chuyên gia các nước đến dự Hội thảo nhưng riêng Trung Quốc các chuyên gia không tham gia.  

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 8

   Trong 7 năm qua, Hàn Quốc đã bứt lên giành vị trí nhà đầu tư số một vào Việt Nam (đến tháng 5.2023 với 9.666 dự án và gần 81,6 tỉ USD). Theo Giáo sư Ahn, trước đây do chiến tranh, Hàn Quốc cũng rất nghèo, Việt Nam có 4 mùa thu hoạch, Hàn Quốc chỉ có một mùa nên nghèo đói hơn.

Người Việt Nam chăm học, chăm làm, đôi tay khéo léo, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú hơn Hàn Quốc nên trong vòng hai thập kỷ tới, Việt Nam sẽ khá hơn Hàn Quốc. Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tương lai hai nước sẽ gắn bó với nhau.

Văn hoá không tách rời mà phải luôn luôn gắn liền với kinh tế, hỗ trợ cho hợp tác kinh tế phát triển. Vì thế, không chỉ chú trọng đến văn hoá mà Giáo sư Ahn còn quan tâm đến các lĩnh vực khác để góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 9

  Tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc làm việc của Giáo sư với Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân, đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam (VKBIA Việt Nam) Nguyễn Thị Minh Hằng, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn MHGroup. Với vai trò là đơn vị cầu nối để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Tập đoàn MHGroup thời gian qua đã hỗ trợ tư vấn kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Trong vai trò như người anh trai luôn đồng hành tư vấn cho cô em gái Minh Hằng giúp cho MHGroup mỗi ngày lớn mạnh hơn, Giáo sư Ahn đã cùng với chị Nguyễn Thị Minh Hằng bền bỉ và sáng tạo kết nối các đối tác Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Giáo sư Ahn và chị Nguyễn Thị Minh Hằng cũng song hành cùng các Doanh nghiệp của Kocham hiện do ông Hong Sun làm Chủ tịch, cũng như kết nối với cộng đồng doanh nghiệp tại Hàn Quốc mà sự tham gia trực tiếp của ông Pek Seung Hyeon, Thị trưởng Nonsan và ông Park Beom Jin, Chủ tịch Công ty Nolmae Insam là những ví dụ rất sinh động.

   Cũng qua sự kết nối của Giáo sư Ahn, Tập đoàn MHGroup đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với TJ Plan của Hàn Quốc. Tại Tập đoàn MHGroup, tôi và nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã từng tham dự buổi thuyết trình rất hào hứng của Giáo sư Lee Tea-kyung, Giám đốc Công ty TJ Plan.

 Giáo sư Lee Tea là một chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc về đường sắt đô thị cùng các đồng nghiệp của ông trong tổ chức TJ Plan về các giải pháp công nghệ và tài chính khá độc đáo, có thể xem xét, nghiên cứu trong tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

Song hành với Công ty TJ Plan còn có ông Jang, Su Young, Tổng giám đốc Công ty Korea Jack Pile, là 1 trong những doanh nghiệp có công nghệ đặc biệt về nén dồn cọc trong lĩnh vực xây dựng. Giáo sư Ahn thực sự là người kết nối tuyệt vời.       

 

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 10

Sáng Chủ nhật cuối xuân Giáp Thìn 2024 vừa qua, tôi có dịp cùng dự cuộc gặp trao đổi chương trình hợp tác giữa Chủ tịch Tập đoàn MHGroup Nguyễn Thị Minh Hằng với Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Văn hoá Hàn - Việt Kwon Sung- Taek qua sự kết nối của Giáo sư Ahn.

Tại cuộc gặp đó, ông Kwon cho biết Hiệp hội Kinh tế Văn hoá Hàn - Việt đang lập một dự án đặc biệt: mời hoạ sĩ nổi tiếng được mệnh danh là “Picasso của Hàn Quốc” vẽ các bức tranh khắc hoạ cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trưng bày và tặng Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người.

Đó thật sự là thêm một câu chuyện đẹp nữa trong vai trò kết nối, giao lưu văn hoá, tình hữu nghị thắm thiết giữa Việt Nam và Hàn Quốc của Giáo sư Ahn. 

Trong một lần gặp gỡ vào tháng 4 năm 2024, với sự am tường về lịch sử hai nước, Giáo sư Ahn cho biết tiến trình giao lưu hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc đã khởi đầu từ cách đây 900 năm.

Trong quá khứ, các sứ thần Đại Việt và Triều Tiên đã từng nhiều lần gặp gỡ, trao đổi thơ ca và chia sẻ tình hữu nghị tại Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), Trung Quốc. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa sứ thần hai nước là vào năm 1460 giữa Lương Như Hộc thời nhà Lê và Seo Geojeong thời Joseon.

Từ đó cho đến cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Phạm Hy Lượng và Lee Yong-suk vào năm 1870, trong vòng 410 năm, với 16 lần giao lưu gặp gỡ đã có tới 126 bài thơ và 17 bài viết được truyền lại cho hậu thế. Sứ thần Phùng Khắc Khoan (Đại Việt) đi sứ Trung Hoa năm 1596 và 1597 đã từng gặp gỡ sứ thần Lý Túy Quang (Joseon) ở Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) Trung Quốc, khi họa thơ cùng các sứ thần Joseon, Sứ thần Phùng Khắc Khoan đã viết:

Cổ vân tứ hải giai huynh đệ,

Tương tế đồng chu xuất cộng xa.

Tạm dịch:

Từ xưa đã có câu bốn biển cùng là anh em,

Cùng nhau qua sông một thuyền, cùng ra vào chung một xe.

Giáo sư Ahn khẳng định, chính tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ” đó đã tạo tiền đề cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

    Với những nỗ lực cống hiến bền bỉ của mình, Giáo sư Ahn Kyong - hwan đã được trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hữu nghị (2018), Huy chương vì sự nghiệp Văn hoá (2003), Huy chương vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc (2004), Công dân Danh dự Thủ đô Hà Nội (2014)…

   Cả cuộc đời làm việc của Giáo sư Ahn Kyong - hwan gắn với Việt Nam, dành trọn vẹn cho tiếng Việt, văn hoá Việt và cho đất nước Việt Nam. Ông là người Hàn Quốc mang tâm hồn Việt Nam.    

Cảm phục, ngưỡng mộ và trân trọng cảm ơn Giáo sư Ahn Kyong – hwan.

Một người Hàn Quốc đặc biệt - ảnh 11

Hà Nội, tháng 4.2024