Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Góc nhìn của người trẻ về giá trị hôn nhân, gia đình

Thứ Sáu 13/08/2021 | 09:34 GMT+7

VHO- Trong vài thập niên trở lại đây, hôn nhân và gia đình Việt Nam đã chứng kiến những biến chuyển quan trọng, từ kiểu mẫu gia đình truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn.

Xu hướng tổ chức cưới văn minh, giản dị, tiết kiệm đang được khơi dậy thành phong trào, lan tỏa và tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng Ảnh: INTERNET

 Qua một số nghiên cứu gần đây cho thấy quan điểm về hôn nhân của thanh niên cởi mở hơn, hiện đại hơn với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập có những tác động không nhỏ đến quan điểm của giới trẻ về hôn nhân về sống độc thân, kết hôn đồng giới, sống thử, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân… Người trả lời càng trẻ càng có xu hướng chấp nhận hiện tượng độc thân hơn người lớn tuổi. Có thể thấy tự do yêu đương và hôn nhân tự nguyện là xu hướng mà giới trẻ lựa chọn, việc tự tìm hiểu, yêu thương và đi đến hôn nhân vẫn là cách thức, con đường mà giới trẻ muốn có hạnh phúc của chính mình, chứ không phải vì mong muốn của một ai khác.

Các kiểu loại gia đình mới như hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân, tùy từng giai đoạn, thường rất hiếm hoặc không có trong truyền thống nhưng lại có xu hướng gia tăng trong các xã hội đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, hiện đại. Những xu hướng gia đình mới trong xã hội hiện đại cho thấy, giới trẻ ngày nay có cách nhìn khá cởi mở với những hiện tượng này. Cụ thể, có hơn 80% người trẻ khi được hỏi đều trả lời họ cảm thấy bình thường với những hiện tượng gia đình mới trong cuộc sống hiện tại.

Có thể nói, việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội có thể bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, một mặt, mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, mặt khác, tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, như hẹn hò trực tuyến... dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái, từđóđe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

Theo quan điểm của giới trẻ, kinh tế được hiểu là khi có một công việc tốt, có thu nhập cao, đời sống kinh tế ổn định sẽ là yếu tố tác động rất lớn đến sự bền vững của giá trị gia đình. Có thể thấy, quan điểm thẳng thắn của giới trẻ trong việc nhìn nhận giá trị hôn nhân, gia đình và những yếu tố duy trì giá trị đó bền vững sẽ tác động rất lớn đến định hướng hành vi của thế hệ trẻ Việt Nam.

Để phát huy giá trị hôn nhân, gia đình đối với thế hệ trẻ Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy những giá trị tích cực. Trong đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới đối với thế hệ học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt đồng bộ các chương trình giáo dục giá trị gia đình, hôn nhân đối với thế hệ học sinh, sinh viên (ít nhất từ học sinh THCS có thể hiểu được những giá trị hôn nhân và gia đình). Các hoạt động đó sẽ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ, trẻ em gái tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực vực đời sống - xã hội. Các hoạt động truyền thông nên sử dụng các kênh sáng tạo, tiếp cận được gần hơn với giới trẻ như qua mạng xã hội, youtube, tik tok… Sự lan tỏa các giá trị hôn nhân, gia đình nên được truyền thông một cách gần gũi, tránh dạng “ khẩu hiệu” để có thể tiếp cận và lan tỏa giá trị đến giới trẻ một cách chân thành, bình dị.

Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu quốc gia về thế hệ trẻ Việt Nam định kỳ nhằm tìm hiểu những mong đợi, xu hướng tình cảm cũng như nhận định của giới trẻ về những giá trị gia đình, hôn nhân, cuộc sống, công việc; từ có những hoạt động can thiệp phù hợp với mong muốn, nhận định của giới trẻ, giúp cho giới trẻ phát triển toàn diện, lành mạnh. Cần có sự quan tâm đến các giá trị của nhóm thuộc khu vực kém phát triển, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo… để có thể xây dựng các hoạt động mang tính nền tảng từ góc độ của nhà quản lý. Đồng thời, phát triển mạng lưới hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ len lỏi vào trong quan điểm, nhận định của giới trẻ.

Gia đình với những giá trị tình cảm, đạo đức, tâm lý, con cái… không thể thay thế trong sự phát triển của xã hội, những giá trị đó sẽ là những giá trị có tính định hướng đến hành động, suy nghĩ của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một tương lai Việt Nam phát triển bền vững. 

 TS NGUYỄN THỊ THANH THỦY

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top