Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

10 năm thi hành Luật PCBLGĐ: Cần xử nghiêm hơn hành vi bạo lực gia đình

Thứ Sáu 14/12/2018 | 09:32 GMT+7

VHO- Bên cạnh việc ghi nhận những hiệu quả của việc thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ do Bộ VHTTDL tổ chức cũng đã nhìn thẳng vào những bất cập, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị

BLGĐ vẫn đang diễn biến phức tạp

Trong Báo cáo trình bày tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, từ tổng hợp các số liệu của các địa phương trong 10 năm qua nhìn chung tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Song, theo Thứ trưởng con số này chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng BLGĐ hiện nay, bởi ngay từ số liệu báo cáo đã có sự chênh lệch rất lớn. Hơn nữa, số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học lại cho thấy có 30% số hộ gia đình được phỏng vấn cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ. Như vậy, theo Thứ trưởng, hằng năm số hộ gia đình có hành vi BLGĐ có thể lên đến hàng triệu hộ. Kiểm tra tình hình BLGĐ tại cộng đồng dân cư cho thấy, hành vi BLGĐ xuất hiện khá phổ biến, song phần lớn nó không được coi là BLGĐ hoặc bị che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết mỗi năm có hàng trăm trẻ em bị bạo hành rất nặng phải nhập viện cấp cứu. “Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi trường hợp trẻ em bị bạo hành nặng phải cấp cứu, thì phải có 300-600 trường hợp khác chưa được khai báo. Như vậy con số trẻ em bị bạo hành rất nhiều”, ông Hải phân tích. Ông khuyến cáo, các cơ quan thực thi pháp luật phải nhìn thẳng vào sự thật là tình trạng bạo hành trẻ em đang rất nặng nề. Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Ngân Giang khẳng định tình trạng BLGĐ giữa vợ chồng, cha con, mẹ con... rất đáng lo ngại. Số vụ án mạng xuất phát từ nguyên nhân này ngày càng nhiều và rùng rợn hơn. Đó là cảnh chồng đốt vợ con, giết vợ phi tang... Hoặc chồng giết vợ chỉ vì từ chối “chuyện chăn gối". Trong nhiều vụ án, vợ giết chồng bởi họ là nạn nhân của BLGĐ và đã quá sức chịu đựng.

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc

10 năm vẫn không thể giải quyết

Thực tiễn thi hành Luật PCBLGĐ nảy sinh rất nhiều những bất cập, đòi hỏi phải có sự sửa đổi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho rằng điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCBLGĐ là chưa hợp lý, nạn nhân của BLGĐ bị tổn thương, nhưng lại phải rời khỏi nhà của mình để tránh, trong khi kẻ có hành vi bạo hành lại đương nhiên được ở lại nhà. Hoặc Nghị định 167 của Chính phủ quy định mức xử phạt về hành vi BLGĐ với mức tiền chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng chưa có tính răn đe, giáo dục với những đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TAND tối cao cho biết có những vụ việc ly hôn bởi BLGĐ kéo dài cả 10 năm mà vẫn không thể giải quyết bởi các vấn đề tranh chấp về tài sản, việc điều tra xác minh tài sản chung vợ chồng rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do các đương sự sống ly thân đã tẩu tán tài sản hoặc gây cản trở trong quá trình đo đạc, định giá tài sản, ảnh hưởng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân BLGĐ. Các cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ kịp thời người bị xâm hại, công tác thu thập chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết bị kéo dài, nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh hành vi vi phạm. “Các vụ án về hôn nhân và gia đình, đương sự có hành vi BLGĐ thường có ý thức pháp luật thấp, có thái độ thách thức pháp luật, không hợp tác dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết của Tòa án”, ông Thuân nêu.

Luật PCBLGĐ hiện hành chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi, nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt...

Để giải quyết những vấn đề khó khăn và bất cập khi thi hành Luật PCBLGĐ, Bộ VHTTDL đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ, kiến nghị xây dựng Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn kinh phí chi cho lĩnh vực gia đình và PCBLGĐ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về PCBLGĐ... 

 Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội ngày 12.12, với sự tham gia của đại diện các Ủy ban của Quốc hội; các tổ chức quốc tế; các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt, có sự tham gia của những cá nhân điển hình trong PCBLGĐ ở cộng đồng. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 80 tập thể và 142 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật PCBLGĐ, Báo Văn Hóa được trao Bằng khen tập thể và Bằng khen cho 1 cá nhân.

 

 THÚY HIỀN; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top